Bản tin Covid-19 ngày 5.12: Cả nước 14.314 ca | Thần tốc hơn nữa trước diễn biến mới của dịch bệnh
Bản tin Covid-19 ngày 5.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 5.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước thêm 14.314 ca Covid-19, 1.711 ca khỏi ca nhiễm
Bản tin Bộ Y tế tối 5.12 cho biết tính từ 16h ngày 4.12 đến 16h ngày 5.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.314 ca nhiễm mới, 1.711 ca khỏi bệnh.
Trong ngày ghi nhận thêm 199 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 26.260 ca.
Ngày 5.12: Cả nước 14.314 ca Covid-19, 1.711 ca khỏi | TP.HCM 1.491 ca |
Thông tin về 14.314 ca nhiễm mới như sau:
- 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 14.312 ca ghi nhận trong nước (tăng 319 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.142 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.491), Cần Thơ (1.132), Tây Ninh (792), Sóc Trăng (775), Bà Rịa - Vũng Tàu (710), Đồng Tháp (690), Bình Thuận (648), Bến Tre (630), Bình Phước (547), Vĩnh Long (544), Khánh Hòa (465), Cà Mau (444), Bình Định (428), Hà Nội (400), Bạc Liêu (398), Kiên Giang (394), Đồng Nai (355), Bình Dương (355), An Giang (350), Thừa Thiên Huế (305), Hậu Giang (295), Tiền Giang (257), Trà Vinh (212), Hà Giang (160), Bắc Ninh (113), Đắk Nông (102), Thanh Hóa (94), Hải Phòng (91), Long An (90), Hải Dương (88), Lâm Đồng (84), Quảng Ngãi (81), Đà Nẵng (78), Ninh Thuận (75), Quảng Nam (63), Quảng Ninh (62), Gia Lai (61), Hưng Yên (60), Nam Định (47), Phú Thọ (45), Thái Nguyên (35), Vĩnh Phúc (34), Phú Yên (31), Thái Bình (28), Quảng Bình (25), Hòa Bình (23), Yên Bái (21), Tuyên Quang (16), Kon Tum (13), Bắc Giang (12), Hà Tĩnh (11), Lạng Sơn (11), Lào Cai (9), Sơn La (9), Ninh Bình (5), Hà Nam (5), Cao Bằng (5), Quảng Trị (4), Lai Châu (2), Điện Biên (1), Bắc Kạn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-167), TP.HCM (-145), Bến Tre (-132).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+225), Cần Thơ (+134), Bà Rịa - Vũng Tàu (+90).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.982 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.309.092 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.280 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.303.823 ca, trong đó có 1.006.460 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (478.309), Bình Dương (284.263), Đồng Nai (89.514), Long An (38.697), Tây Ninh (32.483).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.711 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.009.277 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.854 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.618 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.376 ca
- Thở máy không xâm lấn: 162 ca
- Thở máy xâm lấn: 683 ca
- ECMO: 15 ca
Từ 17h30 ngày 4.12 đến 17h30 ngày 5.12 ghi nhận 199 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (69) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bến Tre (2), Đồng Tháp (1), Quảng Ngãi (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Tây Ninh (20), An Giang (19), Kiên Giang (17), Đồng Nai (12), Tiền Giang (10), Bình Dương (9), Cần Thơ (7), Sóc Trăng (6), Vĩnh Long (6), Đồng Tháp (5), Bình Thuận (4), Cà Mau (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Cao Bằng (1), Trà Vinh (1), Phú Thọ (1), Thừa Thiên Huế (1), Bình Định (1), Khánh Hoà (1), Bình Phước (1), Bạc Liêu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 197 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.260 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 24.759 xét nghiệm cho 38.829 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.887.231 mẫu cho 69.737.261 lượt người.
Trong ngày 4.12 có 502.169 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 127.353.020 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.251.913 liều, tiêm mũi 2 là 54.101.107 liều.
Thủ tướng chỉ đạo thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin và cung ứng thuốc điều trị Covid-19
Ngày 5.12.2021, tại cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, báo cáo của Bộ Y tế cho biết tổng số vắc xin Covid-19 đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều.
Đến hết ngày 3.12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc xin, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước, và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Thủ tướng chỉ đạo thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin và cung ứng thuốc điều trị Covid-19 |
Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2.12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm:
- Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ).
- Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên).
- Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc).
- Thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin Covid-19 và đạt nhiều kết quả tốt, nhưng trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là những giải pháp hết sức cơ bản, quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh Covid-19, tổ chức tiêm vắc xin là công việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ, phải làm trong thời gian ngắn, nên không tránh khỏi những sơ suất, khó khăn, lúng túng, điều quan trọng là phát hiện nhanh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, tích cực về vấn đề này, việc tổ chức thực hiện cần đồng bộ, thông suốt, tổng thể, liên thông, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin,… tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh phải thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu.
Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như chúng ta đã làm trước đó.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Về thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bám sát, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép…
Đồng thời, các đơn vị chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị Covid-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống lãng phí; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu.
Về sản xuất vắc xin và thuốc trong nước nói chung, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản, kết luận về vấn đề này, Bộ Y tế và các cơ quan cần tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính, cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế 'thúc' các tỉnh đẩy nhanh tiêm vắc xin
Bộ Y tế vừa có văn bản hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Trong đó có yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Bộ Y tế hỏa tốc 'thúc' các tỉnh đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 |
Theo Bộ Y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời vắc xin phòng Covid-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Tổng hợp ghi nhận kết quả triển khai từ các địa phương, đơn vị, đến hết ngày 30.11.2021 đã tiêm được hơn 123 triệu liều vắc xin.
Nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.
Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vắc xin, số vắc xin được phân bổ và độ bao phủ vắc xin còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.
Bộ Y tế đề nghị khẩn trương các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền. Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phổ vắc xin cao cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin.
Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn tại Công văn số 10225 ngày 1.12.2021 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vắc xin đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vắc xin với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.
Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, tính an toàn của vắc xin và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh hoang mang và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ sử dụng vắc xin đã được phân bổ và tỷ lệ bao phủ vắc xin tại địa phương.
F0 Covid-19 cách ly tại nhà cần thêm thuốc gì?
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, ngoài 3 gói thuốc A (vitamin, giảm đau hạ sốt), thuốc B (kháng viêm, kháng đông chỉ uống 1 liều duy nhất khi có chỉ định) và C (kháng vi rút uống theo chỉ định bác sĩ) thì F0 mắc Covid-19 cách ly tại nhà có thể sử dụng các thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng thường gặp. Cụ thể như sau:
F0 mắc Covid-19 cách ly tại nhà cần thêm thuốc gì ngoài gói thuốc A, B, C? |
Thuốc chống sung huyết làm giảm nghẹt mũi
Phenylephrin hydrochlorid: Thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau.
Xylometazolin: Thuốc nhỏ mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Benzalkonium.
Naphazolin: Thuốc nhỏ mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Diphenylhydramin hoặc Procain.
Thuốc kháng Histamin giúp giảm tiết nước mũi
Clorpheniramin maleat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau.
Loratadin, Fexofenadin: Thuốc uống làm giảm các triệu chứng chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi.
Thuốc ức chế ho
Codein: Thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, giảm đau.
Sulfoguaiacol: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm hạ nhiệt, giảm đau, chống ho.
Alimemazin tartrat: Điều trị các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi.
Thuốc long đàm, tan đàm
Guaiphenesin thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với tác dụng chữa ho, hạ nhiệt, giảm đau.
Terpin hydrat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với codein làm loãng đàm, giúp dễ khạc đàm.
Acetylcystein, Bromhexin, Carbocystein, Ambroxol giảm độ quánh của đàm, được dùng khi chất tiết phế quản đặc.
Cao khô lá thường xuân có tác dụng long đàm, tan đàm, chống co thắt phế quản.
Dung dịch bù nước, điện giải
F0 có thể pha dung dịch Oresol theo hướng dẫn trên nhãn để uống khi bị tiêu chảy, mất nước.
Thuốc hỗ trợ điều trị
Các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng hô hấp, giảm ho, sát khuẩn hầu họng.
Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý các thuốc ức chế ho, thuốc chống sung huyết có thể có các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, F0 cách ly tại nhà không sử dụng thuốc chống sung huyết trong thời gian dài. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em và người có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, bệnh tim).
F0 cách ly tại nhà cần sử dụng nước muối sinh lý (dung dịch natri clorid 0,9%) để súc miệng, xịt, rửa mũi hoặc sử dụng nước súc miệng, sát khuẩn hầu họng nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, F0 cách ly tại nhà có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học (nếu cần) để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị, bổ sung dinh dưỡng.
Hiện TP.HCM có tổng số F0 là hơn 86.000 ca. Trong đó, đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là hơn 13.000 ca; khoảng hơn 5.800 F0 đang cách ly tập trung và hơn 66.000 F0 cách ly tại nhà.
Chuỗi nhà hàng cao cấp dẹp 90% mặt bằng, mở thương hiệu bình dân để tồn tại
Nằm ở ngay mặt tiền đường Lê Anh Xuân (Q.1), vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành; trước khi đại dịch xảy ra, khu vực này tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước. Nhà hàng với những món ăn mang đậm bản sắc Singapore truyền thống thu hút lượng khách nội địa dồi dào dù giá cả món ăn có phần cao hơn mặt bằng chung.
Chuỗi nhà hàng cao cấp dẹp 90% mặt bằng, mở thương hiệu bình dân để tồn tại |
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không chỉ phải cắt giảm 90% số lượng nhà hàng, chuỗi cũng phải cắt giảm nhiều vị trí nhân viên để tiết kiệm chi phí, nhằm duy trì phục vụ số lượng khách ảm đạm những ngày trong tuần.
Dịch bệnh đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang đi chợ, mua thực phẩm… trên các kênh bán hàng trực tuyến. Việc đặt hàng trên các thiết bị di động, giao hàng và thanh toán tại nhà ngày càng trở nên phổ biến.
Các chuỗi nhà hàng đã tích cực phục vụ nhu cầu mua sắm online cho khách hàng.
Golden Gate với 15 năm “nói không với các dịch vụ đặt hàng online” cho chuỗi cao cấp GoGi, Hutong, Manwah đã mở website bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, thực hiện giải pháp cho khách hàng mượn vỉ nướng, bếp chuyên dụng để tự nấu lẩu, nướng tại nhà.
Chuỗi Pizza Home cũng thành công bằng chiến lược “kết hợp để giải cứu nông sản” khi ra mắt pizza thanh long, dưa hấu; cung cấp nguyên liệu cho khách hàng tự chọn lựa và chế biến.
Trong suốt 2 năm Covid-19 xuất hiện, doanh thu của chuỗi nhà hàng cao cấp Lion City giảm tới 70% trong khi vẫn phải gánh khoản tiền thuê mặt bằng đắt đỏ tại các vị trí trung tâm của TP.Hồ Chí Minh. Ngay trong tháng 12.2021, đơn vị này đang khẩn trương cho ra mắt thương hiệu mới Ok-lah tập trung vào phân khúc khách hàng bình dân, với mức giá phù hợp và dễ dàng tiếp cận hơn với phần lớn khách hàng.
Thương hiệu mới cũng chú trọng vào dịch vụ giao hàng và đặt món trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ứng dụng “bếp ảo” từ đó góp phần tối ưu chi phí thuê mặt bằng và trang trí nội thất tại cửa hàng.
Với chiến lược thay đổi mô hình kinh doanh, tái cấu trúc menu, thu nhỏ và trang trí lại nhà hàng, các thương hiệu ăn uống phân khúc trung cao kì vọng đây chính là giải pháp duy trì tốt nhất trong tình hình dịch bệnh diễn ra không theo bất cứ kịch bản nào.
Nam Phi đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 do chủng Omicron
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla hôm 3.12 cho biết nước này đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư do biến thể Omicron. Chủng mới được ghi nhận ở 7/9 tỉnh của nước này.
Nam Phi đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư do chủng Omicron |
Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở miền nam châu Phi vào tháng trước. Sau phát hiện này, nhiều nơi trên thế giới đã ra thông báo cấm hoặc hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới.
Ông Phaahla hy vọng rằng biến thể này có thể được kiểm soát và không làm quá nhiều người chết.
Số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đã tăng gần 4 lần trong 4 ngày qua, gây lo ngại về khả năng lây lan của biến thể Omicron trong bối cảnh nước này bước vào đợt lây nhiễm thứ 4.
Ông Joe Phaahla cho biết: "Họ đã cảnh báo rằng biến thể nói chung sẽ dễ lây lan hơn nhưng hầu như sẽ ít nghiêm trọng hơn. Hôm nay chúng tôi bước vào làn sóng Covid-19 thứ tư với biến thể mới".
Bộ trưởng Y tế Nam Phi kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ, đồng thời nói thêm rằng nước này có thể kiểm soát đợt dịch mới mà không cần có các hạn chế chặt chẽ hơn trong dịp Giáng sinh.
Ngày 2.12, giới chức y tế Nam Phi cho biết biến thể mới có nguy cơ tái nhiễm cao gấp ba lần so với Delta và Beta. Bằng chứng là nó có "khả năng tránh miễn dịch từ việc mắc bệnh trước đó".
Nhà khoa học hàng đầu Michelle Groome thuộc Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi trong cuộc họp báo cho biết nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Omicron "chưa từng có" trong thời gian ngắn.
Bà cũng nói rằng các ca nhiễm có xu hướng chuyển từ nhóm trẻ sang nhóm tuổi già hơn.
Bộ Y tế tỉnh Gauteng cho biết họ đang tìm hiểu lý do tại sao các ca bệnh cũng gia tăng ở những người trẻ tuổi và phụ nữ mang thai.
Vào cuối tháng 11, Omicron đã được WHO xếp vào danh sách biến thể đáng lo ngại và giới khoa học hiện vẫn đang thu thập thêm dữ liệu để xác định mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng của nó.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 5.12 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)