Mở bếp vì nỗi nhớ con
Đúng 8 giờ sáng các ngày thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, căn nhà nhỏ số 90-92 đường 225B (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) lại rôm rả tiếng cười nói của các tình nguyện viên Bếp cơm 0 đồng mẹ Như. Chủ bếp, chị Nguyệt Linh (43 tuổi, quê Kiên Giang) đã mở bếp cơm được hơn 6 năm từ một biến cố lớn trong cuộc đời của người mẹ trẻ.
"Con tôi sinh ra 3 tháng tuổi đã mắc ung thư tuyến tụy. Bé đã chống chọi với bệnh tật, những cơn đau trong suốt 4 năm (từ năm 2014) trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trong thời gian ở bệnh viện, bé đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những suất cơm thiện nguyện đã giúp 2 mẹ con được an ủi, động viên tinh thần, đó là món quà rất quý giá", chị Linh chia sẻ.
Ngày đưa con về quê trên chuyến xe 0 đồng, chị Nguyệt Linh như đứt từng khúc ruột. Con qua đời trong chính vòng tay và nước mắt của người mẹ. Xót xa nào đong đếm hết nỗi lòng tình mẫu tử. Sau đó, hai vợ chồng chị cũng đường ai nấy đi…
4 năm trời cùng con chiến đấu với bệnh tật trong bệnh viện, hai mẹ con coi đây như mái nhà thứ 2, vì vậy cho dù con đã đi xa nhưng chị Linh vẫn thường xuyên ghé vào viện vì nỗi nhớ con. "Dù đau đớn nhưng Quỳnh Như (con gái chị) vẫn vui vẻ và thường mang búp bê, bánh kẹo chia và chơi cùng các bạn trong phòng", chị Linh nói.
Chị kể, sau khi con gái mất, chị thanh toán viện phí thì còn thừa ra một số tiền, đây là tiền do những nhà hảo tâm ủng hộ bé trong thời gian điều trị. Chị Linh mới nghĩ rằng, con gái đã mất rồi thì hãy dùng số tiền này tặng lại cho những bệnh nhi khác, mà cụ thể hãy nấu cơm thật ngon gửi cho các bé và người nhà.
Nén đau buồn, ngăn dòng nước mắt, chị Linh bắt đầu nấu cơm từ tháng 1.2018, kinh phí ban đầu do chị chủ động, mỗi ngày chị nấu khoảng 50-150 suất. Sau đó, chị tận tình mang từng suất cơm vào cho các bệnh nhi.
"Ngày nào tôi cũng ra ra vào vào bệnh viện cả chục lượt, tôi muốn hồi tưởng những kỷ niệm bên con gái bé bỏng. Ngày đó mẹ con tôi cũng thường ăn cơm thiện nguyện, giờ cũng là lúc tôi làm việc đó như để trả nghĩa cho cuộc đời", chị Linh bày tỏ.
Bếp cơm ấm áp yêu thương
Ngay từ khi mở bếp, chị Linh chỉ nghĩ nấu một thời gian rồi sẽ dừng chứ không nghĩ sẽ đi được tới tận hôm nay. Ban đầu chị Linh nấu trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2, khá bất tiện. Sau đó chị được người hàng xóm cho thuê một căn nhà đầu hẻm rộng rãi với giá 4 triệu đồng/tháng để có chỗ nấu thuận tiện hơn.
Khi ra chỗ mới nhiều người biết đến việc làm ý nghĩa của chị đã đồng lòng chung sức hỗ trợ. Từ chỗ chỉ có mỗi chị Linh, giờ đã lên đến gần chục tình nguyện viên. Rồi sau đợt dịch Covid-19, do thiếu kinh phí, tưởng chừng bếp không thể duy trì thì bỗng nhiên có một nhà hảo tâm giấu tên đã gửi chị một số tiền để giữ lửa cho bếp cơm.
Chị Linh cho biết, thời gian ban đầu chị chỉ nấu ít thôi nhưng sau đó đã lên khoảng 400-800 suất/ngày, đỉnh điểm có ngày tới 1.200 suất với 6 người nấu. "Tôi vốn không biết nấu ăn nhưng đã học dần trên mạng. Các cô tình nguyện viên đến đây cùng làm cùng góp ý để làm món ăn ngon nhất. Thực đơn cũng thay đổi hằng ngày, ví dụ như có hôm tôi nấu cơm chay có hôm làm bánh canh, bún măng chay thay đổi thực đơn như cơm gia đình hằng ngày. Người nhận không chỉ là bệnh nhi mà ai cũng có thể nhận cơm, miễn là họ cần", chị Linh cho biết.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc, tình nguyện viên của bếp cơm 0 đồng, chia sẻ: "Cô cũng cao tuổi rồi nhưng được đến đây nấu cơm cô rất vui. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, mình giúp người ta trong lúc bệnh tật dù nhỏ bé cũng rất đáng quý".
Còn cô Trần Thị Dư, 58 tuổi ở TP.Thủ Đức, là tình nguyện viên, chia sẻ: "Tôi thấy rất vui khi giúp các bé có bữa ăn ngon, mình còn sức khỏe thì ráng cố gắng. Ban đầu tôi cũng chỉ là người tới đây nhận cơm, song thấy mình cô Linh làm cực quá nên theo vào phụ giúp, chắc tôi cũng sẽ làm tới khi nào không bước nổi nữa".
Chị Linh cho biết, tên bếp cơm mẹ Như là do cộng đồng đặt cho. Bởi những ngày đầu nấu bếp, mọi người truyền tai nhau rằng đến bếp cơm mẹ của Quỳnh Như mà nhận cơm miễn phí, lâu dần thành cái tên. "Tôi có cảm nhận như con gái đang ủng hộ và dẫn dắt mình với công việc này vì tôi không nghĩ rằng sẽ làm được tới ngày nay", chị Linh tâm sự.
"Hứa với các bé phải thực hiện ngay"
Ngoài lý do thành lập từ nỗi nhung nhớ con gái, chị Linh luôn bị ám ảnh bởi lời hứa với một bệnh nhi khác. Chị kể, một bé nói với tôi rằng, bé muốn ăn món mì nhưng hôm đó tôi chưa kịp làm nên chỉ hứa với bé. Đến hôm sau tôi làm được tô mì mang vào cho bé thì bé đã mất.
Vì vậy, chị Linh luôn dặn lòng rằng nếu đã hứa với các bé thì phải làm ngay, bởi với nhiều bé quỹ thời gian có hạn hoặc nếu lỡ đâu sáng mai chính mình không tỉnh dậy được nữa thì muốn làm cũng không được. Chị Linh cũng từng nói với con gái rằng: "con ráng khỏe lên rồi mai mốt mình về nấu cơm, mua bánh kẹo phát cho các bạn cùng phòng", vậy mà chưa kịp thực hiện bé đã đi về thế giới bên kia.
Nhiều người nói chị làm việc bao đồng, cơm nhà không lo nấu đi nấu cơm bệnh viện nhưng chị kệ, vì từng sống trong hoàn cảnh đó nên chị thấu hiểu. "Tôi nghe lời người ta ngừng lại thì tội cho những bệnh nhi quá mà, lòng tôi cũng không được thanh thản", chị Linh thổ lộ.
Gần đây, chị đã có hạnh phúc mới, và người bạn đời của chị cũng từng mất con vì ung thư nên cả hai rất đồng cảm với nhau. Từ tháng 7.2023 hai vợ chồng đã khai trương nhà lưu trú 0 đồng cho các bệnh nhi, người nhà tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Nhà lưu trú chỉ cách bệnh viện chừng 1km và có 21 phòng tiện nghi để phụ huynh và các bé nghỉ ngơi.
Ngoài ra, chị Linh và một số nhà hảo tâm còn thực hiện chương trình "Điều ước giản đơn" hằng tháng để tổ chức sinh nhật cho các bé suốt 3 năm qua. Chương trình như liều thuốc tinh thần giúp các bé phấn khởi vui chơi để quên đi phần nào sự đau đớn thể xác.
Bà Nguyễn Thị Hà, người nhà một bệnh nhân chia sẻ: "Chúng tôi đều là những gia đình khó khăn, chạy chữa cho con tốn rất nhiều tiền. Những bữa cơm miễn phí này không chỉ giúp chúng tôi đỡ chi phí mà còn động viên tinh thần các bé và gia đình để kiên cường chống chọi với bệnh tật. Tôi xin cảm ơn những tấm lòng từ thiện như của chị Linh và bếp cơm mẹ Như…".
Chị Linh cho biết, chị mong muốn trong tương lai sẽ được các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa để duy trì bếp cơm. Đồng thời, chị đang ấp ủ về chuyến xe 0 đồng để đưa các bé trở về nhà sau chuỗi ngày dài vật lộn với bệnh tật, đớn đau trong bệnh viện.
Bình luận (0)