Bản tin Covid-19 ngày 28.11: Cả nước thêm 12.936 ca mới | Số ca nhiễm phía Nam tăng nhanh
Bản tin Covid-19 ngày 28.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 28.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 12.936 ca nhiễm mới, 1.712 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 28.11 cho biết tính từ 16h ngày 27.11 đến 16h ngày 28.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.936 ca nhiễm mới, 1.712 ca khỏi bệnh.Cả nước ghi nhận thêm 190 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 24.882 ca.
Ngày 28.11: Cả nước 12.936 ca Covid-19, 1.712 ca khỏi | TP.HCM 1.454 ca |
Thông tin về 12.936 ca nhiễm mới như sau:
- 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.928 ca ghi nhận trong nước (giảm 120 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 7.100 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.454), Cần Thơ (966), Bình Dương (705), Tây Ninh (692), Bình Thuận (598), Đồng Tháp (592), Bình Phước (591), Đồng Nai (553), Vĩnh Long (545), Bà Rịa - Vũng Tàu (531), Bến Tre (522), Bạc Liêu (512), Sóc Trăng (491), Kiên Giang (439), Cà Mau (387), Hậu Giang (294), Hà Nội (277), Khánh Hòa (258), An Giang (215), Bình Định (193), Bắc Ninh (185), Tiền Giang (155), Thừa Thiên Huế (136), Lâm Đồng (133), Hải Phòng (128), Long An (101), Gia Lai (88), Hà Giang (85), Đắk Lắk (75), Đắk Nông (72), Thanh Hóa (71), Nghệ An (70), Đà Nẵng (66), Hà Tĩnh (65), Quảng Nam (64), Vĩnh Phúc (58), Thái Nguyên (58), Ninh Thuận (57), Hòa Bình (49), Hải Dương (41), Phú Thọ (40), Nam Định (40), Thái Bình (34), Quảng Ngãi (31), Quảng Ninh (28), Tuyên Quang (27), Hưng Yên (27), Quảng Trị (26), Phú Yên (23), Quảng Bình (21), Yên Bái (17), Hà Nam (16), Bắc Giang (11), Điện Biên (7), Lào Cai (5), Bắc Kạn (2), Sơn La (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-328), TP.HCM (-319), Bà Rịa Vũng Tàu (-166).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+452), Bến Tre (+257), Hải Phòng (+106).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.102 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.210.340 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.282 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.205.128 ca, trong đó có 955.819 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (467.407), Bình Dương (280.908), Đồng Nai (86.184), Long An (38.039), Tiền Giang (27.182).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.712 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 958.636 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.096 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.483 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.846 ca
- Thở máy không xâm lấn: 174 ca
- Thở máy xâm lấn: 584 ca
- ECMO: 9 ca
Từ 17h30 ngày 27.11 đến 17h30 ngày 28.11 ghi nhận 190 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (72) trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (5), An Giang (2), Tiền Giang (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Nai (18), Bình Dương (13), Kiên Giang (10), An Giang (9), Long An (9), Cần Thơ (9), Bình Thuận (8 ), Đồng Tháp (6), Bạc Liêu (6), Tây Ninh (5), Tiền Giang (5), Cà Mau (4), Bến Tre (3), Vĩnh Long (3), Trà Vinh (3), Sóc Trăng (3), Nghệ An (2), Bình Định (1), Đắk Lắk (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 160 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 162.929 xét nghiệm cho 328.876 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 25.843.009 mẫu cho 67.855.824 lượt người.
Trong ngày 27.11 có 1.074.001 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 118.768.386 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.747.303 liều, tiêm mũi 2 là 49.021.083 liều.
3 quận ở TP.HCM tăng cấp độ dịch Covid-19
Sáng 28.11.2021, UBND TP.HCM thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 25.11, trong đó thành phố ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – màu vàng).
3 quận ở TP.HCM tăng cấp độ dịch Covid-19 |
Đối với cấp huyện, có 9 địa phương cấp độ 1 (nguy cơ thấp – màu xanh) gồm: quận 1, quận 6, quận 7, quận 8, quận 11, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Có 13 địa phương cấp độ 2 gồm: quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè.
So với tuần trước, có 3 quận tăng cấp độ dịch là: quận 4, quận Bình Thạnh và quận Tân Phú (từ cấp 1 tăng lên cấp 2); riêng huyện Cần Giờ giảm cấp độ dịch từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1.
Ở cấp xã, có 123 địa phương cấp độ 1, 184 địa phương cấp độ 2 và 5 địa phương ở cấp độ 3 (nguy cơ cao – màu cam).
UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả ” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần qua, tiêu chí tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/ tuần là 93,8 ca, nằm trong ngưỡng 50-150 ca, tương đương mức độ 3.
Tiêu chí độ bao phủ vắc xin Covid-19 của TP.HCM ở mức cao, tính đến hết ngày 25.11, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 97,7%.
Bên cạnh đó, thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
TP.HCM quy định rõ trách nhiệm chăm sóc F0 của từng cấp
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ban hành quyết định số 4028 quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 mắc Covid-19 trên địa bàn. Quy định này nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả trong quản lý F0 tại nhà và cộng đồng.
TP.HCM quy định rõ trách nhiệm chăm sóc F0 mắc Covid-19 của từng cấp |
Đối với F0 cách ly tại nhà, UBND TP.HCM phân công Trạm y tế phường, xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn xã. Phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà do Trạm y tế xã và các Trạm y tế lưu động đảm trách. Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các Trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Trạm y tế phường, xã chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (gồm: người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...) để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp (tiêm vét vắc xin Covid-19 tại nhà đối với người không thể đến điểm tiêm được, cách ly tập trung người F0 thuộc các hộ gia đình này...). Công bố số điện thoại của Trạm y tế xã và số điện thoại của các Trạm y tế lưu động trên cùng địa bàn để người dân biết và gọi khi cần hỗ trợ.
UBND TP.HCM quy định Trạm y tế lưu động phải có 1 bác sĩ, từ 1 - 2 điều dưỡng do Sở Y tế điều động và ít nhất 3 nhân sự (không phải y tế) do địa phương điều động.
Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50 - 100 hộ có F0. Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý. Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất…
UBND TP.HCM cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND cấp xã, huyện, trung tâm y tế cấp huyện, Sở Thông tin và truyền thông, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các bệnh viện... trong chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.
Trong đó, ngoài các giải pháp chuyên môn cấp vĩ mô, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế… Sở Y tế TP.HCM phải xác định ngưỡng năng lực chăm sóc và điều trị F0 tại nhà, kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố triển khai các giải pháp phù hợp khi số F0 dự báo sắp vượt ngưỡng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin, không chủ quan, lơ là. Khai báo y tế khi phát hiện là F0. Đồng thời cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.
Rạp chiếu phim tại TP.HCM ế khách sau 1 tuần mở lại
Mặc dù đã mở lại 1 tuần nhưng hầu hết các cụm rạp lớn trong thành phố đều chung tình trạng vắng vẻ. Rạp CGV Vạn Hạnh Mall vào khung giờ vàng buổi tối lúc 21 giờ, mặc dù không quá ảm đạm nhưng lượng khách này cũng chưa thể bằng 1/3 so với thời gian trước giãn cách xã hội đợt 4 tại TP.HCM.
4 lý do khiến rạp chiếu phim tại TP.HCM ế khách sau 1 tuần mở lại |
Tại rạp CGV Crescent Mall (Q.7) cùng khung giờ, rạp hoàn toàn không có một bóng khách. Các quầy bán vé trống trơn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện CGV cho biết một số rạp có tình hình kinh doanh tốt nhất như Vạn Hạnh Mall thì lượng vé bán ra chỉ bằng 30% so với bình thường. Những rạp còn lại có lượng khách xấp xỉ 20-25% so với thời gian trước dịch.
Ông Thái Ngọc Dương - Trưởng phòng kinh doanh Lotte Cinema - chia sẻ nguyên nhân khiến rạp vắng khách, đầu tiên cũng đến từ tâm lý e ngại chung của mọi người. Khi các hoạt động được mở lại trong điều kiện bình thường mới, hằng ngày vẫn có các ca nhiễm Covid-19 phát sinh nên tâm lý chung của nhiều người là dè dặt khi phải ra bên ngoài tiếp xúc, kể cả đi làm chứ chưa nói đi xem phim hay đi chơi.
Thứ hai thu nhập của khán giả bị sụt giảm nhiều sau thời gian dài giãn cách. Túi tiền eo hẹp khiến khách hàng phải dành ngân sách để chi tiêu cho dịch vụ thiết yếu nhiều hơn. Các nhu cầu giải trí sẽ là lựa chọn đầu tiên để cắt giảm.
Thứ ba là tập khách hàng quan trọng của các rạp là học sinh, sinh viên thì đều bị sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách học sinh được tiêm đủ 2 mũi vắc xin còn ít so với khách hàng người lớn. Trong khi đó khách hàng là sinh viên mặc dù được tiêm vắc xin nhiều hơn nhưng phần lớn vẫn còn đang ở các tỉnh.
Thêm vào đó, hiện nay các cụm rạp như CGV, Lotte hay BHD dù đang có các phim bom tấn nhưng thật ra các phim này cũng có thời gian công chiếu từ lâu ở nước ngoài. Có thể lấy ví dụ như phim Góa Phụ Đen (Black Widow) đã được chiếu từ tháng 4 hay Shang-Chi mới phát hành tại Việt Nam ngày 26.11 thì cũng đã chiếu ở các nước khác từ tháng 9.
Chưa kể, không ít phim còn bị "lộ" trên các nền tảng trực tuyến, cộng thêm tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam nên vô hình trung làm giảm đi sự tò mò, háo hức của khán giả trước khi đặt vé đến rạp.
"Tuần tới có phim Eternals, đây là phim quan trọng nhất, hiện tại phim này cũng may mắn chưa bị rò rỉ ở trên mạng. Yếu tố nguồn cung của sản phẩm vẫn có để khán giả chờ đợi.
Eternals cũng mới chiếu gần đây trên thế giới từ 5.11 nên cơ bản là bộ phim mới, gần như tương đương với việc phát hành của phim bom tấn trước đây tại Việt Nam.
Về phía rạp cũng kỳ vọng Eternals sẽ tạo ra được sức hút đủ lớn để thu hút khán giả tới rạp. Còn vấn đề lượng cầu như sức mua, tâm lý ra ngoài hay các bạn sinh viên lên thành phố thì mình không giải quyết được, nó cần có sự biến chuyển và vận động dần dần", ông Thái Ngọc Dương chia sẻ.
Khi đã có phim tốt, quản lý các cụm rạp đều hy vọng và mong muốn khán giả có thể ra ngoài mua vé trở lại rạp vào tuần kế tiếp để thưởng thức phim hay nhiều hơn là ngồi nhà coi trên các nền tảng trực tuyến. Bởi việc xem phim ở rạp với chất lượng âm thanh và hình ảnh có chiều sâu sẽ mang lại trải nghiệm đẳng cấp của phim bom tấn một cách chân thật nhất.
Những điều cần biết về biến thể Covid-19 Omicron
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể Covid-19 B.1.1529 mới là “Omicron” và xác định là một chủng đáng quan ngại, chỉ vài tuần sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên.
Thông báo được đưa ra vào hôm 26.11 trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Omicron có khả năng lây nhiễm cao và có thể làm giảm hiệu quả vắc xin. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa có nhiều thông tin về nó.
Điều chắc chắn là biến thể này có số lượng đột biến nhiều bất thường. Có tới 32 đột biến nằm trong protein gai, bao gồm một số đột biến có liên quan đến việc giúp virus né tránh kháng thể.
Một đột biến khác dường như làm tăng khả năng xâm nhập của virus vào tế bào, làm cho nó dễ lây lan hơn.
Omicron đến từ đâu?
Chủng Covid-19 mới lần đầu tiên phát hiện ở Botswana ngày 11.11, nơi có 3 ca bệnh được ghi nhận. Trong khi đó tại Nam Phi, 22 trường hợp liên quan Omicron được báo cáo hôm 14.11, theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm.
Ngoài ra, chủng Omicron cũng được phát hiện ở Hồng Kông và Bỉ, cả hai ca bệnh đều là người đi du lịch từ nước ngoài về.
Giới khoa học cho biết đây là biến thể có số thay đổi trong protein gai nhiều nhất cho đến nay. Có ý kiến cho rằng biến thể xuất hiện từ một người bị suy giảm miễn dịch, và người đã mang virus trong một thời gian dài. Đó có thể là một người bị nhiễm HIV/AIDS chưa được chẩn đoán.
Những điều cần biết về biến thể Covid-19 mới Omicron |
Omicron liệu có kháng vắc xin?
Các protein gai bao phủ virus Covid-19 có nhiệm vụ giúp virus bám và xâm nhập vào tế bào của người. Vắc xin huấn luyện cơ thể nhận biết những gai này và vô hiệu hóa chúng, qua đó ngăn ngừa lây nhiễm.
Tuy nhiên, 32 đột biến trong protein gai của Omicron sẽ thay đổi hình dạng của cấu trúc này, gây khó khăn cho phản ứng miễn dịch do vắc xin tạo ra. Những đột biến này có thể làm kháng thể ít nhận biết protein gai hơn.
Do vậy, kháng thể sẽ không hoạt động hiệu quả trong việc vô hiệu hóa virus, nhờ đó virus có thể vượt qua hệ thống miễn dịch và xâm nhập vào cơ thể.
Chúng ta có nên lo lắng về chủng Omicron?
Giới khoa học đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, cảnh báo rằng biến thể này có thể là "mối lo thực sự" do số lượng đột biến trong protein gai.
Trong khi đó, Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện Gien thuộc Đại học London, lại cho rằng "không có lý do gì để phải lo lắng quá mức, trừ khi tần suất xuất hiện bắt đầu tăng nhanh trong tương lai gần".
Tiến sĩ Meera Chand thuộc nhóm tư vấn khoa học về Covid-19 cho chính phủ Anh cho biết việc xuất hiện đột biến mới ở virus Covid-19 là thường xuyên và ngẫu nhiên, không quá bất thường.
Các quốc gia đã bắt đầu hành động để chống lại sự lây lan của chủng mới. Từ ngày 26.11, Anh đã gấp rút cấm chuyến bay từ 6 nước miền nam châu Phi. Liên minh châu Âu và Mỹ cùng ngày cũng ra thông báo tạm ngừng đi lại từ khu vực này.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 28.11 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)