Bản tin Covid-19 ngày 25.3: Cả nước vượt 8,7 triệu ca | Vì sao tái nhiễm mỗi người mỗi khác?

25/03/2022 20:08 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 25.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 25.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 161.501 ca Covid-19, 175.540 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 25.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 24.3 đến 16h ngày 25.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 108.979 ca nhiễm mới.

Các Sở Y tế Hòa Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung thêm 52.522 ca. như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 161.501 ca.

Có thêm 175.540 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 51 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.196 ca.

Ngày 25.3: Công bố 161.501 ca Covid-19, 175.540 ca khỏi | Hà Nội 10.803 ca | TP.HCM 1.139 ca

Thông tin về 161.501 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 22 ca nhập cảnh.
  • 108.957 ca ghi nhận trong nước (giảm 11.035 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.428 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (10.803), Phú Thọ (4.555), Nghệ An (4.023), Yên Bái (3.997), Đắk Lắk (3.925), Bắc Giang (3.720), Lào Cai (3.690), Vĩnh Phúc (3.136), Thái Bình (2.915), Thái Nguyên (2.910), Quảng Bình (2.877), Bắc Ninh (2.806), Lạng Sơn (2.802), Hà Giang (2.795), Hải Dương (2.773), Quảng Ninh (2.654), Sơn La (2.642), Cà Mau (2.394), Bắc Kạn (2.314), Tuyên Quang (2.280), Bình Định (2.237), Bình Dương (1.999), Cao Bằng (1.971), Hòa Bình (1.970), Lâm Đồng (1.920), Hưng Yên (1.900), Vĩnh Long (1.726), Điện Biên (1.648), Lai Châu (1.615), Quảng Trị (1.604), Hà Nam (1.557), Tây Ninh (1.507), Bến Tre (1.433), Ninh Bình (1.314), Bình Phước (1.144), TP.HCM (1.139), Đắk Nông (1.128), Nam Định (1.040), Kon Tum (970), Phú Yên (884), Hà Tĩnh (849), Thanh Hóa (803), Trà Vinh (733), Bà Rịa - Vũng Tàu (698), Đà Nẵng (671), Thừa Thiên-Huế (668), Quảng Ngãi (668), Khánh Hòa (657), Hải Phòng (612), Bình Thuận (464), Quảng Nam (341), Bạc Liêu (192), Kiên Giang (167), Long An (147), An Giang (132), Cần Thơ (117), Đồng Nai (99), Đồng Tháp (70), Sóc Trăng (54), Ninh Thuận (35), Tiền Giang (32), Hậu Giang (31).
  • Ngày 25.3.2022, Sở Y tế Hòa Bình đăng ký bổ sung 22.392 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 20.005 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 10.125 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-1.682), Bắc Ninh (-1.486), Lạng Sơn (-936).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn (+695), Phú Thọ (+278), Đắk Nông (+255).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 130.146 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.761.252 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 88.634 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.753.543 ca, trong đó có 4.998.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.240.393), TP.HCM (589.834), Bình Dương (369.834), Nghệ An (368.703), Hải Dương (332.330).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 175.540 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 5.001.564 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.889 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.188 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 319 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 84 ca
  • Thở máy xâm lấn: 292 ca
  • ECMO: 6 ca

Từ 17h30 ngày 24.3 đến 17h30 ngày 25.3 ghi nhận 51 ca tử vong tại: Cà Mau (5), An Giang (4), Bạc Liêu (3), Hà Nội (3), Kiên Giang (3), Lâm Đồng (3), Nghệ An (3), Quảng Ninh (3), Vĩnh Long (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Đà Nẵng (2), Bắc Kạn (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), TP.HCM (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 65 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.196 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 37.738.246 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 24.3 có 344.321 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 204.566.009 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.444.998 liều: Mũi 1 là 71.195.421 liều; Mũi 2 là 67.958.781 liều; Mũi 3 là 1.499.176 liều; Mũi bổ sung là 14.789.217 liều; Mũi nhắc lại là 32.002.403 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.121.011 liều: Mũi 1 là 8.778.817 liều; Mũi 2 là 8.342.194 liều.

Hậu Covid-19 ở trẻ em có các triệu chứng hay gặp nào?

Theo thông tin từ PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác,.. Trẻ cũng có thể có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.

Hậu Covid-19 ở trẻ em có các triệu chứng hay gặp nào?

Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở,… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng từ 2 - 6 tuần với các biểu hiện thường gặp như: sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ…

Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả vừa nêu hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý. Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).

Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4 - 12 tuần sau mắc Covid-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nói gì về đặc cách thi tốt nghiệp thí sinh F0?

Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết Bộ đang rất chủ động để xây dựng phương án tuyển sinh 2022. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, việc điều trị F0 diễn ra không dài. Mặt khác, trên kinh nghiệm của nước ngoài và thực tế cho thấy, du lịch cũng mở cửa và chắc chắn chúng ta cũng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh. Bộ GD-ĐT sẽ có những phương án giải quyết thấu đáo cho học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết cách giải quyết của năm 2022 sẽ chủ động và tốt hơn so với năm 2021.

Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nói gì về đặc cách thi tốt nghiệp thí sinh F0?

Xung quanh đề xuất có thể cho thí sinh F0 dự thi cùng 1 đợt hay không, một vị đại diện khác của Bộ GD-ĐT cho hay việc cho F0 ra khỏi nhà, di chuyển đến nơi công cộng đi thi phải được sự cho phép của Bộ Y tế, đến thời điểm này thì rõ ràng F0 chưa được phép ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm kỳ thi diễn ra (dự kiến tháng 7.2022) có thể Chính phủ, ngành y tế còn thay đổi nhiều về cách thức phòng chống dịch cũng như quy định về cách ly với F0, F1... nên việc tổ chức thi 1 - 2 đợt sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết đã có 2 năm liền tổ chức thi 2 đợt, dù rất vất vả nhưng vẫn quyết tâm làm vì quyền lợi của thí sinh. Do vậy, năm 2022 nếu cần thiết Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục thực hiện để đảm bảo công bằng cho thí sinh và công bằng giữa 2 đợt thi. Tuy nhiên, nếu công bố sớm về việc thi mấy đợt thì đến gần thời điểm thi có thể lại phải điều chỉnh do những quy định về thích ứng với dịch bệnh của nhà nước ta đã thay đổi. Đó là lý do Bộ chưa công bố cụ thể việc thi mấy đợt trong năm 2022.

Về vấn đề F0 không được ra khỏi nhà, làm sao có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, một lãnh đạo Cục Quản lý môi trường (thuộc Bộ Y tế) cho biết cũng như năm 2021 vấn đề này được Bộ GD-ĐT chủ trì, Bộ Y tế cùng tham gia hướng dẫn về các vấn đề liên quan.

Hiện nay, trong điều kiện diễn biến dịch đã khác, chúng ta thực hiện thích ứng linh hoạt và các F0 cũng nhiều hơn so với kỳ thi trong năm 2021, nên sẽ có hướng dẫn mới phù hợp hơn. Bộ Y tế sẽ tham gia đề xuất, hướng dẫn khi Bộ GD-ĐT đề nghị phối hợp. Đến nay Bộ Y tế chưa nhận được đề nghị này, nhưng nếu được đề nghị, Bộ sẽ cùng đưa ra hướng dẫn phù hợp nhất trên tinh thần đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi cho các em là F0. Sau khi có dự thảo hướng dẫn, Bộ Y tế cũng sẽ đăng tải rộng rãi để nhận thêm ý kiến đóng góp của các cha mẹ, các chuyên gia để đảm bảo phù hợp nhất.

Vì sao thời gian và triệu chứng tái nhiễm Covid-19 mỗi người mỗi khác?

Thời gian qua, nhiều người thắc mắc là tại sao có người tái nhiễm Covid-19 chỉ trong 1 tháng, người lại 3 tháng; hay có người triệu chứng khi tái nhiễm nặng hơn lần nhiễm đầu, người lại nhẹ tênh.

Vì sao thời gian và triệu chứng tái nhiễm Covid-19 mỗi người mỗi khác?

Theo Bộ Y tế, các vi rút liên tục thay đổi, bao gồm vi rút gây bệnh Covid-19. Những thay đổi này có thể dẫn tới việc xuất hiện các biến thể, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết có 2 dạng tái nhiễm. Một dạng chung tác nhân, tức cùng một biến thể, dạng thứ hai khác tác nhân (tức biến thể khác). Tái nhiễm chung tác nhân theo nghiên cứu khoảng 3 tháng mới tái nhiễm, một số tài liệu ghi nhận 6 tháng. Bởi kháng thể của một bệnh nhân có thể kéo dài đến 6-7 tháng. Ở một số bệnh nhân có trí nhớ miễn dịch thì sẽ không bị nhiễm lại.

Còn tái nhiễm khác tác nhân thì có thể khoảng 1 tháng. Ví dụ, một người nhiễm Omicron biến thể BA.1 thì khoảng 1 tháng có thể nhiễm biến thể BA.2 chẳng hạn.

Hiện Bộ Y tế chưa có thống kê cụ thể về tỉ lệ người tái nhiễm. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, hiện tỉ lệ tái nhiễm là không cao, dù việc thống kê có nhiều khó khăn. Vì người nhiễm lần đầu có thể nhập viện điều trị bệnh viện A nhưng tái nhiễm lại điều trị bệnh viện B. Tỉ lệ này chỉ dao động dưới 0,01%, ví dụ 1.000 trẻ thì có 1 trẻ tái nhiễm.

Về tỉ lệ tái nhiễm Covid-19, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, dẫn nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy những trường hợp tái nhiễm nhanh chỉ trong 1-2 tháng thường rơi vào tỉ lệ nhỏ. Theo báo cáo trên thế giới thì tỉ lệ này khoảng 1/1.000. Công bố của nghiên cứu tại Đan Mạch trong hơn 1,8 triệu ca lây nhiễm ghi nhận khoảng 1.700 ca dương tính 2 lần cách nhau từ 20 đến 60 ngày.

Tại Việt Nam số ca mắc Covid-19 khoảng 1 triệu ca, thì số ca tái nhiễm sẽ khoảng 1.000 ca. Tuy nhiên theo nhận định của PGS Đỗ Văn Dũng, tại Việt Nam thời gian qua nhiều người có tư tưởng chủ quan, đã nhiễm rồi, đã tiêm chủng sẽ không nhiễm lại nên không tuân thủ nghiêm chỉnh thông điệp 5K. Ngoài ra, người nhiễm biến thể Omicron BA.1 vẫn có thể nhiễm BA.2 nên số ca tái nhiễm tăng.

Ghi nhận thực tế trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), cho biết trước đây một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0, hiện tại khoảng 40-50 F0 mỗi ngày. Trong đó có 15-20% bệnh nhân đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 1,5 - 2 tháng.

Bác sĩ Hoàng nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến thể mới. Khả năng cao bệnh nhân đã nhiễm Detla và hiện giờ là nhiễm Omircon.

WHO nói gì về số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh ở nhiều nơi?

Sự gia tăng đột ngột các trường hợp nhiễm Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu đã khiến các chuyên gia trên thế giới lo lắng.

Gần đây, Trung Quốc đã báo cáo trường hợp tử vong do Covid-19 đầu tiên trong suốt một năm nay.

WHO nói gì về số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh ở nhiều nơi?

Theo nhật báo Times Of India (Ấn Độ), người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói với báo chí rằng sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 đang xảy ra trên khắp thế giới, và ông cũng liệt kê một số yếu tố có thể thúc đẩy sự gia tăng này.

WHO cho biết biến thể BA.2 là một biến thể phụ rất dễ lây lan của Omicron, được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 trên khắp thế giới hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng biến thể phụ BA.2 thiếu một số đột biến quan trọng trong protein đột biến - những đột biến cần thiết cho quá trình phát hiện ra vi rút, khiến nó khó được phát hiện.

Theo Times Of India, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cũng cho biết: “Omicron đang lây truyền ở mức độ rất mạnh. Nhưng trong các biến thể phụ của Omicron, thì BA.2 lại là biến thể dễ lây truyền nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay".

Theo WHO, một lý do khác là việc dỡ bỏ các hạn chế và nới lỏng việc cách ly.

Khi số trường hợp Covid-19 bắt đầu giảm mạnh, để đưa các nền kinh tế vào quỹ đạo, các quan chức đã dỡ bỏ nhiều giới hạn. WHO cho biết điều này đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.

Theo WHO, mọi người cần phải tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết và không được lơ là.

Tiến sĩ Ghebreyesus nói rằng tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia là do "ngày càng nhiều thông tin sai lệch". Hơn nữa, những thông tin sai lệch và tin giả về đại dịch sắp kết thúc cũng có thể đổ thêm dầu vào lửa.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cảnh báo rằng không nên mất cảnh giác. Mọi người cần hết sức cảnh giác và thận trọng với ý tưởng “chúng ta đã thoát được nó”.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 25.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.