Bắt hơn 100 tấn dược liệu Trung Quốc 'đội lốt' hoa quả khô

Thái Sơn
Thái Sơn
06/12/2019 05:29 GMT+7

Để vận chuyển hết số tang vật “khủng” này về nơi tạm giữ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng , kinh tế, buôn lậu phải huy động 7 xe container cùng nhiều xe tải nhỏ.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, từ chiều 4.12, nhiều mũi trinh sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đồng loạt bắt quả tang nhiều xe tải chở nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).
Ngay sau đó, lực lượng chức năng thực hiện khám xét tại kho hàng của nhiều doanh nghiệp ở Đình Bảng (Bắc Ninh) và Ninh Hiệp (Hà Nội), bao gồm một kho hàng lớn của Công ty xuất nhập khẩu Hà Bắc (P.Đình Bảng, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh).
Tại các kho hàng này, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 60 loại dược liệu khác nhau với trọng lượng hàng chục tấn không hóa đơn, chứng từ nguồn gốc. Đến 11 giờ trưa 5.12, C03 mới hoàn tất việc khám xét và vận chuyển tang vật hơn 100 tấn nguyên liệu để làm thuốc bắc từ Lạng Sơn và Bắc Ninh về tạm giữ tại trụ sở Bộ Công an. Để vận chuyển hết số tang vật “khủng” này, C03 phải huy động 7 xe container cùng nhiều xe tải nhỏ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một điều tra viên thuộc C03 cho hay việc bắt quả tang vụ buôn lậu dược liệu được Bộ Công an xác lập chuyên án cách đây từ nhiều tháng. Bước đầu xác định, một số cá nhân tại xã Ninh Hiệp (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) đã thành lập nhiều công ty có chức năng xuất nhập khẩu hoa quả, hàng tiêu dùng để làm bình phong cho hành vi buôn lậu.
Cụ thể, các công ty đã mở tờ khai nhập khẩu các loại hoa quả sấy khô, sau đó độn lẫn dược liệu cho vào container rồi vận chuyển qua cửa khẩu dưới danh nghĩa hàng hóa nhập khẩu. Quá trình khám xét 2 xe container bị bắt giữ khi vừa đi qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), C03 phát hiện chủ yếu là các loại nguyên liệu chế biến thuốc bắc.
Các mặt hàng trên xe và tại các kho chứa ở Bắc Ninh đều vi phạm quy định tại Thông tư 48 của Bộ Y tế ban hành ngày 28.12.2018 về danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Hiện C03 đang phối hợp với Cục Y dược, Bộ Y tế phân tích, giám định các loại tang vật thu giữ.
Tạm giữ tang vật hơn 100 tấn nguyên liệu làm thuốc bắc

Tạm giữ tang vật hơn 100 tấn nguyên liệu làm thuốc bắc

Một cán bộ thuộc C03 nhìn nhận đường dây buôn lậu dược liệu trên hoạt động có tổ chức với thủ đoạn đơn giản nhưng dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, bởi dược liệu mang tính chất chuyên ngành, người bình thường khó có thể nhận biết được hoa quả sấy khô tiêu dùng hay để làm thuốc bắc.
Theo quy định, nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc bắc, đều phải kiểm soát chặt chẽ cả đầu vào lẫn đầu ra. Tuy nhiên, loại dược liệu không rõ nguồn gốc này khi đi vào Việt Nam sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người. Được biết, số dược liệu nêu trên sau khi qua mặt lực lượng hải quan tại Lạng Sơn, được vận chuyển về kho hàng tại Bắc Ninh, Hà Nội rồi dự kiến đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
Còn theo Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả Đàm Thanh Thế, tình trạng nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc không chỉ diễn ra tại Lạng Sơn mà còn ở một số địa phương có đường biên giới với Trung Quốc.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt giữ những vụ buôn lậu dược liệu với quy mô hàng chục tấn. “Từ giữa năm 2018, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, trong đó có dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Bộ Công an và các địa phương đã bóc gỡ được những đường dây buôn lậu dược liệu rất lớn”, ông Thế đánh giá.

Hầu hết dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc không rõ ràng

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.12, PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết: “Sự việc cơ quan công an bắt giữ dược liệu nhập lậu, chúng tôi có tham gia phối hợp về chuyên môn. Chúng tôi đã tham gia phân loại, lấy mẫu kiểm nghiệm. Chờ kết quả kiểm nghiệm để đánh giá chính xác hơn về chất lượng”.
Theo Cục Quản lý y, dược (Bộ Y tế), hằng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 - 85% nhập khẩu (thời điểm 2016 - 2017), nhưng ước chỉ có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, năm 2018, các trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, TP cũng đã phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017).
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.