Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến hàng ngàn ha rừng của tỉnh An Giang đang ở mức báo động cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ rơi xuống có thể cả cánh rừng rộng lớn sẽ bị thiêu rụi.
Gần 7.300 ha rừng có nguy cơ cháy cao
Theo Sở NN-PTNT An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh gần 16.900 ha, chủ yếu ở các huyện miền núi như: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP.Châu Đốc. Trong đó, rừng phòng hộ 11.550 ha chiếm 68,47%; rừng sản xuất 3.741 ha, chiếm hơn 22% diện tích đất lâm nghiệp; còn lại là rừng đặc dụng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: “Trong điều kiện mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng, không có mưa, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn trong mùa khô là rất cao. Tỉnh đã khoanh vùng trọng điểm các khu vực rừng có nguy cơ cháy trong mùa khô hạn là 7.286 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích rừng trên địa bàn”.
Cụ thể, theo UBND tỉnh An Giang rừng có nguy cơ cháy cao gồm: H.Tri Tôn diện tích gần 4.274 ha, H.Tịnh Biên 2.912 ha, còn lại H.Thoại Sơn và TP.Châu Đốc mỗi địa phương 50 ha. Lo nhất hiện nay là hầu hết các diện tích rừng đều đang ở cấp báo động cháy rừng cấp 5.
Từ đầu năm 2020 đến nay, An Giang đã chủ động triển khai 37 phương án, kế hoạch bảo vệ và phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng ở các địa phương có rừng. Đồng thời, chủ động tuyên truyền các thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong cao điểm mùa khô. Ngoài ra, củng cố lực lượng “4 tại chỗ” gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Kiểm lâm… để tham gia PCCC rừng. Qua đó, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã kết hợp với các ngành liên quan triển khai phát dọn cỏ, xây dựng các tuyến đường băng cản lửa, chống cháy lan khu vực rừng tràm núi Phú Cường, Trà Sư, Núi Cấm (H.Tịnh Biên), Núi Sam (Châu Đốc) và đốt chủ động PCCC rừng ở các khu vực giáp với đường mòn, đường lên núi để ngăn chặn việc cháy lan.
Để đảm bảo cho công tác PCCC rừng, An Giang đã bố trí phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Đề nghị hỗ trợ 142 tỉ đồng chống hạn và phòng chống cháy rừng
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về tình hình hạn mặn, PCCC rừng và sản xuất nông nghiệp gần đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, khu vực rừng vùng Bảy Núi (An Giang) nhiệt độ lên 35 - 36 độ C vào buổi trưa, cây lá khô hanh có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
|
Ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Rừng của An Giang không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn, vì đều là các khu di tích lịch sử, gắn với hoạt động du lịch tâm linh nên giá trị về kinh tế rất lớn. Tỉnh phải dứt khoát giữ được diện tích rừng, cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục du khách có ý thức PCCC rừng. Vì chỉ cần 1 tàn lửa của du khách bỏ xuống thì chủ rừng và cơ quan quản lý rừng sẽ phải xử lý hậu quả”.
Để thực hiện tốt công tác PCCC rừng, phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí hơn 142 tỉ đồng để tỉnh thực hiện các công trình cấp bách đảm bảo phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và PCCC rừng. Đầu tư xây dựng hồ chứa nước 10 ha, với dung tích 240.000 m3 dưới chân núi Phú Cường (H.Tịnh Biên) để phục vụ PCCC rừng và phục vụ đời sống dân sinh; hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, thiết bị chữa cháy rừng vùng đồi núi.
Bình luận (0)