Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố dù đang bỏ trốn: Hiểu thế nào về tình huống pháp lý hy hữu?

Phan Thương
Phan Thương
15/11/2022 18:15 GMT+7

Dù cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác đang bị truy nã nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an vẫn đề nghị Viện KSND tối cao truy tố. Đây được coi là tình huống pháp lý hy hữu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 36 bị can trong vụ án “vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Trong vụ án có 8 bị can đang bỏ trốn, tuy nhiên C03 vẫn đề nghị truy tố, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, cựu phó chủ tịch Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty CP thiết bị Y tế và môi trường; Nguyễn Thị Tích, tổng giám đốc Công ty MOPHA; Ngô Thế Vinh, giám đốc Công ty nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyến, cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội và Đỗ Mỹ Hạnh, chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị truy nã toàn quốc và quốc tế

AIC GROUP

8 bị can cùng bị đề nghị truy tố tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, riêng bà Nhàn và ông Hà bị đề nghị truy tố thêm tội “đưa hối lộ”.

Theo kết luận điều tra, C03 đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế nhóm bị can kể trên, đồng thời yêu cầu các bị can ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật và hợp tác điều tra để đảm bảo quyền lợi tự bào chữa theo luật.

Trường hợp các bị can không ra đầu thú sẽ coi như từ bỏ quyền tự bào chữa của mình và sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử.

Có thể nói đây là trường hợp hy hữu, chưa có tiền lệ về việc các bị can đang bị truy nã nhưng vẫn bị Cơ quan CSĐT đề nghị Viện KSND tối cao truy tố. Bởi trước đây, với các trường hợp tương tự - bị can bị truy nã, Cơ quan CSĐT đều tạm đình chỉ điều tra, chờ sau khi bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết bản án hình sự là phán quyết của hội đồng xét xử (HĐXX), dựa trên kết quả thẩm vấn công khai, tranh luận tại phiên tòa. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về việc bị can đang bị truy nã, sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt và “coi như từ bỏ quyền tự bào chữa”.

“Trường hợp không biết rõ bị can ở đâu, và hết thời hạn điều tra vụ án, thì cơ quan điều tra có thể ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra. Đây là quy định được nêu rõ tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Bộ Công an yêu cầu cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm ra đầu thú

Bên cạnh đó, một kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho hay, một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là "đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội". Mọi hoạt động liên quan tố tụng hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc này. Theo đó, điều 16 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cũng theo kiểm sát viên này, theo điểm e khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT - VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì việc không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội… là xâm hại đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Vì vậy, việc chưa bắt được bị can, không tống đạt các quyết định, kết luận điều tra, cáo trạng... liên quan đến bị can nhưng vẫn xét xử là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Hiện C03 đã chuyển hồ sơ vụ án kèm kết luận điều tra vụ án liên quan cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm qua Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố.

Một kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM cho hay, việc truy tố các bị can ra trước tòa là thẩm quyền của viện kiểm sát. Quá trình viện kiểm sát thụ lý hồ sơ, nếu các bị can đang bị truy nã ra đầu thú thì viện kiểm sát sẽ ban hành cáo trạng truy tố để xét xử các bị can; trường hợp hết thời hạn ban hành cáo trạng, các bị can không đầu thú, viện kiểm sát sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung cho CQĐT để tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can đang bị truy nã. Song, ở giai đoạn truy tố, nếu bị can vẫn bỏ trốn, theo khoản 2 Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự thì viện kiểm sát vẫn có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can và tách vụ án liên quan đến bị can ra giải quyết sau.

Liên quan đến quy định xét xử vắng mặt bị cáo khi bị cáo bỏ trốn, vị kiểm sát viên này cho hay, việc xét vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng chỉ xảy ra khi việc điều tra, truy tố đúng thủ tục tố tụng. Đến giai đoạn xét xử, bị cáo được tại ngoại nhưng bỏ trốn hoặc đang bị tạm giam nhưng bỏ trốn, và xét việc xét xử vắng mặt không làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan vụ án thì tòa án sẽ quyết định xét xử vắng mặt.

Truy nã đặc biệt doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.