Bài học tác quyền từ vụ kiện Thần đồng đất Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/09/2019 06:21 GMT+7

Sáng 3.9, TAND TP.HCM ra bản án phúc thẩm, tuyên họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) là tác giả duy nhất của tác phẩm Thần đồng đất Việt sau hơn 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện tranh chấp tác quyền.

Trước đó tại phiên sơ thẩm hồi tháng 2.2019, TAND Q.1 (TP.HCM) đã tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo” và “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (TĐĐV) gồm 78 tập; không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) là đồng tác giả; buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc sử dụng những biến thể khác nhau của những hình tượng do Lê Linh sáng tạo từ các tập TĐĐV tiếp theo, cũng như trên các ấn bản TĐĐV khoa học, TĐĐV mỹ thuật…; đồng thời Công ty Phan Thị phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thanh toán chi phí thuê luật sư cho ông Lê Linh là 15 triệu đồng.
Do có kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh nên vụ án tiếp tục được xét xử phúc thẩm tại TAND TP.HCM.

Quyền nhân thân của tác giả bị xâm phạm

Trong quá trình tố tụng, đại diện Viện KSND TP.HCM cũng kiến nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn và đề nghị giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm của TAND Q.1. Bản án phúc thẩm nêu quan điểm của Viện KSND TP.HCM: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định. Trong quá trình phát hành các ấn phẩm, Công ty Phan Thị đều xác định bút danh Lê Linh là người thực hiện phần tranh minh họa. Việc bà Hạnh cho rằng 4 hình tượng đang tranh chấp được định hình rõ ràng trong trí óc của bà, còn ông Lê Linh chỉ là người được bà thuê để vật thể hóa các ý tưởng của bà ra thế giới bên ngoài nên việc bà đề nghị là đồng tác giả không đúng với quy định của pháp luật”.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh và ông Lê Linh (trái, áo đen) cùng nghe tòa tuyên án sáng 3.9

Ảnh: Quỳnh Trân

Bên cạnh đó, HĐXX nhận định: “Nguyên đơn có hợp đồng lao động làm việc cho Công ty Phan Thị với nhiệm vụ vẽ tranh minh họa, mà cụ thể là hình tượng 4 nhân vật: “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo”, “Cả Mẹo” cho bộ truyện tranh TĐĐV nên Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm. Vì là chủ sở hữu tác phẩm, Công ty Phan Thị có quyền làm tác phẩm phái sinh; tuy nhiên việc làm này phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, không được sửa chữa, cắt xén tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả”.
Đối với việc 4 nhân vật trong các tập TĐĐV từ tập 79 trở đi có hình thức thể hiện khác so với hình thức thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả, theo HĐXX, hành vi này của Công ty Phan Thị đã xâm phạm quyền nhân thân của tác giả Lê Linh.

Bài học cho nhiều người

Vụ kiện tác quyền TĐĐV được cho là kéo dài “kỷ lục” trong tố tụng của VN cuối cùng cũng kết thúc có hậu, với câu đúc kết chua chát của họa sĩ Lê Linh: “Đây không phải là khổ nạn của tôi trong suốt hơn 12 năm mà còn là bài học của nhiều người khi vẫn còn lơ mơ về bản quyền và sở hữu trí tuệ”.
Rõ ràng, bằng chứng quan trọng mà bên bị đơn luôn đưa ra để phản bác quyền tác giả của ông Linh là văn bản ký ngày 29.3.2002 gửi Cục Bản quyền tác giả để xin cấp giấy chứng nhận bản quyền cùng đứng tên với bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Tuy nhiên, vì quyền đứng tên tác giả của tác phẩm là quyền nhân thân nên theo quy định tại khoản 2, điều 45 luật Sở hữu trí tuệ thì quyền nhân thân không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, nếu nguyên đơn có công nhận đồng ý chia sẻ cho bà Mỹ Hạnh toàn bộ hay một phần quyền nhân thân của mình trong việc sáng tạo 4 hình tượng nhân vật thì pháp luật cũng không cho phép.
Ngoài ra, theo điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20.9.2011 quy định chi tiết và hướng dẫn luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; Để được công nhận là tác giả, những người quy định tại các khoản 1, 2 của điều này phải đề tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được công bố, phổ biến; Cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả”. Và tại khoản 1, điều 6 luật Sở hữu trí tuệ: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.
Chính nhờ những quy định trên mà họa sĩ Lê Linh mới thắng kiện. “Thông qua vụ kiện TĐĐV, kể cả những người sáng tạo hay nhà doanh nghiệp đầu tư, theo tôi, cần quan tâm về sở hữu trí tuệ nhiều hơn nữa để đừng xảy ra những tranh chấp không đáng có như thế này”, ông Lê Linh chia sẻ.

Hơn 12 năm tranh chấp tác quyền

Năm 2001, họa sĩ Lê Linh bắt đầu làm việc tại Công ty Phan Thị và được giao thực hiện bộ truyện tranh TĐĐV. Tranh chấp quyền tác giả xảy ra khi đến tập 78, Lê Linh chấm dứt cộng tác với Phan Thị nhưng sau đó Phan Thị vẫn thuê họa sĩ làm tiếp và xuất bản từ tập 79 trở đi mà không có sự đồng ý của Lê Linh.
Năm 2007, Lê Linh bắt đầu khởi kiện Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh; được TAND Q.1 ra quyết định thụ lý, tuy nhiên sau đó vụ việc được chuyển lên TAND TP.HCM.
Năm 2008, Lê Linh nhiều lần thay đổi yêu cầu khởi kiện, rồi cuối cùng rút đơn tại TAND TP.HCM và sau đó chuyển đơn khởi kiện trở lại TAND Q.1.
Năm 2017, Lê Linh yêu cầu tòa án trưng cầu giám định của Trung tâm giám định quyền tác giả.
Từ 18.5 - 11.10.2018, TAND Q.1 triệu tập 4 lần nhưng không đủ mặt hai bên.
Ngày 28.12.2018, TAND Q.1 đưa vụ án ra xét xử nhưng hoãn vì bị đơn vắng mặt.
Ngày 24.1.2019, phiên tòa sơ thẩm diễn ra; ngày 18.2, TAND Q.1 tuyên án sơ thẩm.
Ngày 16.7.2019, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm theo kháng cáo của bị đơn; sáng 3.9, TAND TP.HCM tuyên y án sơ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.