Bản tin Covid-19 ngày 24.3: Cả nước hơn 8,5 triệu ca | F1 tại TP.HCM đã được đi học, đi làm

24/03/2022 20:02 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 24.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 24.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 120.000 ca Covid-19, 164.754 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 24.3 cho biết tính từ 16h ngày 23.3 đến 16h ngày 24.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 120.000 ca nhiễm mới.

Trong ngày, có 164.754 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 70 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.145 ca.

Ngày 24.3: Cả nước 120.000 ca Covid-19, 164.754 ca khỏi | Hà Nội 12.485 ca | TP.HCM 1.241 ca

Thông tin về 120.000 ca nhiễm mới như sau:

  • 8 ca nhập cảnh.
  • 119.992 ca ghi nhận trong nước (giảm 7.886 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 84.819 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (12.485), Đắk Lắk (4.463), Bắc Ninh (4.292), Phú Thọ (4.277), Nghệ An (4.184), Yên Bái (3.995), Bắc Giang (3.991), Lào Cai (3.974), Lạng Sơn (3.738), Hải Dương (3.459), Thái Bình (3.235), Quảng Bình (3.046), Sơn La (2.953), Vĩnh Phúc (2.887), Bình Dương (2.857), Hà Giang (2.838), Thái Nguyên (2.794), Quảng Ninh (2.669), Cà Mau (2.440), Hưng Yên (2.424), Bình Định (2.422), Hòa Bình (2.398), Tuyên Quang (2.293), Bến Tre (2.132), Điện Biên (2.050), Quảng Trị (1.945), Lâm Đồng (1.927), Vĩnh Long (1.829), Lai Châu (1.800), Cao Bằng (1.789), Hà Nam (1.659), Bắc Kạn (1.619), Kon Tum (1.494), Tây Ninh (1.485), Ninh Bình (1.296), Bình Phước (1.258), TP.HCM (1.241), Nam Định (1.120), Phú Yên (1.059), Trà Vinh (1.047), Hà Tĩnh (998), Đắk Nông (873), Thanh Hóa (848), Bà Rịa - Vũng Tàu (838), Quảng Ngãi (792), Khánh Hòa (730), Đà Nẵng (678), Thừa Thiên-Huế (677), Hải Phòng (635), Bình Thuận (528), Quảng Nam (350), Bạc Liêu (218), Đồng Nai (179), Kiên Giang (179), An Giang (161), Long An (142), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (61), Đồng Tháp (51), Hậu Giang (50), Ninh Thuận (28), Tiền Giang (26).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-1.030), Bến Tre (-738), Vĩnh Phúc (-690).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+1.400), Đắk Lắk (+984), Ninh Bình (+264).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 137.890 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.599.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 87.002 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.592.064 ca, trong đó có 4.823.207 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.229.590), TP.HCM (588.151), Bình Dương (367.835), Nghệ An (364.680), Hải Dương (329.557).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 164.754 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.826.024 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.650 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.936 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 355 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 69 ca
  • Thở máy xâm lấn: 286 ca
  • ECMO: 4 ca

Từ 17h30 ngày 23.3 đến 17h30 ngày 24.3 ghi nhận 70 ca tử vong gồm:

  • Tại TP.HCM (2) ca từ các tỉnh chuyển đến: Đồng Tháp (1), Bình Phước (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (10 ca trong 2 ngày), Cà Mau (6 ca trong 2 ngày), Hà Nội (5), Kiên Giang (5), Gia Lai (4 ca trong 2 ngày), Phú Yên (4 ca trong 2 ngày), Bến Tre (3), Quảng Bình (3), Quảng Ninh (3), Vĩnh Long (3), Cao Bằng (2), Hậu Giang (2), Khánh Hòa (2 ca trong 2 ngày), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bạc Liêu (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Hà Giang (1), Hà Tĩnh (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Phú Thọ (1), Quảng Ngãi (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), Trà Vinh (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 66 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.145 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 37.597.338 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 23.3 có 1.077.314 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 204.221.688 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.114.200 liều: Mũi 1 là 71.192.173 liều; Mũi 2 là 67.949.355 liều; Mũi 3 là 1.498.963 liều; Mũi bổ sung là 14.778.415 liều; Mũi nhắc lại là 31.695.294 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.107.488 liều: Mũi 1 là 8.771.793 liều; Mũi 2 là 8.335.695 liều.

F1 tại TP.HCM chính thức được đi học, đi làm

Sáng 24.3.2022, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn các biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần các bệnh nhân Covid-19 (tức F1).

F1 Covid-19 tại TP.HCM chính thức được đi học, đi làm

Cụ thể, đối với trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học.

Đồng thời phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.

Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú y đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân.

TP.HCM khuyến cáo người dân thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin) trong gia đình, nơi làm việc, học tập...

UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai hướng dẫn này đến tất cả cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn địa bàn.

Về lý do điều chỉnh biện pháp y tế, UBND TP.HCM cho hay dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát và hầu hết người dân trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đa số các trường hợp mắc Covid-19 không thuộc nhóm nguy cơ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó.

Việc nới lỏng biện pháp y tế với F1 cũng nhằm hạn chế gián đoạn các hoạt động của đời sống như: sản xuất, kinh doanh, học tập, quản lý điều hành, chăm sóc y tế... do phải cách ly các trường hợp F1 theo quy định trước đây.

Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang giảm rõ rệt

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 23.3.2022, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) là 1.582 ca và 4.173 ca test nhanh nghi ngờ. Như vậy, ngày 23.3, TP.HCM có 6.755 ca phải cách ly, chăm sóc và điều trị.

Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang giảm rõ rệt

Trong số ca xác định, có 1.351 ca sàng lọc tại bệnh viện, 160 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu, 71 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

Nhìn tổng quan, số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM đã có dấu hiệu giảm rất nhiều, khoảng 2.000 - 3.000 ca/ngày so với trung tuần tháng 3.

Số ca mắc Covid-19 cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM là hơn 586.000 ca.

Chính vì số ca mắc mới giảm nên số ca cần nhập viện cũng giảm. Trong ngày 23.3, số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 622 ca, tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 lên đến 4.427 ca, giảm hơn 1.000 ca so với trung tuần tháng 3. Trong đó, bệnh viện tầng 3 là 420 ca và 571 ca nặng có hỗ trợ hô hấp, 78 ca thở máy xâm lấn.

Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị giảm xuống còn 211 ca (cộng dồn là gần 34.500 ca) và số phụ nữ mang thai đang điều trị giảm còn 30 ca (số cộng dồn là 4.299 ca).

Tính đến hiện tại, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung chỉ còn 349 ca; có 3 ca đang cách ly tại khu cách ly, điều trị của khu chế xuất, khu công nghiệp. Đặc biệt, số ca cách ly tại nhà ngày 23.3 giảm còn hơn 71.700 ca, giảm khoảng 30.000 ca so với trung tuần tháng 3.

Ngày 23.3, TP.HCM có 2 ca mắc Covid-19 tử vong kèm bệnh nền, trong đó có 1 ca do tỉnh chuyển đến. Tổng số ca mắc Covid-19 tử vong cộng dồn tại TP.HCM là gần 20.500 ca.

Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang hạ nhiệt, TP.HCM gần như đã đạt được mục tiêu quản lý ca F0 qua mạng với hơn 48.000 người khai báo qua mạng chỉ sau 1 tuần triển khai. TP.HCM cũng đang làm tốt Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ để giảm số ca mắc và nguy cơ tử vong. Bộ Y tế cũng đang chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.

Những ai có thể sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld?

Theo PGS-TS-BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP.HCM, kháng thể đơn dòng Evusheld được hình thành từ hơn 1.500 kháng thể của người khỏi bệnh Covid-19 trên khắp thế giới, các nhà khoa học đã chọn ra 2 kháng thể có hoạt lực mạnh nhất để tạo ra.

Những ai có thể sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld?

Evusheld là kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được FDA (Mỹ) cấp phép sử dụng khẩn cấp, được nhiều quốc gia trên thế giới phê duyệt khẩn cấp nhằm bảo vệ kịp thời nhóm người dễ bị tổn thương trước Covid-19.

Đặc biệt là khi biến thể Omicron đang lan rộng, kháng thể đơn dòng Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain…

Kháng thể đơn dòng Evusheld là thuốc, không phải vắc xin và không thay thế vắc xin phòng Covid-19.

Kháng thể đơn dòng Evusheld được cấp phép tại Việt Nam để sử dụng trên đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, và được xem là giải pháp che chắn để bảo vệ sức khỏe trước các biến thể SARS-CoV-2 đang lan rộng.

PGS-TS-BS Trần Quang Bính cho biết thêm, người sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld cần đáp ứng các tiêu chí: độ tuổi từ 12 tuổi trở lên, cân nặng từ 40 kg và tại thời điểm tiêm không đang nhiễm SARS-CoV-2, không có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 được xác định; đồng thời phải thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Nhóm người có suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng do bệnh lý, hoặc sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch, có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch thỏa đáng đối với vắc xin Covid-19.

2. Nhóm người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 do tiền sử xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin Covid-19. Ví dụ như dị ứng nặng.

Tại Việt Nam, Evusheld được Bộ Y tế cấp phép cho Hệ thống BVĐK Tâm Anh nhập khẩu và sử dụng thông qua sự phân phối của Công ty vắc xin Việt Nam (VNVC) và Công ty AstraZeneca.

Còn theo khuyến cáo của nhà sản xuất AstraZeneca, FDA và Bộ Y tế, các tình trạng y khoa hoặc phương pháp điều trị có thể dẫn tới suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng và đáp ứng miễn dịch không thỏa đáng đối với vắc xin Covid-19 bao gồm:

1. Nhóm người bệnh đang điều trị khối u đặc và bệnh lý huyết học ác tính; nhóm người ghép nội tạng và đang điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch.

2. Nhóm người tiếp nhận tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR)-T hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu (trong vòng 2 năm sau khi cấy ghép hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch).

3. Nhóm bị suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ vừa đến nặng.

4. Đối tượng nhiễm HIV giai đoạn tiến triển hoặc chưa được điều trị (những người nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 <200/mm3, tiền sử bệnh AIDS mà không được phục hồi miễn dịch, hoặc các biểu hiện lâm sàng của HIV có triệu chứng).

5. Nhóm người bệnh đang điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao (nghĩa là ≥20 mg prednisone hoặc tương đương mỗi ngày khi dùng trong ≥ 2 tuần), tác nhân alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, tác nhân hóa trị ung thư được phân loại là ức chế miễn dịch mức độ nặng, thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), và các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch (ví dụ, tác nhân ức chế tế bào B).

Quên uống thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 thì phải làm sao?

Việc uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Quên uống thuốc hay uống thuốc không theo một thời gian nhất định như bác sĩ chỉ định không những khiến cho quá trình điều trị kém hiệu quả mà còn có hại cho sức khỏe.

Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir là một trong những loại thuốc yêu cầu uống đúng giờ và theo liều lượng nhất định. Vậy nếu như chúng ta quên uống thuốc thì nên xử lý như thế nào?

Quên uống thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 thì phải làm sao?

Quên liều Molnupiravir có uống bù được không?

Có rất nhiều loại thuốc được quy định uống cách nhau tối thiểu 6 tiếng hoặc 12 tiếng để tránh tác động xấu tới cơ thể. Việc uống bù 2 liều/lần có thể khiến cho nồng độ thuốc trong máu tại thời điểm đó quá cao dẫn tới tình trạng ngộ độc và gặp các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, khó thở,...thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Đối với thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir đã được quy định liều lượng dùng rất nghiêm ngặt. Mỗi 12 tiếng chỉ được phép sử dụng 800mg và chia làm 2 lần uống.

Trả lời câu hỏi nếu như chúng ta quên liều thì có thể uống bù vào bữa sau hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho biết nếu như xảy ra trường hợp quên liều Molnupiravir, thì ngay khi nhớ ra chúng ta có thể uống liền. Trong trường hợp chúng ta nhớ ra nhưng sắp tới liều tiếp theo thì chúng ta cũng uống ngay, đồng thời lùi liều tiếp theo lại. Đặc biệt là không được uống gộp liều.

Nên uống Molnupiravir cách nhau mấy tiếng?

Mỗi 12 tiếng chỉ được uống 800mg, mỗi một lần uống chỉ được uống 400mg, vậy thì thời gian giữa hai liều là bao nhiêu tiếng để thuốc phát huy hết tác dụng và không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm rằng nguyên tắc của thuốc kháng vi rút phải cách nhau ít nhất từ 4 đến 6 tiếng là tối thiểu. Cũng không phải cứ nhất định 12 tiếng mới được uống một lần.

Nên uống Molnupiravir trước hay sau khi ăn?

Tùy thuộc vào thành phần, cơ chế hoạt động của thuốc quyết định nên uống thuốc vào thời điểm trước, trong hay sau khi ăn. Các thuốc thường uống khi bụng đói như Flucloxacillin, Phenoxymethylpenicillin, Oxytetracxycline,...Các loại thuốc được chỉ định uống trong khi ăn như Accarbose, Abendazol, Alfuzocin,.. Các loại thuốc cần được uống sau khi ăn như kháng sinh Ampicillin, Erythromycin, Aspirin,..

Theo hướng dẫn thì thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cần được uống trước ăn 30-60 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhưng cũng có nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải uống thuốc lúc bụng đói nên đối với những trường hợp này chúng ta có thể uống ngay trước khi ăn.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 24.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.