Sáng 13.12, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã phát biểu quan điểm và đề nghị mức án đối với bị cáo Lê Tấn Hùng từ 14 - 16 năm tù về tội “tham ô tài sản”, từ 12 - 14 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, tổng hợp hình phạt 26 - 30 năm tù.
Bị cáo Lê Tấn Hùng ngậm ngùi bào chữa trong vụ án sai phạm tại SAGRI |
"Chỉ làm theo chỉ đạo"
Trình bày trước tòa, bị cáo Hùng cho biết vào năm 2015 bị cáo chấp hành theo sự phân công của UBND TP.HCM làm Tổng giám đốc SAGRI. Theo bị cáo Hùng, thời điểm nhận nhiệm vụ, về tình hình SAGRI đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn vừa thiếu và vừa yếu trình độ, về vốn các hoạt động của SAGRI thiếu trầm trọng. Ngay cả lực lượng công nhân lao động trong ngành phải bỏ công ty đi để làm cho doanh nghiệp tư nhân.
Bị cáo Lê Tấn Hùng tại tòa sơ thẩm |
NGỌC DƯƠNG |
Trong năm, 2015, 2016 và 2017, đều có đoàn thanh tra thành phố, kiểm toán nhà nước giám sát hoạt động công việc của SAGRI. Năm 2016 bị cáo Hùng đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho tiến hành thanh tra, giúp cho công ty giải quyết khó khăn.
Theo bị cáo Hùng, mức án VKS đề nghị đối với bị cáo là quá lớn, không thể tưởng tượng được.
“Bản thân tôi, về dự án này tôi hoàn toàn không hiểu, không nắm. Tôi chỉ thực hiện theo hướng dẫn các cơ quan thẩm quyền và quyết định của thành phố. Tôi không có động cơ, không chủ mưu gây nên thiệt hại dự án này. Do đó, tôi cũng muốn HĐXX xem về hành vi vi phạm của mình”, bị cáo Hùng trình bày trước HĐXX.
"Không thể vì những hành vi này mà đánh đổ hết tất cả"
Về tội danh “tham ô tài sản”, bị cáo Hùng trình bày, quá trình về nhận nhiệm vụ được giao tại SAGRI, bị cáo Hùng luôn cùng tập thể lãnh đạo động viên nhau, vượt qua khó khăn của tổng công ty, nỗ lực thực hiện theo chỉ tiêu thành phố giao. Bị cáo Hùng khẳng định hoàn toàn không có chuyện chia lợi, hưởng lợi. Quá trình làm việc tại SAGRI, bị cáo đã nỗ lực hết sức tìm kiếm quan hệ doanh nghiệp nước ngoài để giúp SAGRI về chuyên gia, thiết bị, chi phí. Hợp tác doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản để hỗ trợ thẩm định, xây dựng nhà máy.
Các bị cáo trong vụ sai phạm tại SAGRI |
NGỌC DƯƠNG |
“Cả cuộc đời của tôi không thể nào vì những hành vi này mà đánh đổ hết tất cả, ảnh hưởng đến gia đình tôi. Kính mong HĐXX, VKS xem xét đúng bản chất vụ án, để có hình phạt phù hợp với những sai phạm của tôi”, bị cáo Lê Tấn Hùng bật khóc khi trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư (LS) Trần Văn Tạo cho rằng việc chuyển nhượng dự án là bắt buộc vì SAGRI không kinh doanh bất động sản. Việc chuyển nhượng này, bị cáo Hùng đã thực hiện họp nội bộ, đề nghị cấp thẩm quyền, hỏi Bộ Tài chính xem việc chuyển nhượng này thực hiện như thế nào.
Theo LS Tạo, cáo trạng có nêu việc chuyển nhượng dự án vi phạm Điều 27, Nghị định 91, trong đó có quy định chuyển nhượng này phải thực hiện đấu giá, định giá. Tuy nhiên, sau đó Nghị định 91 đã được bổ sung và điều chỉnh. Trong điểm bổ sung, trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư đang triển khai thực hiện dự án kinh doanh bất động sản chưa hoàn thành, phải thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Việc chuyển nhượng dự án này có sự chấp thuận của các cơ quan UBND TP.HCM, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Sở Xây dựng TP.HCM. Các cơ quan này thừa nhận rằng, việc chuyển nhượng dự án này thực chất là chuyển nhượng phần vốn góp của SAGRI. Dự án này đang thực hiện dở dang, không phải là tài sản nên việc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 48, 49, 50 Luật Kinh doanh Bất động sản; cũng không có một bất kỳ chỉ đạo nào yêu cầu SAGRI đưa ra đấu giá.
Theo LS Tạo, nếu như thực hiện điều trên, bị cáo Hùng không phạm luật vì đây dự án dở dang, chưa thành tài sản cố định, nên chuyển nhượnng không phải thẩm định giá.
Về tội “tham ô tài sản”, theo LS Tạo, năm 2016 SAGRI làm ra lợi nhuận rất lớn và muốn sử dụng lợi nhuận này để thực hiện chính sách người lao động, đưa cán bộ, nhân viên đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Đây là điều cần thiết, nên bị cáo Hùng mới ký hợp đồng với 2 công ty du lịch.
Sau đó, xảy ra trình trạng bất khả kháng SAGRI kỷ niệm 20 năm thành lập, nên năm 2016, công ty không thể đi du lịch được, và ký hợp đồng với hai công ty du lịch dời sang năm 2017. Tức các hợp đồng này không tổ chức thực hiện, giữ toàn bộ chi phí này bên ngoài sổ sách.
Sau đó, năm 2017 ông Hùng tổ chức cho nhân viên đi du lịch bằng chính số tiền đã để bên ngoài sổ sách. Quá trình điều tra, bị cáo Lê Tấn Hùng đã lấy tiền cá nhân hoàn trả hết số tiền thất thoát của công ty.
Bình luận (0)