Bài ca cuộc đời

18/10/2022 09:00 GMT+7

- Em đã từng chết hai lần chị ạ! Đó là lý do em muốn sống, muốn một ngày trôi qua là một ngày sống đến tận cùng! (...)

- Em có nhắn gì cho các bạn trẻ không?

- Dạ. Đừng chết khi đang sống, hãy sống ngay cả khi đã chết!

Đó là cuộc trò chuyện của tôi với chàng trai đặc biệt Đặng Hoàng An.

1. Ước mơ

Hoàng An là chàng trai của mảnh đất Long Định, Cần Đước, Long An. Em đặt chân tới Sài Gòn khi là chàng thanh niên mười tám tuổi. Không giống bao bạn trẻ hồn nhiên bước vào giảng đường đại học, mỗi bước chân An nặng trĩu nỗi niềm. Có nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm sao thoát khỏi cái nghèo, cái khổ; nhưng nhiều hơn cả là nỗi lo làm sao thực hiện được ước mơ của mẹ, của cha.

Cha An mồ côi từ nhỏ, chân ướt chân ráo vào lớp vỡ lòng, rồi cũng sớm nghỉ học ngay từ đó. Mẹ An cũng mồ côi cha từ sớm. Nhà tám anh chị em nheo nhóc, mẹ An chưa một ngày được đặt chân tới lớp. Ngay cả các cậu hai, ba, bốn cũng phải ở đợ, chăn trâu cho người, để đổi gạo về nuôi các em. Nên, ước mơ của An đâu chỉ là của riêng cậu ấy, mà là sự cộng hưởng của cha mẹ, thậm chí cả họ hàng. Ước mơ như đá nặng đeo chân. Chàng trai thanh xuân ấy thấy cả bầu trời sáng lên khi cánh cửa Sài Gòn rộng mở. Cậu cứ đi và đi, khi phía sau là cánh đồng lác bạt ngàn, là những giọt mồ hôi thấm trên lưng áo mốc đen của cha, là cái nheo mắt lấp lánh giữa ngày nắng cháy lội đồng cấy thuê của mẹ.

Đi và đi, cuối cùng cậu đã chạm tới ước mơ.

Cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay, trở thành giảng viên chính thức khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, được say sưa đứng trên bục giảng - truyền lửa cho bao ánh mắt trong veo học trò, An đã òa khóc vì hạnh phúc.

2. Vực thẳm

Nhưng số phận cợt đùa. An đã nhào xuống vực thẳm khi cậu vừa chạm tay vào ước mơ hai mươi lăm năm đèn sách. Những ngày tháng tiết kiệm từng đồng, rồi quắt quay chốn thị thành, vừa đi dạy vừa làm trợ lý thanh niên, tư vấn tâm lý học đường, vừa học lên cao học đã vô tình bào mòn sức khỏe mà chàng trai tuổi bẻ gãy sừng trâu nào hay biết.

Một ngày cuối tháng 4.2016, cậu bị tụt canxi đường huyết, ngã nhào xuống từ tầng hai của tòa nhà. Chấn thương tủy sâu. Mất trí tạm thời. Cậu tính giấu mẹ cha, tự điều trị mà không thể. Hai người già “thất học” từ Long An khăn gói tới Sài Gòn tìm cách cứu con. Bác sĩ lắc đầu, rằng không thể, đôi chân cậu thực sự hỏng mất rồi.

An đau xót nhìn cha bế trên tay

TGCC

Người cha cả đời dệt chiếu, phụ hồ, nay bế con trên đôi tay, tìm thầy trị bệnh: “Cha sẽ tìm mọi cách cứu con!”. Chàng trai cao mét tám, hơn bảy mươi cân nay chỉ còn khung xương ọp ẹp. Nằm trên đôi tay rệu rã nắng mưa của cha, An không dám mở mắt nhìn, cậu đau thấu trong xương tủy.

Rồi vị thầy thuốc cuối cùng cũng xua tay. Tia sáng cuối cùng đã tắt lịm cuối đường hầm. Nhìn người đàn ông ở cái dốc bên kia cuộc đời quay mặt đi lén khóc, An đau.

3. Cái chết

Là một thạc sĩ tâm lý từng tư vấn cho bao người, An đã cố tỏ ra vững vàng, đón nhận số phận, cậu tự nhủ “không sao”, “mình sẽ ổn”. Nhưng rồi, cậu đau đớn nhận ra đó chỉ là sự dối lòng.

Ngày ngày chạm tay vào chiếc xe lăn, An thấu nỗi đau tận cùng của đôi chân bất lực. Đôi chân muốn chạy, muốn đi, nhưng giờ, chỉ giơ lên thôi đã chẳng thể nào.

Song, đỉnh điểm là khi cậu trở lại khoa Tâm lý của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - cầm quyết định thôi việc trên tay, lăn chiếc xe qua từng ô cửa giảng đường, bắt gặp giọt nước mắt lăn dài trên má người đồng nghiệp, cái vẫy tay tạm biệt, ánh mắt dõi theo xót xa của những học trò. Xe lăn, lăn, lăn qua hành lang thênh thang nắng gió. Bao vòng xe là bấy nhiêu thước phim ký ức hiện về, những bài giảng ngùn ngụt lửa... An lặng đi, thấy cả bầu trời xanh đổ sập dưới chân mình:

Ngày cậu về đường phố lặng thinh

Ngõ ngách ngược xuôi im lìm than thở

Rơi, rơi, rơi...

Mình nơi nào - tan vỡ

Cánh cửa sập rồi, hoài bão ước mơ tan...

Cậu đã chính thức “chết” từ ngày đó.

An chán nản buông xuôi...

TGCC

An trầm cảm nặng. Cậu ôm chiếc điện thoại, giam mình trong bóng tối. Cậu thả mình rơi tự do, không còn thấy đâu là ý nghĩa cuộc đời. Không muốn là gánh nặng của gia đình, không chấp nhận sự vô dụng, An nghĩ đến cái chết. Tuyệt thực là lựa chọn của cậu. Nhưng một ngày kia, cha cậu chua xót nói: “Con chó bệnh, còn tìm lấy khúc xương mà sống, còn con, lại cố tình hất bát cơm đi!”. Nhìn người đàn ông tuyệt vọng lắc đầu, ý nghĩ mình không bằng một con súc vật lóe lên, An choàng tỉnh. Nhưng tỉnh thức ấy cũng chỉ chợt lóe như tia chớp giữa màn đêm, rồi lại nhanh chóng lụi tàn.

Cho đến một ngày kia. Khi cha mẹ đang vệ sinh cho đứa con “thực vật”, An cắn phải lưỡi và chết. Trong ranh giới sinh tử, cậu thấy người cha đau khổ hoảng hốt, cuống cuồng hô hấp cho con, người mẹ héo úa quằn quại thét gào: “Ông trời ơi, hãy cứu lấy con con. Nó còn chưa kịp sống mà!”. Nước mắt người mẹ thấm vào da thịt cậu con trai bất hạnh. An tắt thở, chính thức bước vào cửa tử.

Và rồi, điều vi diệu đã xảy ra. Sau hơn ba mươi phút hồn lìa khỏi xác, An đã sống lại. Niềm hạnh phúc không thể diễn tả thành lời. Cha mẹ, họ hàng, làng xóm… tất cả vui mừng bật khóc. An đã thấy, thấy tất cả những nụ cười và nước mắt của những người thân yêu ấy.

4. Đứng lên mà đi

Vậy nên, cậu quyết định phải sống, sống xứng đáng với sự hy sinh, tình yêu thương của tất cả mọi người, sống trọn vẹn từng phút giây cuộc đời.

An bắt tay vào tự nuôi thân, vợi bớt gánh nặng trên vai cha mẹ. Cậu tâm niệm: “Sẽ đi bằng trái tim, đi tới nhịp đập cuối cùng!”, “Ngã ở đâu, đứng lên ở đó!”

Năm 2019, An khởi nghiệp trồng nấm bào ngư để phụ gia đình.

An say sưa truyền lửa tới học trò

t=gcc

Sau đó, cậu chính thức lăn đôi chân tròn tới các giảng đường. Khi là trường phổ thông, khi là trường đại học. Ngoạn mục nhất là cậu đã trở lại chính khoa Tâm lý của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Lần này, cậu mỉm cười rạng rỡ. Cậu lại say sưa truyền lửa. Bài giảng của An như luồng nước mát trong tưới trên sa mạc cằn khô học trò. Những ánh mắt thổn thức, lấp lánh, nuốt trọn từng lời giảng của thầy khiến An hạnh phúc. Cậu đã giảng không chỉ bằng kiến thức mà bằng chính cuộc đời u tối, bằng niềm khát sống rực cháy của mình. Bởi vậy, cậu đã chạm tới từng nơ-ron cảm xúc của những cô cậu học trò. Không ít bạn trẻ lỡ “sa chân”, cũng đã “đứng lên” sau mỗi bài giảng thấm thía tới tận gan ruột ấy.

Trong mùa dịch Covid-19, không thể di chuyển xa, cậu đã nhờ cha mang nhu yếu phẩm tặng cho những người dân trong khu cách ly.

Khi Sài Gòn “bệnh”, cậu đã tình nguyện tham gia chương trình “Vắc xin tinh thần”, trở thành tư vấn viên tổng đài 1022, “trị liệu” cho bao người dân thương tổn, truyền cho họ tia sáng niềm tin trong lúc ngộp thở bởi những đau buồn.

An tham gia chương trình Hát cho ngày mai của kênh HTV7, để tặng hơn 20 chiếc xe lăn cho người đồng cảnh.

Và ngay lúc này đây, An vẫn đang miệt mài trên con đường vạn dặm để cây yêu thương tỏa bóng mát xanh đời. Cậu nói, con đường đó sẽ không dừng lại, khi trái tim còn đập.

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta đánh mất đi nhiều thứ. Trò chuyện với An, tôi không thôi tự vấn: “Mình - sẽ - thế - nào - khi - gục - ngã?”, “Mình - đã - thật - sự - sống - hay - chưa?”.

Còn các bạn - nhất là các bạn trẻ, các bạn có dừng lại và tự vấn như tôi?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.