Bản tin Covid-19 ngày 24.11: Cả nước 11.811 ca mới | Ca khỏi bệnh cao kỷ lục

24/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 24.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 24.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước thêm 11.811 ca nhiễm mới, 25.951 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 24.11 cho biết tính từ 16h ngày 23.11 đến 16h ngày 24.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.811 ca nhiễm mới, 25.951 ca khỏi bệnh.Trong ngày ghi nhận thêm 125 ca tử vong tại 19 tỉnh, thành phố nâng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 24.243 ca.

Ngày 24.11: Cả nước 11.811 ca Covid-19, 25.951 ca khỏi | TP.HCM 1.666 ca

Thông tin về 11.811 ca nhiễm mới như sau:

  • 22 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 11.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 663 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 6.578 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.666), Cần Thơ (766), Tây Ninh (754), Bình Dương (696), Đồng Tháp (625), Bà Rịa - Vũng Tàu (586), Đồng Nai (580), Vĩnh Long (482), Bình Thuận (470), Sóc Trăng (425), Bạc Liêu (418), Kiên Giang (369), Bến Tre (300), Trà Vinh (299), Hà Nội (274), Bắc Ninh (241), Cà Mau (224), Hậu Giang (198), Khánh Hòa (183), An Giang (181), Đắk Lắk (152), Bình Phước (145), Hà Giang (144), Vĩnh Phúc (133), Bình Định (133), Nghệ An (132), Thanh Hóa (98), Quảng Nam (97), Đắk Nông (94), Long An (90), Thừa Thiên Huế (82), Hòa Bình (63), Đà Nẵng (60), Tiền Giang (60), Nam Định (56), Quảng Ngãi (50), Ninh Thuận (47), Thái Bình (45), Hải Phòng (36), Quảng Trị (35), Phú Yên (33), Tuyên Quang (29), Gia Lai (29), Phú Thọ (26), Hải Dương (24), Lâm Đồng (24), Hà Nam (24), Quảng Ninh (22), Hà Tĩnh (22), Bắc Giang (20), Cao Bằng (11), Thái Nguyên (8 ), Hưng Yên (8 ), Điện Biên (7), Kon Tum (5), Ninh Bình (5), Lai Châu (1), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (-364), An Giang (-139), Bà Rịa - Vũng Tàu (-123).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+462), Cần Thơ (+412), Tây Ninh (+154).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.349 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.155.778 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.728 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.150.625 ca, trong đó có 934.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (460.789), Bình Dương (278.102), Đồng Nai (83.965), Long An (37.644), Tiền Giang (24.116).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 25.951 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 937.261 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.533 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.805 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.045 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 162 ca
  • Thở máy xâm lấn: 511 ca
  • ECMO: 10 ca

Từ 17h30 ngày 23.11 đến 17h30 ngày 24.11 ghi nhận 125 ca tử vong tại 19 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (62), Bình Dương (15), Đồng Nai (11), Kiên Giang (5), Cà Mau (5), Sóc Trăng (4), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (3), Cần Thơ (3), Bình Thuận (2), Long An (2), Bạc Liêu (2), Trà Vinh (2), Hà Giang (1), Khánh Hoà (1), Đắk Lắk (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 129 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.243 ca, chiếm tỉ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 103.076 xét nghiệm cho 316.973 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 25.251.095 mẫu cho 66.686.993 lượt người.

Trong ngày 23.11 có 2.030.162 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 112.944.634 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 67.824.005 liều, tiêm mũi 2 là 45.120.629 liều.

Hải Phòng bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

Sáng nay 24.11, TP.Hải Phòng đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

4.619 học sinh của 3 trường THPT Ngô Quyền (Q.Lê Chân), THPT Hồng Bàng (Q.Hồng Bàng) và THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.Dương Kinh) được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên

LÊ TÂN

Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, trong ngày đầu tiên triển khai tiêm, TP.Hải Phòng sẽ tiêm thí điểm cho 4.619 học sinh của 3 trường: THPT Ngô Quyền (Q.Lê Chân), THPT Hồng Bàng (Q.Hồng Bàng) và THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.Dương Kinh).

Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ hôm qua 23.11, các điểm tiêm đã có sự chuẩn bị chu đáo. Bà Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, cho biết: "Nhà trường chuẩn bị 3 lớp học để làm phòng khám sàng lọc. Ngoài ra, nhà thi đấu của trường cùng một khu vực thoáng đãng cũng được dùng làm điểm tiêm và chờ sau tiêm. Tại đây, cơ quan chức năng bố trí 10 bàn tiêm chủng".

Theo bà Nga, toàn bộ 1.724 học sinh của trường đã được bố mẹ, người giám hộ đồng ý cho tiêm.

Hầu hết học sinh đều cảm thấy thoải mái khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, đợt này Bộ Y tế cấp cho TP.Hải Phòng 70.200 liều vắc xin Pfizer, toàn bộ số vắc xin này sẽ được dùng để tiêm mũi 1 cho học sinh THPT.

Ông Phan Huy Thục, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho biết các quận, huyện trên địa bàn sẽ chủ động phối hợp với ngành y tế để triển khai tiêm cho học sinh THPT. Dự kiến đến cuối tuần này, TP.Hải Phòng sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho học sinh THPT.

Được biết, tại TP.Hải Phòng có 187.290 học sinh từ 12 - 17 tuổi, trong đó có 69.033 học sinh THPT.

Hỗ trợ tuyến đầu chống Covid-19 “quá trễ thì còn ý nghĩa gì nữa”

Chiều 23.11.2021, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã làm việc với UBND huyện Bình Chánh về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và một số chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch bệnh. Buổi làm việc diễn ra ở UBND xã Vĩnh Lộc B.

Hỗ trợ tuyến đầu chống Covid-19 “quá trễ thì còn ý nghĩa gì nữa”

Qua kiểm tra thực tế, bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, cho hay có trường hợp chi chưa đúng đối tượng và có hộ đúng đối tượng đợt 3 nhưng chưa có trong danh sách nhận hỗ trợ. Bà Yến đề nghị huyện và các xã cần rà soát đối chiếu lại lần nữa, đồng thời, vận động thu hồi tiền chi hỗ trợ với các trường hợp không đúng đối tượng.

Theo UBND huyện Bình Chánh, địa phương đã hoàn thành cơ bản gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2. Huyện Bình Chánh vẫn đang chi trả gói đợt 3 với hơn 472.000 người dân chưa nhận hỗ trợ.

Về việc thực hiện Nghị quyết 12/2021 của HĐND TP.HCM về việc triển khai hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, UBND huyện Bình Chánh hiện đã ứng trước kinh phí từ ngân sách của huyện để hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, địa phương còn 54 trường hợp tình nguyện viên được thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch chưa được chi hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban pháp chế HĐND TP.HCM đề nghị huyện tăng tốc hoàn thành việc chi cho những đối tượng này.

Theo ông Phạm Văn Lũy, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, hiện huyện vừa bổ sung danh sách, vừa tất toán để đảm bảo đúng thủ tục. Trong tuần này, chậm nhất là tuần sau sẽ hoàn thành.

Phát biểu tổng kết tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cũng để nghị huyện khẩn trương thực hiện việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bên cạnh đó, ông đề nghị huyện nghiên cứu để tạm ứng từ các nguồn của địa phương để chi trước cho các hộ khó khăn để những hộ này tiếp cận được nguồn tiền trang trải cuộc sống. Ông Cao Thanh Bình cũng cho biết thêm, hiện đã đề xuất với sở tài chính khẩn trương hoàn thành thủ tục để bổ sung ngân sách khoảng trên 900 tỉ cho Bình Chánh trong có trên 400 tỉ cho gói an sinh đợt 3.

Gặp lại cha con đi bộ 100 km từ TP.HCM về miền Tây giữa đại dịch Covid-19

Những hình ảnh này được phóng viên Báo Thanh Niên ghi lại ngày 28.7.2021, thời điểm TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đang tăng cường giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.

Cha con đi bộ hơn 100 km về miền Tây, nghẹn khóc bên chốt kiểm soát Covid-19

Cha con ông Nguyễn Văn Nghĩa (57 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thọ (28 tuổi) đã đi bộ một quãng đường dài từ Thủ Đức đến địa phận huyện Bến Lức (tỉnh Long An) giáp ranh với TP.HCM. Lực lượng tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1 ở cửa ngõ Long An chặn họ lại vì không trình được giấy tờ hợp lệ.

Quê ở ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Thúy (56 tuổi) bị bệnh ung thư hơn 2 năm nay, bệnh tình mỗi lúc một nặng nề. Để có tiền lo cho vợ, cho mẹ gia đình ông Nghĩa và anh Thọ phải bán đất, ruộng vườn và hiện ở quê chỉ còn mỗi căn nhà.

Cuộc sống quá khó khăn, hai cha con rời quê lên TP.HCM thuê trọ, làm công việc vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức để kiếm tiền thuốc men cho người thân.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chợ đóng cửa, hai cha con mất việc không có tiền chi tiêu, tiền đóng nhà trọ. Quá túng quẫn hai cha con ông Nghĩa quyết định về quê theo cái cách mà chắc khó ai tưởng tượng ra là đi bộ.

Cha con họ trở thành nhân vật "Cha con đi bộ hơn 100 km về miền Tây, nghẹn khóc bên chốt kiểm soát Covid-19" được đăng tải trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. Phóng sự đã đạt gần 2 triệu lượt xem với nhiều lượt bình luận cảm thông cho gia cảnh của cha con ông Nguyễn Văn Nghĩa.

Mãi gần 4 tháng sau khi phóng sự được đăng tải, vì dịch bệnh phức tạp và đi lại khó khăn, mãi đến ngày 24.11.2021, cha con ông Nguyễn Văn Nghĩa và anh Nguyễn Văn Thọ mới có mặt ở Báo Thanh Niên để nhận số tiền từ bạn đọc, khán giả của hỗ trợ gia đình ông.

Theo lời kể của ông Nghĩa, để về đến quê hương Trà Vinh, cuộc bộ hành của cha ông Nghĩa kéo dài 3 ngày với những đôi chân sưng to và mệt mỏi. Nhận được thông tin từ báo chí, lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh đã tổ chức đón cha con ông ở cửa ngõ và đưa đi cách ly tập trung.

Suốt gần 4 tháng sau khi kết thúc cách ly, cha con ông Nghĩa tìm việc làm để kiếm sống nuôi gia đình. Các nhà hảo tâm cũng đã gửi trực tiếp đến gia đình ông số tiền hơn 16 triệu đồng, vì để dành tiền chữa bệnh vợ, đến thời điểm này ông vẫn chưa dám đụng vào số tiền ấy.

Sau khi phóng sự "Cha con đi bộ hơn 100 km về miền Tây, nghẹn khóc bên chốt kiểm soát Covid-19", hàng trăm bạn đọc và khán giả đã gửi tấm lòng đến gia đình ông Nghĩa thông qua Báo Thanh Niên. Nếu không tính lần phải bán nhà để chữa bệnh cho vợ, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Nghĩa được cầm số tiền lớn đến như vậy. Số tiền ông được bạc đọc và khán giả của Báo Thanh Niên gửi tặng là 50.150.000 đồng. Ông cho biết sẽ dùng toàn bộ số tiền của các nhà hảo tâm gửi tặng để đưa bà Nguyễn Thị Thúy (vợ của ông) đến Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ chữa trị vì bệnh tình của bà đã rất nặng.

Chuyến hành trình từ TP.HCM về lại quê hương của cha con ông Nghĩa bây giờ đã có chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ làm "bạn đồng hành"; nước mắt khóc nghẹn giờ đây được thay thế bằng niềm hy vọng; hành trang của ông ngày trở về quê hương lần này còn có tình cảm của bạn đọc, khán giả của Báo Thanh Niên. Những tình cảm ấy đã giúp cho gia đình ông có thêm nghị lực để vượt qua những chông gai sắp tới.

Bất ngờ vì số ca tử vong do Covid-19 rất thấp ở châu Phi

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Phi đến nay chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số trên 5,12 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Trong khi đó, số ca tử vong tại châu Mỹ chiếm 46% và châu Âu chiếm 29%.

Chương trình tiêm chủng Covid-19 cho người trưởng thành tại Nam Phi

REUTERS

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, ghi nhận tổng cộng chưa đầy 3.000 ca từ đầu đại dịch. Con số này chỉ bằng số người chết vì Covid-19 tại Mỹ trong 2-3 ngày.

Nước có số người tử vọng cao nhất châu Phi là Nam Phi với khoảng 89.500 người, nhưng số ca mắc và tử vong cũng giảm đáng kể trong vài tháng qua. WHO xác nhận châu Phi là một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhất với số ca nhiễm và ca tử vong hằng tuần liên tục giảm từ tháng 7 đến nay.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi vẫn ở mức thấp, với chưa đầy 6% dân số được chủng ngừa.

Theo AP, một số nhà khoa học cho rằng việc xác định số liệu chính xác ở châu Phi là điều khó khăn do hệ thống theo dõi còn hạn chế và có thể nhiều trường hợp chưa được báo cáo. Dù vậy, giới khoa học vẫn đưa ra một số phỏng đoán về những yếu tố giúp giảm tử vong tại lục địa đen.

Một cách giải thích cho rằng yếu tố dân số trẻ, mức độ đô thị hóa thấp và thói quen sinh hoạt ngoài trời có thể giúp châu Phi vượt qua được ảnh hưởng chết chóc của virus gây Covid-19.

Nhiều nghiên cứu khác lại tập trung vào yếu tố di truyền hoặc từng bị nhiễm các bệnh dịch khác.

Trong số đó, một nhóm nghiên tại Uganda mới đây công bố đã phát hiện dấu hiệu cho thấy những người từng bị sốt rét sẽ khó nhiễm Covid-19 nặng hoặc tử vong.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng tỷ lệ tử vong thấp là kết quả của nỗ lực phòng chống dịch của lực lượng y tế và kinh nghiệm của khu vực từ các dịch bệnh trước đây như Ebola, bại liệt hay sốt rét.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng châu Phi vẫn cần giữa cảnh giác, tránh tâm lý tự mãn. Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) cảnh báo các nước châu Phi cần phải chủng ngừa đầy đủ cho người dân để chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 tiếp theo.

Mối đe dọa từ Covid-19 có kéo dài bất tận?

Tháng 5.2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định đặt tên các biến thể Covid-19 chính bằng chữ cái Hy Lạp. Từ đó đến nay, Delta đang là biến thể trội trên toàn thế giới.

Tháng 10.2021, Anh cảnh giác vì biến thể Delta AY.4.2 mới với khả năng lây lan nhanh chóng. Tuần này, Na Uy ghi nhận thêm một phiên bản khác của biến thể Delta là AY.63. Trong khi đó, biến thể B.1.640 được phát hiện ở Pháp khiến các nhà nghiên cứu đau đầu vì họ chưa từng thấy đột biến tương tự nào trước đây.

Giáo sư David Dockrell, Trung tâm Nghiên cứu Truyền nhiễm thuộc Đại học Edinburgh, giải thích về nguyên nhân gây ra sự đột biến liên tục trong virus corona: "Các khu vực của virus dễ thay đổi nhất là những khu vực tiếp xúc với các yếu tố khiến chúng phải thay đổi. Như vậy, phiên bản virus nào có các đột biến và thay đổi đem lại lợi thế chọn lọc, giúp nó trốn thoát khỏi hệ miễn dịch, thì nó có nhiều khả năng vươn lên trở thành chủng trội".

Phần virus tạo ra nhiều phản ứng miễn dịch nhất là protein gai (còn gọi là protein S), vì vậy virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tìm cách biến đổi protein gai để sống sót. Và hiện nay, tốc độ biến đổi của virus gây Covid-19 dường như vẫn nhanh hơn các nỗ lực ngăn chặn nó của con người.

Tuy nhiên giáo sư Dockrell cũng có một số thông tin tốt lành. Theo ông, virus corona có thể biến đổi nhưng không mạnh như các loại retrovirus hay HIV. Và điều quan trọng hơn là nhiều biến đổi của virus không có lợi cho sự tồn tại của chính nó. Vì vậy, virus gây Covid-19 sẽ chỉ có khả năng trải qua một số lượng biến đổi nhất định trước khi sức mạnh của nó bị ảnh hưởng.

Hiện virus vẫn còn trong giai đoạn tiến hóa và biến đổi. Theo ông Dockrell, nhân loại vẫn nên tiếp tục tiêm vắc xin, và có thể tiêm thêm liều tăng cường như cách đối phó với cúm mùa hằng năm.

Vị giáo sư này nói thêm: "Có lẽ chúng ta phải tiếp tục thay đổi cách điều trị như những kháng thể đơn dòng mới kháng virus, vì hiệu quả của chúng cũng có thể bị giới hạn do có đột biến mới của virus liên quan đến protein S".

Tuy nhiên, lẽ nào loài người sẽ vướng vào cuộc đua bất tận chống các biến thể liên tục xuất hiện? Hy vọng là không.

Theo giáo sư Dockrell, trên virus có những phần được giới khoa học gọi là "vùng bảo tồn" mà rất khó thay đổi. Trong thời gian tới, các loại vắc xin và liệu pháp kháng thể đơn dòng mới sẽ nhắm vào chính các vùng này, nhờ vậy hiệu quả sẽ không bị khả năng biến đổi của virus ảnh hưởng nhiều.

Mối đe dọa từ Covid-19 có kéo dài bất tận?

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 24.11 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.