Bắt trend 'hé lô bà già nghèo khổ...': Đùa vui hay 'câu view' phản cảm ?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
28/11/2022 16:40 GMT+7

Có thể nói rằng, “hé lô bà già nghèo khổ” là câu nói đã trở thành “trend” của một số bạn trẻ . Tuy nhiên, với nhiều người đây là hành động phản cảm.

Vừa qua, TikToker Nờ Ô Nô đã bị dân mạng chỉ trích, bởi thái độ anh ta đi giúp đỡ người nghèo. Cụ thể, khi gặp bà cụ, anh nói: “Hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”. Chưa dừng lại ở đó, TikToker này còn có những phát ngôn như: “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Phở nó rẻ vậy mà không có tiền mua ăn nữa hả” hay “bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”…

Tuy nhiên, sau vụ việc trên câu nói “hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn” trở thành câu nói cửa miệng của một bộ phận người trẻ. Thậm chí họ “bắt trend” bằng cách lồng nó vào những video khắp nền tảng mạng xã hội.

Câu nói "hé lô bà già nghèo khổ..." từ nội dung tiêu cực đang được một số người "biến" thành câu cửa miệng

CHỤP MÀN HÌNH

TikToker Nờ Ô Nô bị khóa kênh sau clip "mua phở cho người nghèo"

Bắt “trend” thôi chứ không có ý gì

Vừa gặp mặt chúng tôi, anh L.T.M (21 tuổi), ngụ ở đường Đồng Nai, Q.10 (TP.HCM) đã nói “hé lô những bạn già nghèo khổ”, “bớt nghèo lại đi nha”, rồi anh cười tí toé.

Anh M. cho biết: “Hiện nay câu nói này lan truyên khắp mạng xã hội. Tôi mượn nó để ghẹo mọi người. Tôi nghĩ những câu nói đó rất vui và tạo được thiện cảm với người đối diện hay lần đầu tiếp xúc, giúp khoảng cách của chúng tôi không còn xa nữa”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi bảo những câu mà anh M. nói ở trên xuất phát từ một nội dung tiêu cực thì anh ậm ừ: “Tôi bắt “trend” thôi chứ không có gì”.

Còn Lê Thị Ngọc Phượng (24 tuổi) làm nhân viên văn phòng tại số 10 Võ Văn Tần, Q.8 (TP.HCM) cũng “tá hỏa” khi biết rằng những thứ bạn mình nói ra là nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.

Chị Phượng kể: “Sáng nay, tôi đang ngồi làm thì đồng nghiệp đến và nói “hé lô bà già nghèo khổ”. Tôi tưởng rằng họ đang chọc ghẹo mình, nhưng khi đến trưa chúng tôi ngồi ăn cùng nhau thì bạn ấy tiếp tục nói những câu như “bớt nghèo lại đi nha” và lập đi lại rất nhiều lần. Tò mò nên tôi lên mạng tìm hiểu thì mới biết những nội dung đó là tiêu cực. Tôi thấy nó rất phản cảm, không phù hợp với ngữ cảnh, khá lố bịch, tiêu cực và bản thân cảm thấy khó chịu khi phải nghe nó liên tục”, chị Phượng kể.

Một số người trẻ "bắt trend" câu nói tiêu cực trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Khi gõ cụm từ “hé lô bà già nghèo khổ” trên TikTok, thì chúng tôi nhận được hằng hà video “ăn” theo câu nói này.

Điển hình như anh L.T.H. (29 tuổi), ngụ ở đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình (TP.HCM), hiện đang có hơn 100.000 lượt theo dõi trên TikTok, cũng xây dựng một video mà trong đó anh lồng các câu nói xuất phát từ nội dung tiêu cực. Anh H. cho hay: "Đưa những câu nói đang 'viral' trên mạng xã hội như "hé lô bà già nghèo khổ..." sẽ giúp video của tôi trở nên… xu hướng và được lượt xem rất cao. Có thể thấy video “câu chuyện bà già nghèo khổ” của anh H. đã được gần 200.000 lượt xem.

Rồi L.T.H còn thừa nhận: “Ngoài tăng sự tương tác, việc tôi làm nội dung theo xu hướng tiêu cực để “trả đũa”, “cà khịa” người trong video gốc”.

Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM tìm TikToker Nờ Ô Nô làm rõ clip gây phẫn nộ

Nguyễn Lê Tiến, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Luật (TP.HCM) cho hay hơn 4 năm qua bản thân đã tham gia một số công tác thiện nguyện giúp đỡ cô, chú khó khăn ở các tỉnh Long An, Tây Ninh và Cần Giờ (TP.HCM).

"Những người già, tâm lý rất dễ tủi thân, thêm vào đó là sức khỏe họ không tốt nhưng lại mưu sinh khổ cực. Những chuyến đi của chúng tôi luôn đặt sự tôn trọng giúp đỡ cũng như động viên những mảnh đời còn khó khăn. Chúng tôi luôn có câu cửa miệng "dạ con chào ông/bà ạ, dạ con có món quà gửi ông/ bà ạ, chúc ông/ bà nhiều sức khỏe ạ" để thể hiện sự kính trọng, cũng như tôi góp một phần an ủi vào đời sống của họ", Tiến nói.

Người trẻ đi làm thiện nguyện với thái độ lịch sự

LÊ TIẾN

Mang lại những hiệu ứng tiêu cực, sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động

Trước đây, một số người trẻ cũng bắt trend những nội dung tiêu cực như "dọa ma". Đến không ít những clip phản cảm được nhiều bạn trẻ thực hiện để sống ảo, câu "view", từ việc "ăn mặc hở đủ chỗ" đến cố tình "khoe khéo những điểm nhạy cảm trên cơ thể"... Bên cạnh đó, không ít trào lưu thử thách người chơi như “chè bắp lòng gà" hay "tự tẩy trắng răng tại nhà bằng baking soda"... được nhiều bạn trẻ tiếp cận.

Võ Phi Thành Đạt, nguyên cán bộ Đoàn, Học viện Cán bộ TP.HCM, hiện đang học chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Luật (TP.HCM) chia sẻ tâm lý bắt 'trend' tốt và tiêu cực đều được diễn ra song hành trên mạng xã hội. Và những thông tin tiêu cực lại được “ăn khách” cũng như có tương tác cao.

"Những thông tin tiêu cực đã ảnh hưởng không nhỏ tới người đọc, xem cũng như môi trường trên không gian mạng sẽ dần bị "ô nhiễm" nặng nề hơn khi quá nhiều thông tin đó được chia sẻ", Đạt nói.

Thầy Phạm Thanh Tuấn, Tổ trưởng bộ môn giáo dục công dân Trường THCS-THPT Diên Hồng (TP.HCM) cho hay trend “hé lô bà già giữa trời đông cô đơn..." nói riêng và những nội dung tiêu cực khác nói chung được nhiều người bắt chước nói và làm theo là một hành động vô cùng phản cảm thiếu tính văn hóa và nhân văn.

Những hành động bắt trend tiêu cực trên mạng là phản cảm

NVCC

"Những người làm ra nội dung tiêu cực là họ muốn tạo ra sự khác biệt, nhằm tạo ra nhiều nguồn thông tin, bình luận trái chiều để đẩy tương tác, bình luận để gây ra sự chú ý vì mục đích cá nhân", thầy Tuấn nói.

Theo thầy Tuấn việc một số bạn trẻ bắt trend tiêu cực trên mạng xã hội theo cá nhân nhận định đây là một việc làm không nên, vì nó mang lại những hiệu ứng tiêu cực và sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, vô hình trung nếu nó diễn ra thường xuyên thì đây quả là một điều tiêu cực.

Thầy Tuấn (bìa trái) mong muốn người trẻ lan tỏa giá trị tích cực trên mạng xã hội

NVCC

"Thay vào việc bắt chước những trend tiêu cực như "hé lô bà già nghèo khổ..." chúng ta nên nhìn nhận một cách đúng đắn và có những bày tỏ quan điểm phù hợp về hành vi không hay để cùng nhau góp ý, điều chỉnh thái độ của những cá nhân tạo trend phản cảm, hay có thể nói là thiếu văn minh trong khi sử dụng mạng xã hội. Tôi cho rằng người trẻ nên chọn lọc thông tin, lan tỏa giá trị tốt đẹp. Đồng thời phê phán những hành vi trái với văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đừng vì thứ tiêu cực trên mạng, mà chúng ta có những hành động thiếu suy nghĩ ảnh hưởng đến giá trị nhân cách của bản thân", thầy Tuấn nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.