Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên

Ngọc Long
Ngọc Long
26/09/2023 09:13 GMT+7

Từ ký túc xá, trường học đến sân tập, phòng gym, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình dáng chăm tập thể dục, thể thao của giới sinh viên. Không chỉ để tăng cường sức khỏe, đây còn được xem là 'liều thuốc' giúp các bạn tự tin chinh phục hành trình ĐH.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 1.

Buổi đá bóng "máu lửa" của sinh viên ký túc xá vào chiều muộn

CLB PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH SINH VIÊN

Cứ mỗi sáng sớm, Trần Thiên Minh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lại tranh thủ thời gian vệ sinh cá nhân, sau đó thay đồ dễ vận động, xỏ giày thể thao để bắt đầu ngày mới bằng chuyến chạy bộ kéo dài khoảng 30 phút. "Tôi xây dựng thói quen này từ năm nhất để giúp tinh thần, đầu óc luôn sảng khoái và minh mẫn trước khi đến giờ vào lớp", chàng trai quê Tây Ninh chia sẻ.

Từ ký túc xá, trường học

Hiện sống tại khu A ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM ở TP.Thủ Đức, Minh cho biết đây là cơ hội "vàng" để anh có thể thường xuyên rèn luyện sức khỏe miễn phí. Bởi lẽ, khuôn viên ký túc xá không chỉ rộng lớn mà còn bát ngát cây xanh với không gian thoáng đãng, yên bình. Điều này khiến không chỉ Minh mà nhiều sinh viên khác đến từ khắp các tỉnh thành cũng chọn chạy bộ, đi bộ mỗi khi mặt trời vừa ló dạng.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 2.

Không chỉ có mảng xanh bát ngát, ký túc xá còn lắp đặt các thiết bị để sinh viên tự tập thể dục

NGỌC LONG

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 3.

Phong trào thể thao đường phố của giới sinh viên với các bài tập hít đất, đu xà tại ký túc xá

CLB PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH SINH VIÊN

"Không chỉ sáng sớm, mà mỗi chiều tối, ký túc xá lại rộn ràng thanh âm rủ rê, cổ vũ vì hoạt động 'thế vận hội' rất riêng với ba 'không': Không đơn vị tổ chức, không giới hạn môn thể thao và cũng không trao huy chương. Dù là bóng đá, bóng chuyền hay cầu lông, các bạn đều năng nổ tranh tài với tinh thần 'vui là chính', để rồi kết thúc vui vẻ bằng chầu bún bò, cơm tấm do đội thua cuộc lần này chiêu đãi", nam sinh kể.

Cũng theo Minh, việc thường xuyên tập thể dục, thể thao không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, mà còn tạo điều kiện để sinh viên đến từ những hoàn cảnh khác biệt có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Với Minh, anh đã có một hội bạn thân thiết nhờ tham gia chung ở nhiều hoạt động. "Sự hài hước, quan tâm của các bạn đã giúp tôi vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà thuở đầu sống xa bố mẹ", Minh nhớ lại.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 4.

Muôn vẻ thể thao tại ký túc xá, từ bóng đá, bóng chuyền đến cầu lông...

CLB PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH SINH VIÊN

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 5.

Những buổi chạy bộ tại ký túc xá được đông đảo sinh viên hưởng ứng

CLB PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH SINH VIÊN

Là "người thành phố" và đang sống cùng gia đình tại Q.4, TP.HCM nhưng Lê Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng có phương pháp tập luyện riêng để giữ sức khỏe, duy trì vóc dáng. Cụ thể, vì luôn bận bịu với lịch học và làm việc do đã bước vào năm 3 nên Uyên chọn tận dụng không gian, thời gian sẵn có và đặt ra một mốc nhất định về số bước đi cần đạt được mỗi ngày.

"Chẳng hạn, trong thời gian học ở trường, thay vì đi thang máy như nhiều người thì tôi chọn di chuyển bằng thang bộ. Hay với những chặng đường có khoảng cách không quá xa hoặc nếu thời gian không gấp gáp, tôi sẽ đạp xe hay đi bộ đến. Còn nếu trong tuần quá bận bịu bài vở, tôi thường dành khoảng 15-20 phút buổi tối hoặc cuối tuần để chạy bộ ở khu vực quanh nhà", Uyên chia sẻ.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 6.

Nếu bận bịu việc học, việc làm, sinh viên có thể chọn leo thang bộ, đạp xe... để tiết kiệm thời gian, theo Phương Uyên

NHẬT THỊNH

Nữ sinh đồng thời lưu ý việc luyện tập sẽ khó đạt được kết quả mong muốn về sức khỏe, cân nặng nếu không xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Việc chọn thực đơn hay chế độ ăn uống nào là tùy thuộc vào sở thích, mục đích của các bạn, như ăn sạch (eat clean), thuần chay hay "tăng cơ, giảm mỡ".

Song, sinh viên cần nhớ bữa ăn phải có đủ dưỡng chất, các nhóm thực phẩm, hạn chế ăn quá đậm vị ngọt hay mặn, giàu chất béo và phải nhớ uống đủ nước từ 1,5-2 lít mỗi ngày, theo Uyên.

Đến sân tập, phòng gym

Tính chất công việc gắn liền với quá trình ngồi một chỗ trong thời gian dài nên Phan Hồ Duy Khang, sinh viên ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), gần đây đã đối mặt với một số vấn đề sức khỏe như mỏi cổ vai gáy, đau lưng. Vì lẽ đó, nam sinh viên xem thể dục, thể thao là "liều thuốc" chữa bệnh tự nhiên và duy trì luyện tập đều đặn sau giờ học từ giữa tháng 7 đến nay.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 7.

Thể thao là "liều thuốc" tự nhiên giúp Duy Khang cải thiện sức khỏe

NGỌC LONG

"Tôi thích những bộ môn vận động mạnh như bóng rổ, cầu lông, đá banh và chúng tôi thường kháo nhau đi tập sau giờ học để cải thiện sức khỏe lẫn phát triển thể hình. Tôi dành ra trung bình 1-2 ngày cuối tuần để luyện tập và mỗi buổi dao động từ 2-3 giờ. Tuy thời gian không nhiều nhưng hiệu quả là có, giúp cơ thể tôi nhẹ nhàng hơn và việc khuân vác đồ nặng hay chạy bộ đường dài cũng 'dễ thở' hơn nhiều", Khang nhận định.

"Trước đây, tôi cũng từng ăn uống khá bừa bãi, thích gì ăn đó chẳng bận tâm nhiều. Song, điều này đã khiến tôi tăng cân 'vùn vụt' cũng như tỷ lệ mỡ thừa trong cơ thể tăng cao. Thế nên từ khi bắt đầu luyện tập, tôi cũng điều chỉnh lại thực đơn, hạn chế các món có nhiều dầu mỡ và nước giải khát có ga. Điều này cần nghị lực rất lớn trong thời điểm mới bắt đầu thay đổi chế độ ăn", nam sinh lưu ý.

Cũng xem chế độ ăn uống là "bạn đồng hành" quan trọng của việc luyện tập, Lương Vĩnh Thiệu, sinh viên Trường ĐH FPT (TP.HCM), đưa ra một số lời khuyên như ăn vừa đủ, ăn chín uống sôi. "Tôi còn thích uống nước gạo lứt và sữa từ các loại hạt do nhà làm vì chúng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như thanh lọc cơ thể, cung cấp nhiều dưỡng chất", Thiệu cho hay.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 8.

Sân cầu lông buổi tối luôn được "lấp đầy" bởi đội ngũ sinh viên và người đi làm

NGỌC LONG

Nam sinh chia sẻ, từ thời tiểu học anh đã có ý thức tập thể dục, thể thao vì có định hướng đi thi đấu, đặc biệt ở hai bộ môn cầu lông và cờ vua. Ngoài ra, Thiệu cũng thường đi bơi và chạy bộ ngoài công viên. "Bản thân tôi thích tập một mình vì có thể điều chỉnh tiến độ bài tập vừa sức, tránh ảnh hưởng đến người khác cũng như đỡ mất thời gian", anh nêu quan điểm.

Cũng theo Thiệu, việc tập thể dục, thể thao tuy cần thiết nhưng tập thế nào cho hiệu quả cũng quan trọng không kém. Cụ thể, trước khi tập luyện, Thiệu khuyên bạn trẻ không nên ăn quá no để tránh tình trạng khó tiêu, nôn mửa. Hơn nữa, các bạn luôn phải khởi động kỹ các bắp cơ từ trên xuống dưới để hạn chế các chấn thương không mong muốn.

"Kế tiếp, khi vận động, bạn nên tập vừa sức trước, sau đó nâng độ khó từ từ đến khi cơ thể không chịu được nữa thì dừng, dành thời gian chinh phục mốc cao hơn trong những ngày tiếp theo. Hãy nhớ luôn nạp nước vừa đủ để tránh bị chóng mặt. Cuối cùng, sau khi tập xong, các bạn phải thả lỏng, căng cơ dù tập ít hay nhiều. Đây là hoạt động nhỏ nhưng vô cùng quan trọng và thường bị các bạn bỏ qua", Thiệu cho hay.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 9.

Vĩnh Thiệu nhận định biết cách tập hiệu quả quan trọng không kém việc tập thể dục, thể thao

NVCC

Một thay đổi rõ rệt từ khi lên ĐH, theo Thiệu, là anh phải tiết chế lại việc luyện tập vì lịch học và sinh hoạt ngoại khóa dày đặc, xuống còn 2-3 giờ vào tối cuối tuần. Đây cũng là vấn đề chung của đông đảo sinh viên hiện nay. "Thực tế, ai cũng sẽ rất bận nhưng hãy dành một ngày nhất định để nghỉ ngơi và làm điều mình thích. Riêng việc tập luyện đã cho tôi rất nhiều thứ, nhất là rèn đức tính kiên nhẫn để theo đuổi nghiêm túc một việc nào đó", Thiệu bộc bạch.

Một loại hình tập luyện phổ biến khác được sinh viên lựa chọn là đến phòng gym, như trường hợp của Nguyễn Hứa Quang Khoa, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. "Để đạt hiệu quả tốt nhất, cần chọn những bài tập với cường độ vừa sức và thực hiện đúng động tác, đồng thời tránh nâng tạ quá mức để tránh gặp chấn thương về xương, khớp. Ngoài ra, các bạn không nên tập cố định một loại hình mà hãy thay đổi linh hoạt để bổ trợ lẫn nhau", Khoa khuyên.

Một lưu ý khác trong quá trình tập gym là cảm nhận cơ và để ý nhịp thở. Chẳng hạn, việc hít thở sai có thể gây ra phản ứng ngược cho cơ thể và khiến chúng ta mệt mỏi hơn, từ đó giảm hiệu suất tập luyện, thậm chí là chấn thương, Khoa cảnh báo. "Theo chuyên gia, chúng ta có thể tập gym từ 3-5 buổi mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài từ 30-60 phút với người mới bắt đầu, và 60-90 phút với ai đã tập lâu năm", anh chia sẻ thêm.

Ấn tượng 'thế vận hội' của giới sinh viên- Ảnh 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.