Baidu trượt khỏi top 5 hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
16/08/2019 09:47 GMT+7

Sau đợt lao dốc 40% giá trị cổ phiếu trong năm nay, vốn hóa thị trường của Baidu chỉ còn 33,2 tỉ USD tính đến thời điểm đóng cửa ngày giao dịch giữa tuần này.

Theo South China Morning Post, giá trị thị trường của Baidu trượt xuống dưới giá trị thị trường của NetEase, vốn ở mức 33,5 tỉ USD. Cổ phiếu NetEase tăng 11,4% trong cùng giai đoạn cổ phiếu Baidu lao dốc. Meituan Dianping tăng 45% trong năm nay, đưa vốn hóa lên mức 46,7 tỉ USD.
Từng nằm trong nhóm BAT (gồm Baidu, Tencent và Alibaba) hay ba doanh nghiệp internet mạnh nhất nhì Trung Quốc, vốn hóa Baidu gần đây trì trệ hơn hẳn Tencent và Alibaba. Tencent và Alibaba hưởng lợi khi dân số dùng internet của Trung Quốc ngày càng chấp nhận thanh toán, mua sắm di động, nhắn tin và tìm kênh giải trí trên điện thoại thông minh.
Alibaba vừa công bố kết quả kinh doanh khá tốt hôm 15.8, hiện có giá trị thị trường 421,9 tỉ USD. Tenent, hãng game và truyền thông lớn, cũng báo cáo lợi nhuận khá hơn kỳ vọng một ngày trước đó và hiện có giá trị 405 tỉ USD.
Baidu hay hãng quản lý công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc đã và đang chật vật khi doanh thu từ quảng cáo chậm lại giữa nhiều bất ổn kinh tế. Các khoản đầu tư vào công nghệ mới như xe tự hành thì chưa đem lại lợi nhuận. Hồi tháng 5, Baidu công bố khoản lỗ ròng hàng quý đầu tiên là 327 triệu nhân dân tệ kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2005.
Sau quý kinh doanh thất bát, nhà sáng lập Baidu Robin Li kêu gọi nhân viên "chiến đấu" mạnh mẽ hơn. Baidu nắm 70% thị phần thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc, đặc biệt có ưu thế sau khi Google rời khỏi nước này vào năm 2010.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong xu hướng sử dụng internet làm giảm sức thống trị này. Nhiều người dùng giờ thích sử dụng các siêu ứng dụng khép kín như của Alibaba và Tencent cung cấp, nơi họ có thể dễ dàng xem phim, đọc tin tức, mua sắm trực tuyến và đặt mua thực phẩm mà không phải rời khỏi ứng dụng để vào trang tìm kiếm truyền thống.
Ngoài ra, Baidu cũng vấp phải sự cạnh tranh từ startup Bytedane, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok (hay gọi là Douyin ở Trung Quốc). Bytedance gần đây tiết lộ kế hoạch xây dựng công cụ tìm kiếm chung để tăng trải nghiệm cho người dùng. Nhà phân tích Sun Mengqi của Bank of Communication International Holdings nhận định: "Có nhiều hãng công nghệ ngoài nhóm BAT nhận được nhiều sự chú ý như Meituan và Bytedance".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.