Bài học đắt giá trong sản xuất kinh doanh

16/07/2021 05:54 GMT+7

Trước sự việc hàng trăm ngàn cành hoa Đà Lạt xuất khẩu phải mang đi tiêu hủy , nhiều bạn đọc cho rằng đây là bài học đắt giá trong sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp.

Như Thanh Niên đưa tin, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm, cho biết theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thì từ ngày 1.7.2021, các loại thuốc BVTV có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước. Trong khi hàng chục năm qua Dalat Hasfarm sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa trong 20 phút trước khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc.
Điều đáng nói, hoạt chất Glyphosate được Úc, Nhật Bản - những nước nhập khẩu hoa Đà Lạt - chấp nhận. Nay do quy định mới tại Thông tư 10/2020 nên hơn 10 ngày qua, Tổ kiểm dịch của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đóng tại H.Đức Trọng (Lâm Đồng) từ chối cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc, dẫn đến việc Dalat Hasfarm phải “ngậm đắng nuốt cay” chở khoảng 700.000 cành hoa cúc, cẩm chướng về lại trang trại ở Đạ Ròn (Đơn Dương) để tiêu hủy.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Từ ngày 10.4.2019, Bộ NN-PTNT đã có quyết định thông báo loại hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Cũng từ thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) không được phép nhập khẩu hoạt chất Glyphosate về Việt Nam. Còn theo Thông tư 10 ban hành ngày 9.9.2020 của Bộ NN-PTNT, sau ngày 30.6.2021, Glyphosate là hoạt chất bị cấm sử dụng.

Tiếc cho công sức nông dân

Thiệt hại là nặng nề, không chỉ với DN và các hộ trồng hoa. Mất thị trường Úc không chỉ gây thiệt hại cho ngành hoa, ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng mà còn là thiệt hại chung của ngành hoa. Tôi cho rằng các bên nên cùng tháo gỡ, tức một mặt tìm hoạt chất khác thay thế, một mặt cho xuất khẩu lần này.

Kiệm

Tôi cứ thắc mắc: Bộ NN-PTNT đã có văn bản như thế mà tại sao DN lại không quan tâm thực hiện nghiêm. Nếu quan tâm, lường trước sự việc và có cách giải quyết trước đó, thì làm gì có chuyện tiêu hủy hàng trăm ngàn cành hoa. Đã làm ăn thì DN phải chuyên nghiệp, tránh những việc như thế chứ?

Dưỡng

“Đọc bài báo mà tiếc cho hàng trăm ngàn cành hoa của người nông dân bị tiêu hủy chỉ vì vướng quy định “đối đầu” mà lẽ ra có thể tránh được. Đây là bài học đắt giá, mà thiệt hại nhiều nhất lại là DN và người trồng hoa, trong lúc đang dịch bệnh Covid-19, kinh tế đã khó khăn rồi. Mong rằng các DN và Cục BVTV, Bộ NN-PTNT luôn có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ để không xảy ra trường hợp như thế này”, bạn đọc (BĐ) Minh An chia sẻ.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Yen viết: “Thông tư 10 đã có hơn 1 năm nay, thời hạn sử dụng Glyphosate đã được kéo dài đến 30.6.2021 chứ không phải bảo cấm là cấm ngay. Nếu DN thật sự chuyên nghiệp và chú ý thì đã không để đến giờ mới lý sự. Cũng đừng vội đặt câu hỏi tại sao Úc cho dùng Glyphosate mà Việt Nam lại cấm, chuyện không đơn giản thế đâu”.

Có nên “linh động” nới quy định ?

Trong khi đó, BĐ Hữu Định cho rằng: “Biết Glyphosate là hoạt chất diệt cỏ, là chất ta cấm, nhưng phía Úc vẫn chấp nhận. Hơn nữa quy định cấm chất Glyphosate có hiệu lực từ ngày 1.7.2021, thì tại sao chúng ta không “linh động” một chút để xuất khẩu hoa đợt này, rồi sau đó sẽ siết mạnh, không có lần thứ 2 “linh động”? Nếu được vậy thì sẽ không có hàng trăm ngàn cành hoa bị tiêu hủy, thiệt hại quá!”. Ý kiến này được một số BĐ đồng tình. BĐ Hạo viết: “Phía nhập khẩu họ chấp nhận mà. Mình siết quá, thiệt hại mình chịu, có cứng nhắc quá không?”. BĐ Vi***@gmail.com thì đề nghị: “Cơ quan hữu quan nên đánh giá lại và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN. Kinh doanh đã khó, gặp mùa Covid-19 còn khó hơn”.
Ở chiều ngược lại, BĐ Thâu phản biện: “Linh động như vậy là sai luật. Tôi không đồng ý. Luật là luật, phải chấp hành”. BĐ Phạm Hiếu Thảo phân tích: “Ngành NN-PTNT tính toán để đem lại lợi ích cho toàn thể người tiêu dùng Việt Nam, chứ không phải vì lợi ích của một vài DN. Loại bỏ những hoạt chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường là việc phải làm thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.