Bị ù tai khi tập thể dục, cảnh báo vấn đề sức khỏe gì?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
24/08/2024 00:08 GMT+7

Một số người sau khi tập thể dục, đặc biệt là tập luyện cường độ cao, sẽ gặp tình trạng ù tai. Ù tai là hiện tượng hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu ù tai gây khó chịu, kéo dài hay lặp đi lặp lại thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

Viện Quốc gia về chứng điếc và các rối loạn giao tiếp khác (Mỹ) cho biết có tới 25% người trưởng thành sẽ bị chứng ù tai vào một thời điểm nào đó trong đời. Không phải mọi trường hợp bị ù tai đều là mạn tính hoặc cần can thiệp y tế. Thế nhưng, bất kỳ trường hợp ù tai nào lặp đi lặp lại cũng đều cần được kiểm tra, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bị ù tai khi tập thể dục, cảnh báo vấn đề sức khỏe gì?- Ảnh 1.

Mở nhạc quá lớn khi mang tai nghe lúc tập gym sẽ khiến thính giác dễ bị tổn thương

Ảnh: Pexels

Trong đó, những cơn ù tai tái phát sau khi tập thể dục cũng không phải là ngoại lệ. Mọi người có thể áp dụng một số biện pháp để giảm ù tai tại nhà, chẳng hạn như vệ sinh tai, tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn hay hạn chế mang tai nghe. Nếu những thay đổi này không hiệu quả thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Việc kiểm tra sức khỏe tai không chỉ giúp xác định nguyên nhân gây ù tai mà còn loại trừ nguy cơ mắc những bệnh nghiêm trọng hơn như bệnh Meniere hoặc bệnh lupus. Cả 2 căn bệnh này đều gây triệu chứng ù tai.

Với tình trạng ù tai sau khi tập thể dục, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là mở nhạc quá lớn khi mang tai nghe. Vì trên thực tế, nhiều người có thói quen mang tai nghe khi tập gym.

Trong phòng gym có rất nhiều âm thanh. Do đó, để nghe rõ điệu nhạc qua tai nghe, nhiều người sẽ chỉnh âm thanh lớn hơn. Âm thanh càng lớn thì càng dễ gây tổn thương tai.

Mỗi lần phải xử lý âm thanh chói tai hoặc cường độ liên tục của âm thanh lớn, những tổn thương ở tai sẽ hình thành và tích tụ qua thời gian. Đến một mức nào đó, thính lực của tai sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng ù tai sau buổi tập mau chóng biến mất thì có nghĩa là tổn thương không nghiêm trọng.

Tuy nhiên, có những tổn thương nặng hơn, khiến ù tai tái đi tái lại. Khả năng xử lý âm thanh của tai sẽ giảm, đặc biệt là trong môi trường ồn ào. Cách tốt là giảm âm lượng hoặc không mang tai nghe khi tập.

Vì khi nâng tạ, người tập buộc phải nín và ém hơi thở ra. Hành động này sẽ gây áp lực nhất định lên tai và có thể gây ù tai. Khi đó, ngáp hay nhai kẹo cao su sẽ giúp ù tai mau khỏi, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.