Bản tin Covid-19 ngày 12.3: Cả nước thêm 454.212 ca | Hà Nội vượt TP.HCM về tổng số ca nhiễm

12/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 12.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 12.3.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước công bố 454.212 ca Covid-19 mới, 84.811 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 12.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 11.3 đến 16h ngày 12.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 168.719 ca nhiễm mới. Sở Y tế Hà Nội, Nam Đinh, Hưng Yên, Phú Thọ đăng ký bổ sung thêm 285.493 ca. Như vậy tổng số ca nhiễm được công bố là 454.212 ca.

Trong ngày có 84.811 ca được công bố khỏi bệnh.

Thông tin về 454.212 ca vừa được công bố như sau:

  • 15 ca nhập cảnh
  • 168.704 ca ghi nhận trong nước (giảm 386 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 116.648 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (30.693), Nghệ An (11.666), Phú Thọ (7.216), Bắc Ninh (5.669), Sơn La (4.872), Hưng Yên (4.492), Lạng Sơn (4.479), Hải Dương (4.460), Tuyên Quang (4.287), Hòa Bình (4.279), Lào Cai (3.539), Nam Định (3.432), Hải Phòng (3.200), Cà Mau (3.200), Gia Lai (3.107), Quảng Ninh (2.988), Quảng Bình (2.921), Quảng Trị (2.827), Vĩnh Phúc (2.823), TP.HCM (2.804), Bắc Giang (2.794), Thái Bình (2.747), Điện Biên (2.728), Thái Nguyên (2.716), Bình Dương (2.696), Bình Định (2.687), Bình Phước (2.683), Lai Châu (2.599), Ninh Bình (2.507), Cao Bằng (2.442), Hà Nam (2.327), Yên Bái (2.186), Bến Tre (1.981), Hà Giang (1.971), Lâm Đồng (1.735), Khánh Hòa (1.560), Phú Yên (1.555), Đà Nẵng (1.517), Bắc Kạn (1.493), Đắk Nông (1.427), Tây Ninh (1.401), Thanh Hóa (1.338), Vĩnh Long (1.335), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.211), Trà Vinh (1.177), Hà Tĩnh (873), Kon Tum (770), Quảng Ngãi (693), Bình Thuận (646), Quảng Nam (328), Bạc Liêu (293), Đồng Nai (269), Thừa Thiên-Huế (242), Long An (202), Cần Thơ (197), Kiên Giang (124), An Giang (94), Đồng Tháp (72), Sóc Trăng (46), Hậu Giang (41), Tiền Giang (27), Ninh Thuận (19), Đắk Lắk (1).
Ngày 12.3: Công bố 454.212 ca Covid-19, 84.811 ca khỏi | Hà Nội 30.693 ca | TP.HCM 2.804 ca

Ngày 12.3.2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 195.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 35.949 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.760 ca và Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 20.784 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.217), Bình Dương (-2.878), Hà Nội (-1.206).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+3.107), Hà Giang (+1.971), Phú Thọ (+864).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 159.273 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.903.147 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 59.759 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.895.555 ca, trong đó có 3.065.216 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (779.115), TP.HCM (566.515), Bình Dương (336.200), Bắc Ninh (217.725), Nghệ An (205.929).Như vậy, Hà Nội đã vượt qua TP.HCM trở thành địa phương ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất.

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 84.811 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.068.033 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.934 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.123 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 396 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 110 ca
  • Thở máy xâm lấn: 302 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 11.3 đến 17h30 ngày 12.3 ghi nhận 62 ca tử vong tại: Hà Nội (10), Đồng Nai (4), Quảng Ninh (4), Quảng Trị (4), Bạc Liêu (3), Nam Định (3), Nghệ An (3), Ninh Bình (3), Phú Thọ (3), Phú Yên (3), An Giang (2), Bắc Ninh (2), Bình Dương (2), Hà Giang (2), Lạng Sơn (2), Thái Nguyên (2), Bắc Giang (1), Bắc Kạn (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Cà Mau (1), Đà Nẵng (1), Điện Biên (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 81 ca.- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.290 ca, chiếm tỉ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 35.358.075 mẫu tương đương 81.239.516 lượt người.

Trong ngày 11.3 có 686.126 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 199.963.718 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 182.918.691 liều:

  • Mũi 1 là 70.908.458 liều
  • Mũi 2 là 67.804.343 liều
  • Mũi 3 là 1.492.917 liều
  • Mũi bổ sung là 14.437.599 liều
  • Mũi nhắc lại là 28.275.374 liều

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.045.027 liều:

  • Mũi 1 là 8.748.263 liều
  • Mũi 2 là 8.296.764 liều

TP.HCM phát hiện hơn 17.000 ca Covid-19 ở trường học trong gần 1 tháng

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy số ca mắc và nghi mắc Covid-19 tăng nhanh trong trường học, đặc biệt là ở bậc tiểu học với hơn 17.400 ca trong vòng chưa đầy một tháng. Ngoài lý do đây là bậc học có số lượng học sinh đông nhất (gần gấp đôi so với các bậc học khác) thì chưa tiêm vắc xin, tổ chức bán trú, học sinh nhỏ tuổi… là những lý do khiến cho tình trạng F0 tăng nhanh trong bậc tiểu học.

Để giải quyết tình trạng này và quán triệt tốt hơn nữa việc tổ chức bán trú, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã cùng Sở Y tế xây dựng, bổ sung lại bộ tiêu chí an toàn trong trường học và trình UBND TP.HCM duyệt.

Học sinh ăn trưa ngay tại lớp học, hành lang thay vì tập trung xuống nhà ăn là cách nhiều trường đang thực hiện

NGUYỄN LOAN

Tuy nhiên, riêng với hoạt động tổ chức bán trú, ông Dũng cho biết đã yêu cầu các trường phải điều chỉnh ngay, chỗ nào chưa hợp lý, chưa an toàn thì các trường phải tự thay đổi phương án. Ông cho biết, việc này phải làm gấp khi biến chủng Omicron khiến cho tốc độ lây lan Covid-19 trong trường học rất nhanh.

Cụ thể, các cơ sở phải tăng cường hơn nữa công tác theo dõi sức khỏe học sinh, thực hiện nghiêm việc giãn cách ngay cả trong giờ ăn và ngủ, đảm bảo không gian học hành, ngủ nghỉ thông thoáng…

“Chúng tôi đang hoàn chỉnh bộ tiêu chí an toàn trong trường học phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay và nếu được ban hành sớm, các trường học sẽ có cơ sở để áp dụng. Bộ tiêu chí này cũng dựa trên những tiêu chí như trước đây nhưng có những quy định chi tiết, rõ ràng hơn”, ông Dũng nói.

Yếu tố thông thoáng phòng học, khu vực sinh hoạt của học sinh cũng được đặt lên hàng đầu trong bộ tiêu chí này để hạn chế tình trạng lạm dụng máy lạnh ở nhiều trường. Hạn chế sử dụng máy lạnh khi không cần thiết, nếu sử dụng thì phải có những phương án đảm bảo thông khí cần thiết… Đây là một trong những tiêu chí mới, cụ thể hơn.

TP.HCM phát hiện hơn 17.000 ca Covid-19 ở trường học trong gần 1 tháng

Cũng trong bộ quy tắc này, ông Dũng cho biết có những tiêu chí an toàn các trường buộc phải chấp hành. Trong tình hình hiện nay, khi học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin, lứa tuổi nhỏ… nếu không thực hiện được những tiêu chí cần thiết thì các trường phải tạm dừng tổ chức bán trú.

“Tổ chức bán trú là hoạt động cần thiết, nhu cầu thiết đáng của phụ huynh nhưng với tình hình hiện nay chúng ta phải đưa yếu tố đảm bảo an toàn cho học sinh lên hàng đầu. Nếu không có bán trú nhiều phụ huynh sẽ rất khó khăn trong việc đưa đón, nhưng nếu trường không đáp ứng được những tiêu chí cần thiết thì buộc phải điều chỉnh, đảm bảo an toàn đã rồi mới tính đến những hoạt động khác”, ông Dũng lý giải thêm.

Trẻ em mắc Covid-19 đa số sốt, ho, đau họng, rất ít bị nặng

Ngày 12.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi tất cả các bệnh viện trực thuộc về việc sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19.

Trẻ em mắc Covid-19 tăng nhanh

Theo sở Y tế, trong những ngày gần đây, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận số lượt trẻ em đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng.

Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của trẻ mắc Covid-19 là sốt, ho và đau họng, rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.

Để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố tăng số giường điều trị tại khoa Covid-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức). Đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.

Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc Covid-19 điều trị nội trú tại khoa Covid-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm.

Phụ huynh đưa trẻ đi khám Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)

KHÁNH TRẦN

Sở Y tế giao Bệnh viện Nhi đồng 1 làm đầu mối tổ chức họp Tổ chuyên gia điều trị Covid-19 ở trẻ em của 3 bệnh viện nhi, thống nhất và có văn bản tham mưu cho Sở Y tế cập nhật chỉ định xét nghiệm sàng lọc ở trẻ em khi đến khám tại bệnh viện để phù hợp với giai đoạn hiện nay của dịch bệnh.

Đối với các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, Sở Y tế chỉ đạo tổ chức khám, sàng lọc, điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em của Bộ Y tế. Sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp trẻ mắc Covid-19 mức độ trung bình và mức độ nhẹ đối với các trẻ không đủ điều kiện điều trị cách ly tại nhà.

Trẻ em mắc Covid-19 đa số sốt, ho, đau họng, rất ít bị nặng

Rà soát, chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị Covid-19 (tối thiểu 30% - 50% tổng số giường) dành để điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 tại bệnh viện. Lưu ý chỉ chuyển tuyến trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện.

Mặt khác, các bệnh viện này tăng cường công tác hội chẩn từ xa, trao đổi chuyên môn, chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công. Tiếp tục cử nhân sự tham gia lớp tập huấn điều trị trẻ em mắc Covid-19 và tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Châu Á vượt cột mốc 1 triệu ca tử vong vì Covid-19

Số người chết vì Covid-19 đã tăng lên mức kỷ lục ở các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông. Tháng 2.2022 là tháng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất tại Nhật Bản trong 2 năm đại dịch, do biến chủng Omicron ảnh hưởng đến nhiều người già dễ bị tổn thương, cũng như những người chưa được tiêm liều tăng cường.

Tại Hồng Kông, số ca tử vong vì Covid-19 tăng từ 1-2 ca mỗi ngày lên trung bình hơn 200 ca/ngày trong vòng 7 ngày qua, khi dịch bùng phát tại hàng trăm viện dưỡng lão. Còn tại Hàn Quốc, một ngày trung bình có 186 người chết, gấp 3 lần mức tăng trước đó vào năm 2021.

Châu Á vượt cột mốc 1 triệu ca tử vong vì Covid-19

Tuy nhiên, Ấn Độ, quốc gia chiếm 52% tổng số ca tử vong do Covid-19 ở châu Á, đang đi ngược xu hướng. Nước này ghi nhận một sự sụt giảm mạnh về cả số ca mắc và số ca tử vong trong tháng qua.

Trong khi đó ở Trung Quốc, các ca nhiễm mới đang gia tăng đều đặn. Ngày 11.3, Trung Quốc đại lục đã báo cáo hơn 1.000 trường hợp nhiễm mới, con số hàng ngày cao nhất kể từ khi Bắc Kinh có đợt bùng phát đầu tiên vào đầu năm 2020. Nước này không có báo cáo về ca tử vong kể từ tháng 1.2021.

Các công nhân mặc đồ bảo hộ di chuyển thi thể của bệnh nhân Covid-19 vào một thùng chứa lạnh bên ngoài nhà tang lễ ở Hồng Kông, ngày 10.3.2022

reuters

Số ca mới vẫn duy trì mức tăng kỷ lục hoặc gần đạt kỷ lục ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiện tại, khoảng 65% dân số tại châu Á đã được tiêm hai liều vắc xin Covid-19, theo số liệu của Our World in Data.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 12.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.