Bão đầu mùa - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương

Lê Thị Nam Phương
(Bình Phước)
09/10/2024 10:00 GMT+7

Mưa. Gió rít từng cơn như con thú hoang bị thương không được chữa trị. Mái tôn chốc chốc lại cọt kẹt nghiến kêu trèo trẹo. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo từng đợt gió gào.

Mẹ vội vã khoác tấm ni lông màu trắng đục đã ngả màu vàng loang lổ, với tay cầm chiếc nón lá lấm tấm vết thâm kim, quần xắn qua đầu gối, hớt hải ra dựng lại cây chanh già trĩu quả.

Tôi luống cuống chạy theo không kịp khoác áo mưa, mẹ xua tôi vào nhà vì sợ tôi cảm lạnh.

- Vào nhà đi con, mạ làm được.

Mẹ bao giờ cũng vậy, chỉ muốn con được sung sướng bình an, dẫu tôi đã ngoài 20 thì vẫn là đứa con bé bỏng. Tôi toét miệng: "Con là thanh niên rồi mạ ơi!". Rồi bằng sức trai phơi phới, tôi dựng cây chanh già đứng dậy, mẹ kiếm được chạc cây to chống vào nhánh lớn nhất của cây chanh, giải pháp tạm thời với hy vọng mong manh cây chanh già sẽ vượt qua mùa bão.

Cây chanh mẹ trồng lúc tôi mười tuổi, chẳng biết tuổi thọ cây chanh tối đa được bao nhiêu năm, nhưng đến bây giờ hơn mười năm rồi hàng năm nó vẫn cho trái sai trĩu cành, một nguồn thu nho nhỏ cho mẹ thêm tiền chợ búa. Đận ấy cha tôi được một người bạn trong Nam về đem cho, bảo giống chanh mới, trồng thử xem sao. Lúc ấy cha tôi cũng không đặt hy vọng bởi cây cối phải hợp thổ nhưỡng mới mong đạt năng suất tốt nhất, cha trồng cây như nuôi dưỡng tình bạn đã kéo dài suốt mấy mươi năm. Chẳng biết do tình đất hay tình người mà cây chanh bén rễ rất nhanh lớn phổng phao, sau hai năm bắt đầu cho những quả bói đầu tiên, trái chanh to như quả trứng gà, vỏ bóng lưỡng chứ không sần sùi như như các loại chanh vẫn thường được bày bán ở chợ quê, và đặc biệt là chanh không có hạt.

Cha tôi rất quý cây chanh vì nó nhắc nhớ đến người bạn cũ xa quê, mẹ tôi quý cây chanh vì nó cho nguồn thu nhập tuy ít ỏi nhưng cũng có thể gọi là có kinh tế, chị em tôi quý cây chanh vì nó cho chúng tôi những ly nước chanh mát lạnh buổi trưa hè. Cây chanh đã cùng gia đình tôi đi qua bao nhiêu mùa mưa bão, chưa có cơn gió nào có thể bẻ được nhánh cành của nó. Nhưng năm nay cơn bão đầu mùa đã có thể đánh bật một phần gốc rễ, phải chăng đã đến lúc cây chanh không còn nhiều sức lực để chống chọi với thiên tai.

Mẹ đem rổ nhặt nhạnh những quả chanh rơi rụng đầy mặt đất với niềm tiếc nuối, quả to còn dùng được, trái bé như hạt cau thì chỉ bỏ đi cùng cái thở dài. Mẹ tôi bao giờ cũng vậy, luôn thu vén mọi thứ, cái gì còn dùng được mẹ đều tận dụng tối đa. Cha mẹ tôi là người miền Trung chính gốc, chẳng biết có phải do miền Trung quanh năm mưa bão đói nghèo hay không, mà người dân miền Trung chịu thương chịu khó vô cùng.

Bão đầu mùa - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương- Ảnh 1.

ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Cha mẹ tôi năm nay đã ngoài bảy mươi, nghe tin bão về lòng tôi chộn rộn không yên, gấp rút bắt chuyến xe về trong đêm, nhìn thấy cha mẹ cho yên lòng.

- Cha mi, không ở trong nớ cho khô ráo, về chi đương buổi ngập ngụa ri.

- Con về vì nhớ mùa bão quê ta đó mạ - tôi tếu táo đáp lời.

Mắng vậy thôi nhưng ánh mắt mẹ vẫn ngập tràn niềm vui khi thấy con về. Tôi báo với anh chủ quán nơi làm thêm xin nghỉ ít hôm vì để cha mẹ già chống đỡ mưa bão không đành lòng. Anh đồng ý rốt rẻng, bảo tôi dứt bão hẵng vô.

Chỉ còn một năm nữa là tôi ra trường, quanh quẩn ở giảng đường và vài nơi làm thêm khiến tôi chẳng còn thời gian nhớ đến quê hương cùng những người thân yêu. Nhưng lạ, cứ mỗi khi nghe tin bão về tôi lại muốn quăng bỏ mọi lo toan bộn bề của cuộc sống để về với cha mẹ, dẫu tôi không thể chống đỡ được mùa bão, nhưng cảm giác ngồi cùng cha mẹ trong căn nhà nhỏ, giông bão ngoài kia cũng hóa nhỏ nhoi.

Chừng mô con vô trong nớ lại? Để mẹ mần vài chục bánh ít đem vô trong nớ anh em ăn lấy thảo. Con ăn khoai không, mạ lùi tro hỉ?! Mai mạ con ta đem lên cho dì thùng mì hỉ, nhân tiện coi nhà dì có lủng dột chỗ mô không.

Trăm lần như một, tôi về thăm nhà với chiếc ba lô vỏn vẹn dăm bộ đồ, thì khi đi mẹ sẽ chuẩn bị cơ man là lương thực, quà bánh.

Gác rổ chanh lên chạn chén, mẹ quay qua bắc ấm nước chè xanh. Cha mẹ tôi cùng nhiều người dân quê khác vẫn không bỏ thói quen uống nước chè xanh, vị chát chát thanh thanh của nước chè xanh trôi qua cổ họng đọng lại dư vị ngọt ngào khó tả. Lúc nhỏ, tôi thử một ngụm bèn phun ra ngay vì cái vị chát chát nơi đầu lưỡi.

Cảm giác được ngồi bên bếp lửa nghe mùi nước chè xanh xộc lên mũi thơm nức, đợi mẹ khều củ khoai lùi nóng hổi vừa cắn vừa xuýt xoa, thế giới ngoài kia như ngưng đọng, khung cảnh yên bình như những ngày thơ bé.

Bão đầu mùa - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương- Ảnh 2.

ẢNH: B.H

Tôi nhớ mãi những ngày chị em tôi còn nhỏ, khi ấy căn nhà chưa được xây bằng gạch và lợp tôn như bây giờ. Vách được trộn từ bùn và rơm rạ, mái lợp từ lá dừa. Mỗi cơn gió thổi qua khiến mái nhà nghiêng ngả, bão về cả nhà phải kê bàn ghế lên cao, vị trí cao nhất được ưu tiên cho sách vở của chị em chúng tôi rồi đến mền gối. Tôi nhớ có năm nước ngập đến ban thờ, mọi vật dụng trong nhà đều ướt sũng trôi lềnh bềnh trong nước. Những ngày đó dân làng phải hè nhau lên những ngọn đồi để lánh tạm, nước rút một bãi chiến trường nhớp nháp nhầy nhụa, nhà nhà lại hì hục quét dọn phơi phóng. Có năm thóc giống không kịp sơ tán, qua vài ngày bão ẩm mốc mọc mầm ở trong bao, xem như mùa đói kém đang chờ đón. Ấy vậy mà không hiểu sao người dân quê tôi vẫn rất lạc quan, vừa chạy bão vừa í ới gọi nhau còn pha những câu chuyện cười tếu táo. Cha tôi bảo thế chẳng cười thì làm gì bây giờ, chúng ta sinh sống ở vùng đất ít được thiên nhiên ưu đãi thì phải học cách chấp nhận sống chung. Hơn nữa, ở đây chúng tôi có những người hàng xóm yêu thương đùm bọc nhau như ruột thịt. Có lẽ đó là lý do mà người dân vẫn quyết tâm bám đất bám làng.

Dì là em ruột của mẹ tôi, lấy chồng cách nhà tôi độ năm cây số, cuộc sống thôn quê vốn thanh bình yên ả, vợ chồng chịu khó vun vén làm ăn cũng không đến nỗi đói nghèo. Mỗi mùa bão đi qua người dân lại mất đi một chút tài sản, hoa màu vật nuôi. Hết bão lại quay về cuộc sống thường nhật với sự nỗ lực gấp đôi. Ấy vậy mà dì tôi, không chỉ mất đi tài sản, dì mất luôn cả dượng.

Tôi còn nhớ năm đó tôi chừng mười tuổi, đứa con lớn nhà dì mới tròn năm tuổi, buổi nào có việc lên phố dì lại đưa con vào nhà tôi gửi mấy ngày, thành ra anh em tôi rất thương nhau. Dì đi buôn vài món đồ lặt vặt, cứ lên phố một chuyến thồ hàng về bán lặt vặt cho dân trong làng. Quê tôi cũng có chợ nhưng chợ họp theo phiên và cũng chỉ có dăm ba món hàng người dân nuôi trồng được, thành ra cái quán nhỏ của dì lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với các loại mắm muối, gia vị, đồ gia dụng, những vật dụng thiết yếu nào bàn chải đánh răng, thau giặt đồ, rổ rá, vài thùng mì tôm và ít bánh kẹo. Cuộc mưu sinh của dì dượng nhờ cái quán bé xíu ấy mà đỡ đi phần nào nỗi lo về kinh tế.

Hôm ấy dì lên phố lấy hàng như mọi khi, mưa sậm sụt từ sáng sớm đến chiều tối không có dấu hiệu thuyên giảm, càng về tối trời càng mưa to. Chiếc cầu bắc qua con sông đầu làng đã chìm trong biển nước. Cả nhà tôi sốt ruột vì không thấy dì dượng đón em về, mọi hôm tầm này không dì thì dượng đã dong xe đạp vào đón con. Ruột gan cứ nóng như lửa đốt, mẹ tôi cùng cha xách cây đèn bão lội về phía đầu làng, nước trắng cả quãng đồng ánh đèn loang tới đâu nước ngập tràn tới đó.

Đến đầu cầu đã thấy dì tôi ngồi khóc rũ rượi, hàng hóa rơi trôi nổi trên sông. Sau khi đưa được dì và mớ hàng hóa qua gần bờ, dì tuột tay rơi hết nửa hàng dượng nhoài người theo vớt lại mà không kịp, dượng cứ thế theo dòng nước trôi đi mãi. Nước chảy xiết dượng không thể bơi quay lại bờ, dì cứ đứng gào khóc như thế đến khi trời tối mịt.

Đã mười năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại lòng tôi vẫn còn nghẹn đắng, dì vẫn kiên cường bám trụ quê hương cùng con đi qua bao mùa mưa bão, nỗi đau ấy có lẽ dì đã chôn vào một góc sâu nhất của lòng mình.

Quê tôi mỗi năm đều oằn mình gánh dăm cơn bão, nhẹ thì trôi hết hoa màu, vật nuôi, nặng thì cửa nhà, tài sản. Những năm gần đây lớp trẻ đã rời quê khá nhiều để đi tìm tương lai nơi vùng đất mới, người đi học, người đi làm, thế nhưng quê hương vẫn luôn là chốn dưỡng nuôi tâm hồn biết bao thế hệ, dẫu đi xa đến đâu vẫn muốn trở về. Bởi nơi đó có mẹ cha, có xóm làng, có cả tuổi thơ bùn đất và đặc biệt có cả một phần máu thịt ta nơi ấy.

Bão đầu mùa - Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Nam Phương- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.