Bất ổn từ đợt phong tỏa tại Trung Quốc

10/01/2022 07:31 GMT+7

Đợt phong tỏa tại TP.Tây An, tỉnh Thiểm Tây nhằm ngăn Covid-19 đã gây ra nhiều bất bình trong xã hội đến mức một phó thủ tướng Trung Quốc phải cảm thấy “hổ thẹn”.

Tờ South China Morning Post ngày 9.1 đăng bài viết cho biết Tây An đang chuẩn bị tích trữ nhu yếu phẩm khi đợt phong tỏa sắp bước qua tuần thứ 3.

Đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất

Sinh viên Amelia Wang (23 tuổi) bị kẹt trong ký túc xá ở trường từ đầu đợt dịch và lần duy nhất được ra ngoài là khi đăng ký làm tình nguyện viên cho trung tâm xét nghiệm Covid-19 đặt trong khuôn viên trường. Wang tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng được khi thành phố 13 triệu dân đã chủ trì tốt Đại hội thể thao toàn quốc hồi tháng 9 năm ngoái nhưng lại để xảy ra đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ khi vi rút được phát hiện tại Vũ Hán cách đây 2 năm, theo South China Morning Post.

Lối vào khu dân cư tại Tây An trong đợt phong tỏa

AFP

Dù diễn ra giữa đại dịch nhưng kỳ đại hội kéo dài 2 tuần được đánh giá là thành công, một phần nhờ siết chặt quy định và đóng cửa hơn 4.000 địa điểm văn hóa, du lịch suốt hơn một tháng. Tuy nhiên, từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại một khách sạn làm nơi cách ly vào ngày 9.12, số ca nhiễm bắt đầu tăng dần. Tính đến ngày 8.1, Tây An ghi nhận tổng cộng gần 2.000 ca nhiễm, có thời điểm có khoảng 150 ca nhiễm/ngày. Hơn 42.000 người phải cách ly tập trung và toàn thành phố bị phong tỏa đến nay được gần 20 ngày.

Người dân bắt buộc phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi được cho phép. Nhiều đợt xét nghiệm trên quy mô toàn thành phố được thực hiện nhằm truy vết các ca nhiễm.

CDC châu Phi: phong tỏa không còn là cách đối phó Covid-19 hiệu quả nhất

Phó thủ tướng lên tiếng

Đến nay, đợt dịch được đánh giá đã thuyên giảm với một số khu vực được xếp hạng vùng có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, chính sách zero-Covid (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) mà chính quyền áp dụng tại Tây An cũng như trên cả nước mang theo những thách thức và gây ra nhiều bất bình.

Từ khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23.12.2021, nhiều người dân đã phàn nàn về việc thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và việc tiếp cận dịch vụ y tế. Hai thai phụ đã bị mất con vì những quy định chống dịch khắt khe khiến họ không được hỗ trợ y tế kịp thời. Một phụ nữ khác nói rằng cha của cô đã qua đời do cơn đau tim sau khi phải chờ đợi quá lâu mà không tiếp cận được dịch vụ cấp cứu và bị bệnh viện từ chối tiếp nhận.

Người dân mua nhu yếu phẩm tại một khu dân cư bị phong tỏa ở Tây An

Trong khi đó, ứng dụng sức khỏe điện tử của thành phố gặp vấn đề 2 lần trong 2 tuần do bảo trì kém, khiến người dân không thể trình ra chứng nhận không bị nhiễm của họ để ra ngoài hoặc đến các cơ sở công cộng như bệnh viện.

Tuy chính quyền đã cố gắng khắc phục nhưng các vấn đề trong quá trình thực thi chính sách zero-Covid đã gây bất mãn lớn trong xã hội đến mức Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan phải lên tiếng.

Trong tuyên bố vào tối 6.1, bà Tôn nói “rất đau lòng và cực kỳ hổ thẹn” vì những thiếu sót trong công tác chống dịch tại Tây An, đặc biệt là việc người dân bị hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, theo Reuters. “Các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân vì bất kỳ lý do nào trong thời gian kiểm soát Covid-19”, bà Tôn tuyên bố. Sau đó, ông Lưu Thuận Trí, Chủ nhiệm Ủy ban y tế tại Tây An, đã công khai xin lỗi người dân vì không cân bằng giữa việc chống dịch và đáp ứng nhu cầu y tế công cộng. Ông cũng trực tiếp xin lỗi gia đình thai phụ vì vụ việc và thông báo cách chức, kỷ luật nhiều lãnh đạo bệnh viện, quan chức y tế địa phương.

Thêm một tỉnh Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt

Mặt trái của zero-Covid

Đến nay, zero-Covid giúp số ca nhiễm tại Trung Quốc ở mức thấp so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ. Tuy nhiên, việc phong tỏa, đóng biên giới kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo rằng Trung Quốc có thể hứng chịu đợt bùng phát lớn, gây quá tải hệ thống y tế nếu nới lỏng quy định như châu Âu và Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.