Phóng viên Thanh Niên đã liên hệ được với bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhân của nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama và thực hiện trao đổi qua video chat.
“Tôi không ngờ”…
Bà Vũ Ngọc Ánh cho biết: "Tôi rất buồn, thực sự buồn khi nhận được sự giận dữ của cộng đồng mạng về Panorama. Tôi mua mảnh đất này đầu tiên là vì có một kỷ niệm sâu sắc ở đây. Tôi thật sự không có ý gì về phá hoại cảnh quan mà muốn đóng góp cho sự phát triển của du lịch địa phương. Một ngày đẹp trời, tôi không ngờ điều mà tôi tâm huyết nhất lại nhận được sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng.
Toàn bộ số tiền tôi đã đầu tư ở đây là trên 10 tỉ đồng, trong đó rất nhiều là từ bạn bè cho vay mượn. Khi xây dựng Panorama, tôi đã làm việc không mệt mỏi, và bản thân tôi, chủ nhân của Panorama hàng ngày vẫn đứng trong bếp nấu ăn cho khách từ sáng đến tối."
Bà Ánh chia sẻ: Lúc đầu, tôi đã xây dựng rất đơn giản, nhưng sau 5 lần tốc mái, tôi đã phải xây dựng công trình kiên cố thì mới chịu nổi bão giông nơi đây. Thật sự, đầu tư ở đây rất khó khăn, hiện giờ tôi vẫn phải mua nước từ thị trấn vào đây cho khách hàng. Chiều đến là lấy xe chở rác ra ngoài thị trấn Mèo Vạc để đổ. Mọi người hãy thử nghĩ cho tôi xem, với số tiền lớn như thế, tôi có thể gửi ngân hàng, hay đầu tư vào việc khác, vừa có tiền, vừa đỡ khổ, sao tôi lại phải lặn lội đến một nơi khó khăn như thế này để đầu tư?
Tôi là một phụ nữ đơn thân đã gần 60 tuổi, nuôi ba đứa con và rất muốn con tự hào về mình, nên đã làm một điều gì đó cho địa phương này. Tôi đã nguyện, nếu tôi có được kết quả kinh doanh tốt, tôi sẽ giúp được nhiều đứa trẻ ở địa phương này như tôi đã và đang làm. Tôi thật sự không có một ai “chống lưng” như nhiều người đã nói, mà thật sự đã làm bằng tất cả tâm huyết.
Ý kiến cộng đồng: Rất cần điểm dừng chân nhưng xây thế nào?
Facebooker Xuân Sơn Võ chia sẻ: Thỉnh thoảng trên đèo Mã Pì Lèng, chúng ta gặp các công trình xây dựng các hàng quán. Đa số các công trình này nằm ngay mặt tiền đường, và ở bên âm, tức là bên vực sâu. Và nói thật lòng, tất cả các công trình xây dựng đó đều rất phản cảm, đều phá vỡ cảnh quan, đều như cái gai chọc vào mắt du khách. Duy nhất chỉ có một cái Đài quan sát ở cách Mã Pì Lèng Panorama khoảng gần 1km là ít phô trương, nhưng cũng vẫn tạo ra hình ảnh bát nháo, giữa núi rừng trùng điệp và hoang sơ.
Mã Pì Lèng Panorama nằm ở vị trí quan sát tốt nhất hẻm núi Tu Sản tua tủa đá, mà bên dưới là đập thủy điện và con sông Nho Quế xanh biếc. Và nó là công trình được xây dựng lớn nhất, và có vẻ chắc chắn nhất. Tuy nhiên, giống như tất cả các công trình mang tính chất là quán, có thể dùng để ngắm cảnh trên đèo Mã Pì Lèng (có khoảng hơn chục, trong đó có những cái đang xây khá lớn), nó phô trương và phá vỡ cảnh quan của khu vực.
Anh đề xuất: Các công trình xây dựng các đài quan sát, hay nơi ngắm cảnh, cần phải lớn đủ mức cho du khách có chỗ để ngắm cảnh, chụp hình, có chỗ ngồi uống nước, nghỉ mệt. Nhưng nó cũng phải đủ nhỏ để không trở thành cái gai khi người ta ngắm nhìn toàn cảnh khu vực.
Chị Thanh Nguyên, một phượt thủ từng nghỉ chân tại Panorama Mã Pì Lèng nói: Tôi từng tiếp xúc với bà chủ của Panorama, thực sự, đứng ở Panorama, có thể ngắm trọn dòng sông Nho Quế cực kỳ đẹp mắt. Tuy nhiên, chị ấy sai lầm ở cái nhìn toàn cảnh, thiếu một tầm nhìn về du lịch bền vững. Giá như chị ấy xây tòa nhà này nhỏ nhắn, xinh xắn hơn và đẹp mắt như kiến trúc nước ngoài thì mọi sự đã khác.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang: Công trình điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng (nhà nghỉ, nhà hàng Panorama) huyện Mèo Vạc, do bà Vũ Thị Ánh, sinh năm 1962, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công đầu năm 2018 đến nay đã đi vào hoạt động.
Báo cáo này kiến nghị: Quá trình kiểm tra công trình thiếu thủ tục giấy tờ sau: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Dự án đầu tư chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Công trình chưa được cấp phép xây dựng.
Cũng theo báo cáo, điểm dừng chân này nằm ngoài ranh giới đồ án quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang.
|
Bình luận (0)