Bản tin Covid-19 ngày 19.2: Cả nước thêm 54.830 ca nhiễm | Diễn biến mới vụ kit test Việt Á

19/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 19.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 19.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 54.830 ca Covid-19 mới, 6.840 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 19.2 cho biết tính từ 16 giờ ngày 18.2 đến 16 giờ ngày 19.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới; Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 12.850 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 54.830 ca.

Trong ngày có 6.840 ca Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Bản tin cũng thông báo về nhận 65 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.423 ca.

Thông tin về 54.830 ca nhiễm mới vừa được công bố như sau:

  • 12 ca nhập cảnh
  • 41.968 ca ghi nhận trong nước (giảm 459 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 29.831 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (4.869), Bắc Ninh (3.040), Quảng Ninh (1.990), Hòa Bình (1.871), Thái Nguyên (1.852), Nam Định (1.798), Phú Thọ (1.567), Hải Phòng (1.555), Lào Cai (1.410), Vĩnh Phúc (1.394), Nghệ An (1.360), Hải Dương (1.328), Yên Bái (1.150), Bắc Giang (1.042), Sơn La (1.040), Thái Bình (992), Tuyên Quang (938), Thanh Hóa (930), Bình Định (924), TP.HCM (849), Hưng Yên (743), Đà Nẵng (741), Quảng Bình (716), Khánh Hòa (696), Quảng Nam (658), Lạng Sơn (626), Đắk Lắk (605), Quảng Trị (518), Ninh Bình (478), Lâm Đồng (470), Bình Phước (427), Phú Yên (413), Đắk Nông (324), Hà Nam (303), Điện Biên (280), Cao Bằng (238), Bà Rịa - Vũng Tàu (215), Lai Châu (204), Thừa Thiên-Huế (163), Kon Tum (148), Hà Giang (139), Cà Mau (134), Quảng Ngãi (127), Kiên Giang (95), Bình Thuận (94), Đồng Nai (66), Bắc Kạn (65), Bình Dương (55), Bạc Liêu (51), Tây Ninh (50), Bến Tre (47), Trà Vinh (35), Long An (34), Đồng Tháp (32), Vĩnh Long (26), Cần Thơ (19), An Giang (13), Ninh Thuận (10), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (4), Tiền Giang (3).

Ngày 19.2.2022, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 12.850 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Vĩnh Phúc.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình (-1.062), Vĩnh Phúc (-764), Hà Tĩnh (-621).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+1.484), Hà Nội (+320), Hòa Bình (+304).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 34.696 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.740.293 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 27.746 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.733.059 ca, trong đó có 2.265.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (519.144), Bình Dương (293.700), Hà Nội (193.242), Đồng Nai (100.476), Tây Ninh (88.988).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.840 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.268.020 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.017 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.349 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 327 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 97 ca
  • Thở máy xâm lấn: 230 ca
  • ECMO: 14 ca

Từ 17h30 ngày 18.2 đến 17h30 ngày 19.2 ghi nhận 65 ca tử vong, gồm:+ Tại TP.HCM (2) đều từ các tỉnh chuyển đến, gồm: Quảng Ngãi (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đà Nẵng (9), Hà Nội (5), Hòa Bình (4 ca trong 02 ngày), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (4), Gia Lai (3), Hải Phòng (3), Lạng Sơn (3), Bắc Giang (2), Cần Thơ (2), Cao Bằng (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2), Nam Định (2), Phú Thọ (2), Phú Yên (2), An Giang (1), Bắc Ninh (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Lào Cai (1), Quảng Trị (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 80 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.423 ca, chiếm tỉ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.015.674 mẫu tương đương 78.353.494 lượt người.

Trong ngày 18.2 có 711.894 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 190.919.218 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.168.950 liều: Mũi 1 là 70.866.623 liều; Mũi 2 là 67.250.297 liều; Mũi 3 là 1.443.914 liều; Mũi bổ sung là 13.265.091 liều; Mũi nhắc lại là 21.343.025 liều.+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.750.268 liều: Mũi 1 là 8.606.707 liều; Mũi 2 là 8.143.561 liều.

Hơn 4.000 ca Covid-19 mỗi ngày, nhiều phường, xã Hà Nội “đổi màu” cấp độ dịch

UBND TP.Hà Nội vừa công bố đánh giá cấp độ dịch tính đến ngày 18.2. Theo đó, thành phố không ghi nhận xã, phường nào ở cấp độ 3 và 4. Tuy nhiên, tại cấp độ 2 (màu vàng), số xã, phường đã tăng từ 43 của tuần trước lên con số 80 trong tuần này. Cùng với đó, số phường xã ở cấp độ 1 (màu xanh) giảm xuống còn 499 phường, xã.

Theo thống kê, Hà Nội có hơn 4.300 F0 đang điều trị tại các bệnh viện

đậu Tiến đạt

Số lượng ca Covid-19 mắc mới của Hà Nội đã liên tục tăng cao ở mức 3.500 - 4.500 ca nhiễm/ngày trong gần tuần qua. Số bệnh nặng, nguy kịch 1 tuần qua tăng gần 250 trường hợp.

Sở Y tế Hà Nội ngày 18.2 tiếp tục thay đổi phân luồng tiếp nhận, điều trị F0 theo mức độ nguy cơ của người bệnh:

Tầng ba: Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực tại các bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Đống Đa; bệnh viện tầng hai có giường hồi sức tích cực và các bệnh viện T.Ư, bộ, ngành.

Tầng hai: Bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình hoặc có triệu chứng, tuổi từ 65 trở lên, mắc bệnh lý nền không ổn định và chưa tiêm đủ liều vắc xin, hoặc người bệnh mắc các bệnh lý có triệu chứng cấp tính cần điều trị nội trú hoặc can thiệp chuyên khoa.

Tầng một: Người mắc bệnh lý nền ổn định hoặc không ổn định nhưng chưa cần nhập viện, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.

Hơn 4.000 ca Covid-19 mỗi ngày, nhiều phường, xã tại Hà Nội “đổi màu” cấp độ dịch

Trước đó, tầng hai dành cho F0 ở mức độ nguy cơ cao (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ mang thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có SpO2 từ 90 đến 96%). Còn tầng một chỉ tiếp nhận F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình, điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với trẻ em mắc Covid-19. Cụ thể, điều trị tại nhà (tầng một) đối với trẻ trên 3 tháng tuổi; tại cơ sở thu dung quận, huyện đối với trẻ không đủ điều kiện điều trị tại nhà; tại bệnh viện đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa đối với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, trẻ dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi.

Trẻ triệu chứng mức độ trung bình điều trị ở tầng hai là các bệnh viện đa khoa có khoa nhi; bệnh viện T.Ư, bộ, ngành. Trẻ nặng điều trị tại các bệnh viện tầng ba gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; bệnh viện T.Ư, bộ, ngành.

Hàm lượng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là bao nhiêu?

Chia sẻ những thông tin mới nhất của thế giới liên quan đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ lứa tuổi này. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vắc xin này từ tháng 11.2021 và nhiều quốc gia cho đến tháng 2.2022 mới chấp thuận vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Hiện nay đã có 80 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các nhà sản xuất. Đây là những vắc xin đã được sử dụng tại Mỹ cũng như các quốc gia ở Châu Âu, với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng.

Hàm lượng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi chỉ bằng 1:3 so với lứa tuổi lớn hơn

Đối với các quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Việc sử dụng vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo của số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vắc xin cũng tương tự như đối với vắc xin sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 - dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vắc xin khác nhau. Khi tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Việt Nam sẽ sử dụng vắc xin do hãng Pfizer/BioNTech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 hàm lượng so với lứa tuổi lớn hơn. Chúng ta sẽ tập huấn kỹ cách thức triển khai, pha vắc xin, đóng lọ và số liều vắc xin trong một lọ.

Liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM bày tỏ chúng ta cũng hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ.

CDC Hoa Kỳ và châu Âu đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vắc xin để đưa vào sử dụng. Ví dụ đối với vắc xin Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vắc xin khác thì tỉ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm.

Bắt giám đốc và kế toán CDC Thừa Thiên - Huế vì liên quan đến kit test Việt Á

Sáng 19.2, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc và ông Hà Thúc Nhật, Kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi làm việc của ông Hà Thúc Nhật, kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế

Bùi Hùng

Cụ thể, ông Đức và ông Nhật bị bắt vào tối 18.2, về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 222, Bộ Luật Hình sự 2017. Hành vi vi phạm của ông Đức và ông Nhật liên quan trong vụ việc Công ty Việt Á mua bán kit xét nghiệm COVID-19.

Bắt giám đốc và kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Đức và ông Nhật tại trụ sở CDC Thừa Thiên - Huế và nơi ở, thu giữ các tài liệu, vật chứng liên quan.

Khám xét nơi làm việc của kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế

Bùi Hùng

Trước đây, khi Bộ Công an thông tin các địa phương có liên quan trong vụ Công ty Việt Á, mua bán kit xét nghiệm Covid-19, trong đó có CDC Thừa Thiên - Huế, trả lời báo chí ông Hoàng Văn Đức vẫn khẳng định “không nhận từ Công ty Việt Á một đồng nào”.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc điều tra, yêu cầu CDC Thừa Thiên - Huế cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á tại đơn vị này. Kết quả điều tra, cho thấy CDC Thừa Thiên - Huế có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với giám đốc và kế toán của CDC Thừa Thiên - Huế để tiếp tục làm rõ.

3 vấn đề sức khỏe dễ ảnh hưởng lâu dài người nhiễm Covid-19

Các tình trạng này phổ biến hơn ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và phải nhập viện so với những người có kết quả âm tính trong suốt cuộc nghiên cứu.

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và đã theo dõi gần 340.000 người dưới 20 tuổi, gần 1,8 triệu người khác từ 20 tuổi trở lên trong 150 ngày và xét nghiệm Covid-19 cho họ.

Một nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Kharkiv (Ukraine)

unicef

Bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng về sức khỏe nào được ghi nhận trong khoảng thời gian 150 ngày này, nhưng đã không xuất hiện trong khoảng thời gian 18 tháng đến 7 ngày trước khi xét nghiệm, được coi là một chẩn đoán mới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người phải nhập viện, các chẩn đoán mới về khó thở, rối loạn nhịp tim và bệnh tiểu đường loại 2 phổ biến hơn so với những người liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính.

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân Covid-19 vào khu điều trị tạm thời bên ngoài bệnh viện ở Hồng Kông, ngày 18.2.2022

reuters

Người có kết quả xét nghiệm dương tính mà không phải nhập viện cũng có các tình trạng sức khỏe trên nhưng khác biệt là không lớn so với những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Nghiên cứu trên nhấn mạnh nhu cầu cần theo dõi sự phát triển của các triệu chứng và tình trạng mới sau tháng đầu tiên nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với những người phải nhập viện với diễn tiến nặng.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 19.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.