Ông chưa mắc phải các bệnh của tuổi già. Ông có bảy người con thì có đến sáu người có công ăn việc làm ổn định, con cháu đề huề, dựng vợ gả chồng, trên đầu ngón tay cũng có tám, chín chắt nội rồi. Chiều nào cũng vậy, khi những con chim gọi nhau trên ngọn cây cau, từng đàn cò trắng bay về trời là ông tôi lại dắt chiếc xe đạp đi quanh nhà thăm những ông bạn già, thăm anh em họ hàng làng xóm…
Ký ức về ông nội trong tôi như cuốn tiểu thuyết không có trang cuối cùng. Ở đó không viết những nuông chiều vị ngọt của bánh kẹo, không có những đòn roi bị phạt dẫu suốt tuổi thơ đến lúc trưởng thành, có vô số lần chúng tôi mắc lỗi. Ở đó chỉ văng vẳng bên tai những lời thủ thỉ tâm tình, những lời dạy bảo nhẹ nhàng mà sâu sắc như những tia nắng bình minh đầu tiên chiếu rọi xuống cuộc đời tôi, sưởi ấm tâm hồn tôi trong những năm tháng thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ, và trong khoảng thời gian tôi nhốt mình trên căn gác bé nhỏ vì căn bệnh trầm cảm. Ký ức đó đậm nét đến nỗi thỉnh thoảng trong giấc mơ, bắt gặp một khoảng sân, một góc hiên, một rặng dừa nào đấy hay mỗi lần đi ngoài đường thấy ai đó hao hao giống là tôi như bắt gặp lại dáng hình ông nội. Trong tim dâng lên một sự xúc động lạ thường.
1. Hai năm trước, trong ngày giỗ bà nội sinh ra bố tôi, tôi mới có dịp được nghe ông chú là em ruột ông nội tôi kể lại. Lúc đó là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, bà nội tôi đã ốm yếu nhiều, chỉ nằm trên giường với căn bệnh phổi và những mũi tiêm qua ngày. Ông bác sĩ chung tường gạch với nhà tôi mỗi ngày tiêm cho bà hai mũi. Không hiểu thế nào hôm ấy một lọ thuốc đáng lẽ chia làm hai, ông lại chỉ tiêm một lần. Rút ống tiêm ra, bà tôi trút hơi thở cuối cùng. Anh em họ hàng bao vây quanh bác sĩ, yêu cầu nói cho ra nhẽ mọi sự rồi có ý "bắt đền". Thế nhưng ông tôi đã nén nỗi đau mất vợ dẫu lúc đó bà tôi còn rất trẻ và các cô chú tôi còn nhỏ dại để nói với mọi người trong gian giữa nhà tôi lúc bấy giờ rằng: "Người cũng đã mất rồi. Bây giờ trách móc, bắt lỗi, lại thêm một người, một gia đình khổ đau". Đám đông đang lao nhao lúc đó cũng nín lặng, ai làm được gì thì làm, xắn tay lo việc ma chay cho bà nội.
Ngày đưa bà ra đồng, trong cơn mưa rả rích, trong cái gió lạnh buốt thấu đến từng thớ da thịt, ông tôi ngồi trước mộ bà, tay bốc từng nắm đất đắp lên cao nữa rồi để mặc nước mắt tuôn trào. Ông đã hứa với bà sẽ nuôi các con khôn lớn nên người, dạy các con thành người tử tế.
Vài năm sau, trước những lời khuyên bảo của các cụ, ông lấy bà nội thứ hai làm vợ, có thêm cô út nhưng lời hứa năm xưa ông vẫn giữ y nguyên đến tận bây giờ.
2. Ngày còn nhỏ, mỗi lần bắt chấy cho tôi ở cái bậu cửa hiên nhà, mẹ vẫn thường kể lại cho tôi nghe chuyện bố mẹ nên duyên vợ chồng mới được mấy tháng, ông tôi đã cho bố mẹ ra ăn riêng. Thời bấy giờ, chuyện con cái sống cùng cha mẹ là lẽ đương nhiên ở cái làng cố bần nông quê tôi. Nên nhiều lúc mẹ cứ nghĩ mãi trong lòng rằng vì ông không thương con nên mới đẩy con ra ăn riêng với vài chục bơ gạo. Thế nhưng năm tháng qua đi, chứng kiến mâu thuẫn trong những ngôi nhà với nhiều thế hệ chung sống, mẹ tôi phần nào thấu hiểu những suy nghĩ và lo lắng của ông tôi. Mẹ chồng nàng dâu từ bao đời nay đã là chuyện muôn thuở, đằng này bà nội thứ hai lại trái tính trái nết. Các cô tôi lúc đó còn mải chơi, nhác làm. Thành thử nhà chỉ có mình mẹ bục mặt lo toan mọi việc. Sáng sớm ra gà chưa gáy, mẹ đã gánh chuối, gánh cà chua đi chợ bán nhưng trưa về vẫn còn nguyên chậu quần áo của các cô trút ra nhà tắm. Biết con dâu vất vả trong nhà, ông tôi chủ động cho bố mẹ tôi ra riêng ở ngôi nhà cũ. Sau này mẹ tôi nói "nhờ nội con nên cuộc sống làm dâu của mẹ dễ thở hơn nhiều người".
Ba mùa cá nắng ngoài ruộng trôi qua, những nhịp đập đầu tiên của sinh linh bé nhỏ mới hình thành trong bụng mẹ tôi. Ngày tôi chào đời, ông nội vẫn đang cày ruộng trên đồng hớt hải chạy sang trạm xá, chân ông vẫn còn nguyên bùn ruộng lấm lem. Mẹ tôi nhìn mà chảy nước mắt. Tôi là đứa cháu nội đầu tiên ông mong chờ nhưng chưa từng thúc giục mẹ tôi.
Những tưởng rằng đời cứ thế trôi đi bên lũy tre làng ngả bóng xuống bờ ao, trong cánh đồng lúa trải dài một màu xanh mướt, trong những cây dừa lúc lỉu quả trên cây mỗi khi mùa về. Thì chỉ vài tháng sau khi mẹ tôi sinh em gái thứ ba, trong một buổi trưa hè nắng đổ lửa xuống làng quê, bố tôi bị lên cơn, đập phá mọi thứ trong nhà. Sóng gió cuộc đời hết lớp này đến lớp khác đổ ụp xuống gia đình tôi. Sau này nhớ lại, tôi vẫn thường tự hỏi ông lấy đâu ra sức lực, lấy đâu ra sự kiên nhẫn và yêu thương để săn sóc cho con cháu trong những vũng lầy đó.
Ông bỏ việc dạy học, đưa bố tôi đi từ Bắc vào Nam, từ những bác sĩ có tên tuổi đến những thầy thuốc nam, mong cứu chữa cho bố tôi. Bà tôi ở nhà tỏ ý không hài lòng, "đá thúng đụng nia" vì ông đi riết nhưng chẳng thể ngăn nổi bước chân ông. Tiền trong nhà cạn đi mà bệnh tình bố tôi lại ngày một nặng hơn. Cùng đường. Hết cách. Ông mang bố tôi về. Cầu cứu các vị sư trong chùa. Ông còn hì hục đào hai viên đá to dưới cái trụ chống nhà rồi đem nó ra sông. Ông quỳ thụp dưới nấm mộ bà tôi xin cho bố tôi được trở lại như ngày xưa. Nói sao cho hết những năm tháng cùng cực mà cũng đầy yêu thương đó. Những vất vả hy sinh của ông nội tôi là nhiều vô kể.
Dấu chân ông đã in đậm từ đường cái đến bãi tha ma, từ đống rơm rạ đến ruộng lúa, từ miếu thờ thần hoàng đến bờ ao bụi cỏ trong những đêm lặng lẽ đi tìm bố tôi. Thế nhưng quãng thời gian khủng khiếp nhất với ông là những ngày người làng xách theo con gà đang rỉ máu, một buồng chuối non choẹt bị chặt làm đôi mang đến bắt đền ông vì bố tôi phá của họ. Người hiểu thì đe nẹt bố tôi vài câu rồi thôi. Người khó thương cho được thì lấy roi quất tới tấp vào bố. Tấm lưng gầy còm, khắc khổ nhưng vững chãi của ông đã bao lần che chắn cho bố tôi mà có thêm những vết bầm. "Con dại cái mang", ông đứng ra xin họ tha tội cho bố tôi vì người bệnh tâm thần đâu kiểm soát được hành vi. Dần dà, người làng cũng thương cho cái nỗi nhọc nhằn khổ tâm của gia đình tôi, không đến tìm ông tôi nữa. Thế nhưng cứ hễ làm được vại mắm ngon, bắt được mớ tôm tép đồng ngon, ông lại bảo tôi mang đến nhà họ.
3. Càng lớn tôi càng không mang bất cứ hình hài nào của bên nội. Những người bụng dạ hẹp hòi lại có tính chọc que vào mái tranh nhà người khác đã không ngần ngại nói rằng vì biết tôi không phải là con của bố nên bố tôi mới phát bệnh tâm thần. Mẹ định bụng rời đi. Mẹ tính chỉ mang tôi đi thôi vì tôi không phải là con của bố. Mẹ muốn chấm dứt những năm tháng khổ cực, đói nghèo bên cạnh bố. Đôi vai mẹ đã oằn cả xuống bởi miếng cơm manh áo cho chồng cho con và bởi những lần bố phát bệnh đánh mẹ chảy máu đầu với những vết sẹo chằng chịt trên da thịt. Dường như ông đọc được suy nghĩ đó trong đôi mắt buồn có phần nấn ná của mẹ. Một buổi tối nọ, ông sang nhà tôi, ngập ngừng một lúc lâu rồi bộc bạch:
"Bố biết mấy năm nay con đã khổ tâm nhiều. Bố biết nhiều lần con muốn đi. Đây là chút tiền bố tiết kiệm được, con cầm lấy, ra ngoài còn có cái sinh sống ban đầu. Con để mấy đứa nhỏ ở nhà, cả cái Đan nữa, chúng nó là cháu bố. Bố xót xa lắm".
Nói rồi ông đặt xấp tiền vào tay mẹ tôi rồi lầm lũi bước ra cổng. Bóng ông đổ dài trên chiếc sân gạch xỉn màu dưới ánh trăng như tô đậm thêm những khắc khổ của cuộc đời ông.
Mẹ cầm những đồng tiền trong tay. Những đồng tiền nhàu nhĩ. Có đồng bị gấp nếp. Có đồng ố vàng. Có đồng tiền đã cũ mèm cái mùi nồng nồng. Có đồng tiền dính mùi cá tôm, nước mắm của những ngày ông đi chợ. Mẹ để mặc cho nước mắt lăn dài trên hai gò má cuốn trôi cả ý nghĩ rời đi. Cái đêm thức trắng vò võ dài như cả cuộc đời đó mẹ đã quyết tâm ở lại cho chúng tôi một gia đình, dẫu nhiều lần cái nơi gọi là nhà đó chông chênh như sắp đổ vỡ.
Ông nội biết tôi không mang dòng máu họ Đỗ, nhưng tuyệt nhiên ông không bao giờ hỏi mẹ tôi, không lời ý sâu xa ẩn dụ. Ông chôn chặt trong lòng, và để nó mãi mãi ngủ yên. Ông dạy bảo tôi như những đứa cháu khác trong nhà và sự cần mẫn tỉ mỉ của ông đã xé toạc nghi ngờ trong lòng mọi người. Ông xoa dịu những vết thương lòng khi tôi bị mẹ mắng mỏ:
"Mẹ cháu khổ nhiều. Một mình đồng ruộng sớm hôm, ngược xuôi buôn bán nuôi cả nhà. Những áp lực đó khiến mẹ cháu trở nên cộc cằn, thô lỗ, đụng cái gì là nổi nóng là chửi. Nhưng tất cả cũng vì cái khổ mà ra. Chửi giống như một cách mẹ cháu trút ra những căng thẳng đè nén. Một người như thế, số phận mẹ cháu, đáng thương lắm".
Rồi ông bắt đầu kể lại, mẹ tôi từng dịu dàng thế nào, mẹ chăm chỉ làm lụng, mẹ thương yêu chăm sóc bố con tôi ra sao. Và nếu không có mẹ, bố tôi không biết sẽ sống như thế nào. Ông lấy ví dụ về bác Khanh trong làng cũng điên dại, vợ con biệt tăm, bác Khanh lang thang suốt ngày ai cho gì ăn nấy. Giọng kể của ông cứ chầm chậm vang lên trong ngôi nhà nhỏ thoảng mùi hương bưởi. Nếu ai không biết chắc hẳn sẽ nghĩ mẹ không phải là con dâu ông mà là cô con gái ông dứt ruột đẻ ra.
Tôi thêm một tuổi, học hành ngày một tốn hơn, một mình mẹ tôi không thể lo nổi. Ông xin các cô chú san sẻ giúp tôi học hành, cho tôi con chữ, cái nghề để tôi ngẩng đầu mà sống, không thua thiệt bạn bè. Hai cái chuồng lợn được xây lên, ông làm ổ khóa to vì sợ bố tôi phá chuồng giết lợn. Cứ thế bốn năm tôi học đại học, ba năm em gái tôi học cao đẳng, cả gia đình lớn của tôi đã nuôi chị em tôi nên vóc nên hình, có việc làm tử tế và nuôi sống bản thân. Tình yêu thương trong ông lớn lao đến nhường nào mới có thể thấu tình đạt lý như vậy, mới có thể hiểu cho được cái ý nghĩ của mẹ tôi, mới có thể che chở cho chúng tôi nhiều đến như vậy.
Khi ngồi trước máy tính, kỳ cạch gõ những dòng này, bức tranh về gia đình tôi không còn những gam màu hỗn độn xám xịt mà đã có thêm những mảng màu tươi sáng. Ông nội tôi đã bớt đi phần nào những lo lắng chất chứa trong lòng. Sau bao nhiêu năm yêu thương, thấu hiểu và nhân hậu, ông đã được an ủi, được bù đắp ở cái tuổi gần đất xa trời. Bệnh tình bố tôi đã giảm đi nhiều. Mẹ tôi hết lòng hiếu kính ông bà và ra sức chăm lo cho bố tôi. Tôi không phải là một nhà văn, tôi cũng không viết một câu chuyện tưởng tượng. Tôi chỉ thực lòng mong mỏi những lát cắt kỷ niệm tươi đẹp này sẽ tiếp thêm động lực cho ai đó có thể tự tin trong trẻo trên đường đời.
Bình luận (0)