Bản tin Covid-19 mùng 4 Tết: Cả nước 11.594 ca | Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh sau tết

04/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 4.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 4.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 11.594 ca Covid-19, 8.509 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 4.2.2022 (tức mùng 4 Tết Nhâm Dần) cho biết tính từ 16h ngày 3.2 đến 16h ngày 4.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.594 ca nhiễm mới, 8.509 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 84 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.147 ca.

Ngày 4.2: Cả nước 11.594 ca Covid-19, 8.509 ca khỏi | Hà Nội 2.756 ca | TP.HCM 66 ca

Thông tin về 11.594 ca nhiễm mới như sau:

  • 8 ca nhập cảnh.
  • 11.586 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.011 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.062 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.756), Đà Nẵng (1.544 ca trong 2 ngày), Nam Định (620), Quảng Nam (594), Phú Thọ (428), Vĩnh Phúc (375), Hải Dương (317), Hải Phòng (281), Thanh Hóa (277), Bắc Ninh (276), Nghệ An (269), Hưng Yên (264), Bình Định (260), Hòa Bình (258), Thái Nguyên (237), Lâm Đồng (230), Thái Bình (225), Ninh Bình (182), Bình Phước (161), Bắc Giang (160), Lào Cai (132), Quảng Bình (128), Quảng Ninh (116), Thừa Thiên-Huế (115), Hà Nam (112), Cà Mau (89), Sơn La (83), Hà Giang (83), Quảng Trị (78), Kon Tum (68), TP.HCM (66), Quảng Ngãi (64), Tuyên Quang (63), Bến Tre (57), Đắk Lắk (56), Tây Ninh (55), Điện Biên (51), Đắk Nông (49), Yên Bái (49), Vĩnh Long (43), Bạc Liêu (36), Khánh Hòa (34), Bắc Kạn (33), Đồng Tháp (29), Bình Thuận (26), Cao Bằng (26), Phú Yên (25), Trà Vinh (18), Hậu Giang (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Ninh Thuận (10), Lai Châu (9), Đồng Nai (9), Bình Dương (9), Long An (8 ), An Giang (5), Kiên Giang (4), Cần Thơ (4), Tiền Giang (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-198), Thanh Hóa (-186), Lạng Sơn (-114).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nam Định (+460), Quảng Nam (+238), Phú Thọ (+153).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 11.612 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.315.689 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.463 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.308.602 ca, trong đó có 2.099.639 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.390), Bình Dương (292.953), Hà Nội (142.433), Đồng Nai (99.926), Tây Ninh (88.460).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.509 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.102.456 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.213 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.462 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 372 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 61 ca
  • Thở máy xâm lấn: 305 ca
  • ECMO: 13 ca

Từ 17h30 ngày 3.2 đến 17h30 ngày 4.2 ghi nhận 84 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (5) trong đó 2 ca từ các tỉnh chuyển đến: An Giang (1), Kiên Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hải Phòng (5), Thanh Hóa (5), Thừa Thiên Huế (5), Vĩnh Long (5), Bình Định (4), Khánh Hòa (4), Kiên Giang (4), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (3), Bến Tre (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (3), Hậu Giang (3), Hòa Bình (3), Quảng Ngãi (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bình Dương (2), Cần Thơ (2), Đà Nẵng (2), Tiền Giang (2), Cà Mau (1), Gia Lai (1), Hải Dương (1), Long An (1), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 102 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.147 ca, chiếm tỉ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.258.323 mẫu tương đương 77.273.570 lượt người.

Trong ngày 3.2 có 6.320 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 181.665.411 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.080.967 liều, tiêm mũi 2 là 74.187.748 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.396.696 liều.

TP.HCM ghi nhận 431 ca Covid-19, 10 ca tử vong trong 3 ngày tết

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 3.2.2022, tức mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022, TP.HCM có 136 ca mắc Covid-19 được xác định. Trong đó, 130 ca sàng lọc tại bệnh viện, 3 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm y tế lấy mẫu, 2 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

TP.HCM ghi nhận 431 ca Covid-19, 10 ca tử vong trong 3 ngày tết

Như vậy, trong 3 ngày Tết vừa qua, TP.HCM có tổng cộng 431 ca mắc Covid-19 mới.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM hiện là 120 ca, trong đó có 115 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng.

Như vậy, tổng ca cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM là hơn 515.000 ca.

Trong ngày 3.2 tại TP.HCM có 3 ca mắc Covid-19 tử vong (trong đó có 1 ca từ các tỉnh khác).

Trong 3 ngày tết, TP.HCM có 10 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc Covid-19 tử vong tại TP.HCM đến nay là hơn 20.300 ca.

Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày 3.2 cho thấy số ca tử vong do Covid-19 kèm mắc bệnh nền là 2 ca, 1 ca không mắc bệnh nền. 2 ca tử vong trên 65 tuổi và 1 ca tử vong trong độ tuổi từ 51 đến 65.

Tính đến đầu ngày 4.2, TP.HCM còn hơn 1.500 ca mắc Covid-19 nằm viện, 5 ca cách ly tập trung và gần 2.100 ca cách ly tại nhà.

Trong ngày 3.2, TP.HCM đã tiêm được 353 liều vắc xin Covid-19. Trong số đó có 11 liều mũi 1, 74 liều mũi 2, 58 liều mũi bổ sung và 210 liều mũi nhắc lại.

Trong 3 ngày tết vừa qua, có tổng cộng gần 2.000 liều vắc xin Covid-19 được tiêm, trong đó nhiều người mới bắt đầu tiêm mũi 1.

Đến nay TP.HCM đã thực hiện khoảng 19,95 triệu liều tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, hơn 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,28 triệu liều mũi 2, gần 660.000 liều mũi bổ sung và khoảng 3,89 triệu liều mũi nhắc lại.

Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM là tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

Hiện tại, TP.HCM còn hơn 1,28 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó có gần 429.000 liều vắc xin AstraZeneca, hơn 252.500 liều vắc xin Vero Cell, hơn 6.400 liều vắc xin Moderna và gần 600.000 liều vắc xin Pfizer.

Lao động nghèo ở lại TP.HCM đi làm ngày tết sau một năm chật vật vì Covid-19

Len lỏi các ngỏ hẻm gần khu chợ Thạch Đà (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) là khu vực có nhiều dãy trọ của người lao động. Công việc của họ vốn không dư giả gì thì lại gặp nhiều tháng dịch bệnh Covid-19. Thế nên khi nhiều người đã về quê nghỉ tết thì họ vẫn chọn cách ở lại Sài Gòn làm việc xuyên tết.

Lao động nghèo ở lại TP.HCM đi làm ngày tết sau một năm chật vật vì Covid-19

Trong căn trọ rộng chừng 15 m2 là tổ ấm nhỏ của của ông Huỳnh Ngọc Tài cùng vợ và con trai.

Thời gian trước, ông Tài làm bảo vệ, lương tháng 5 triệu. Hai năm trở lại đây ông mua chiếc xe đạp cũ, cùng vợ đi nhặt ve chai. Cứ vậy, 6 giờ sáng, mỗi người một xe chia thành hai ngả, buổi trưa gặp nhau ở nhà rồi chiều đi tiếp tối mịt mới về nhà.

Đợt cao điểm của dịch bệnh Covid-19 không được ra khỏi nhà đi nhặt ve chai, ông Tài đăng ký tham gia tổ Covid-19 cộng đồng. Cả nhà sống nhờ vào gạo, rau củ trợ cấp của địa phương. Mấy tháng liên tiếp không làm ra đồng nào, áp lực dồn lên vai cả hai vợ chồng. Vì vậy, ngay khi thành phố vừa cho đi lại bình thường, hai vợ chồng ông ngay lập tức bắt đầu quay lại công việc.

Nhiều năm tất bật với công việc nhưng cũng chỉ đủ làm ngày nào tiêu ngày đó nên nhiều cái tết vợ chồng ông Tài cũng không có điều kiện về quê sum họp cùng gia đình. Năm nay, nhiều tháng phải ở nhà do dịch nên hai vợ chồng ông quyết định ở lại để đi làm.

Công việc cực khổ, kiếm từng đồng tiền vất vả là vậy, nhưng niềm vui của họ là mỗi ngày đều có được một bao ve chai đầy ắp. Đối với vợ chồng ông bà, mặc dù không thể về quê đón tết nhưng vẫn có có thể tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập.

Cách dãy trọ của vợ chồng ông Tài chừng 500 mét, dãy trọ của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lộc (42 tuổi) cùng vợ cũng còn vài phòng sáng đèn. Họ cũng là những người vừa trải qua những ngày tháng khó khăn vì dịch Covid-19.

Ông Lộc cũng mới đi phụ hồ lại sau dịch Covid-19 với tiền công 360 ngàn đồng mỗi ngày. Còn vợ ông Lộc làm công nhân may, vừa có việc làm hơn 1 tháng nay.

Đã nhiều năm không cùng vợ về quê ở Đắk Lắk ăn tết, năm nay cũng thế, họ đành ở lại thành phố đón tết.

Mặc dù khó khăn, nhưng vợ chồng ông Lộc phụ hồ vẫn cố gắng làm việc. Buồn và mệt mỏi những vẫn cố gắng để có thêm thu nhập lo cho con.

Tết đã về nhưng họ vẫn đang hoạt động với nhịp độ của cuộc sống ngày thường, hy vọng chào đón một năm mới đủ đầy hơn, ấm no hơn.

Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca Covid-19, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sau tết

Thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong 5 ngày nghỉ tết (từ 29.1 - 2.2.2022), trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc Covid-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).

Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca Covid-19, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sau tết

So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.

Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế.

Các dịch bệnh khác đang được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh do liên cầu lợn; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), bại liệt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cũng trong 5 ngày nghỉ tết, cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, đã tiêm được hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có hơn 92.600 liều mũi 2; gần 340.000 liều bổ sung và hơn 311.000 liều mũi 3 (tức liều nhắc lại).

Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình (hơn 102.000 liều), Hưng Yên (hơn 78.000 liều), Phú Yên (gần 68.500 liều), Hà Nội (hơn 55.300 liều), Phú Thọ (hơn 51.500 liều), Bình Thuận (hơn 41.200 liều), Gia Lai (hơn 35.800 liều), Quảng Nam (hơn 35.800 liều), Lâm Đồng (hơn 24.700 liều), Long An (hơn 22.100 liều).

Bộ Y tế cho biết tiếp tục tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn từ ngày 29.1.2022 đến hết ngày 28.2.2022.

Các địa phương rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng.

WHO: dòng phụ 'tàng hình' của Omicron có mức độ gây bệnh tương tự biến thể gốc

Ngày 1.2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các quốc gia sắp dỡ bỏ các lệnh hạn chế chống Covid-19 phải cẩn thận vì biến thể Omicron vẫn chưa đạt đỉnh tại nhiều nơi.

WHO: dòng phụ 'tàng hình' BA.2 của Omicron có mức độ gây bệnh tương tự biến thể gốc

"Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng. Loại virus này rất nguy hiểm và nó tiếp tục phát triển trước mắt chúng ta. WHO hiện đang theo dõi bốn dòng phụ của biến thể Omicron, bao gồm cả BA.2", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cảnh báo.

Theo bà Maria Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật về Covid-19 của WHO, chủng BA.2 mới nổi của biến thể Omicron dường như không nghiêm trọng hơn dạng BA.1 ban đầu:

“Không có dấu hiệu mức độ nghiêm trọng có thay đổi. Một lần nữa, nhìn chung thì biến thể Omicron chúng ta biết là dễ lây nhiễm hơn, có lợi thế tăng trưởng hơn và không gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn biến thể Delta. Nhưng nó vẫn là virus gây nguy hiểm”.

Các bình luận trên được đưa ra khi dạng BA.2 của biến thể Omicron bắt đầu thay thế dòng biến thể Omicron ban đầu tại nhiều nước như Đan Mạch. Hai dòng chính của Omicron này khác nhau ở hơn 40 điểm đột biến.

BA.2 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi vào đầu tháng 12.2021.

Theo một nghiên cứu phân tích các ca nhiễm Covid-19 tại hơn 8.500 hộ gia đình từ tháng 12.2021 đến tháng 1.2022, BA.2 dễ lây truyền hơn, nhưng BA.1 phổ biến hơn. BA.1 cũng có khả năng lây lan đối với những người đã được tiêm ngừa Covid-19 cao hơn.

“Chúng tôi cần mọi người biết rằng virus này sẽ tiếp tục lây nhiễm và tiếp tục phát triển”, bà Kerkhove nhấn mạnh.

WHO nhấn mạnh vắc xin, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội vẫn là những cách hiệu quả để chống lại Covid-19.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 4.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.