Biên giới Tây Nam, 24/7 - Kỳ 3: Chốt thuyền trên sông Bình Di

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
06/06/2021 10:02 GMT+7

Trên tuyến biên giới An Giang, địa bàn quản lý của Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình là phức tạp nhất, bởi con sông Bình Di dọc biên giới chỉ rộng vài chục mét.

Trên tuyến biên giới An Giang, địa bàn quản lý của Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình là phức tạp nhất, bởi người xuất nhập cảnh trái phép chỉ cần vượt qua con sông Bình Di rộng vài chục mét là có thể xâm nhập nội địa Việt Nam.

Cầu Long Bình – Chrey Thom bắc qua sông Bình Di, nối thị trấn Long Bình (H.An Phú, An Giang) với làng Chrey Thom (xã Sampeou Poun, H.Koh Thum, tỉnh Kandal, Campuchia)

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đồn BPCK Long Bình quản lý đoạn biên giới dài 15,3 km, trong đó có 11,3 km chạy dọc sông Bình Di. Khu vực này, dân cư 2 bên sống đông đúc, cùng với nhiều nhà bè trên sông, giao thông thuận lợi, chỉ cần 1 - 2 phút là đã từ bên này qua bên kia biên giới, các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép rất dễ lẩn trốn, trà trộn.

BĐBP An Giang chuẩn bị tuần tra kiểm soát trên sông Bình Di. Phía bên kia sông là Campuchia.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Trung tá Đinh Quang Điềm, Đồn trưởng Đồn BPCK Long Bình cho biết: Khu vực đối diện với đoạn biên giới do Đồn BPCK Long Bình phụ trách là xã Sầm Pa Poul, H.Koh Thum, tỉnh KanDal, Vương quốc Campuchia, có rất nhiều người gốc Việt Nam sinh sống, giữ quan hệ thân nhân lâu đời với người dân bên cửa khẩu Long Bình nên người dân 2 bên vẫn lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan chức năng để lén qua lại mua bán, thăm thân nhân, trao đổi. Bên cạnh đó, một số ít là dân địa phương, vì hám lợi, đã tiếp tay hoặc tổ chức đưa đón người qua lại biên giới trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Khu giải trí phức hợp bên đất Campuchia, nằm cạnh sông Bình Di.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngoài ra, còn có tình trạng các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội, tìm hiểu những người có nhu cầu tìm việc làm lương cao ở Campuchia, hoặc muốn về Việt Nam không phải cách ly, lập thành nhóm liên lạc để dụ dỗ, lừa gạt xuất nhập cảnh trái phép. Khi xuất cảnh trái phép sang Campuchia, nạn nhân sẽ bị bóc lột sức lao động, bị đối tượng yêu cầu gia đình trả tiền chuộc, nếu không sẽ bị đánh đập và bán cho các chủ lao động khác ở Campuchia (hoặc quốc gia khác). Khi bị bắt, các đối tượng khai báo vòng vo, tìm đủ mọi cách che giấu hành vi phạm tội, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.

Các khu giải trí phức hợp và casino bên Campuchia này có nhiều người Việt sang làm việc và đang 'mắc kẹt' lại.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đặc biệt, đối diện với đoạn biên giới do đơn vị phụ trách có 4 casino và 2 khu giải trí phức hợp là King Sa, Prin, Crow, Yong Yuan, Galaxy và Gand Dragon, đây là những điểm nóng của Campuchia về bùng phát dịch Covid-19. Toàn bộ khu vực này đã được phía Campuchia phong tỏa hồi giữa tháng 3.2021. Trong số khoảng 2.500 nhân viên làm việc tại 4 casino và 2 khu giải trí phức hợp này, có tới 550 nhân viên là người Việt Nam, nên nguy cơ số người này tìm mọi cách để về nước là rất cao.

Tổ chốt trên sông Bình Di có các lực lượng BĐBP, công an, quân sự địa phương... tham gia.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Trước kia, Đồn BPCK Long Bình bố trí 25 tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới. Sau sự kiện bệnh nhân 1.440 nhập cảnh trái phép qua khu vực do đơn vị phụ trách (tháng 12.2020), số tổ, chốt đã được tăng dày lên 36 với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ. Gần đây, nhất là sau “sự kiện cộng đồng 20.2” ở Campuchia, lợi dụng một số khúc sông biên giới rộng chỉ khoảng 50m, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách vượt sông nhưng đều bị lực lượng ở các tổ, chốt phát hiện, ngăn chặn kịp thời...

Chốt 21 đóng tạm trên bè nuôi cá.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Mới đây nhất, vào khoảng thời gian từ 0 giờ đến 3 giờ 30 phút ngày 1.6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát địa bàn tại khu vực ấp Vạt Lài (xã Khánh Bình, H.An Phú), tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 30 và 31 của Đồn BPCK Long Bình đã phát hiện, bắt giữ 30 người dân tộc Chăm (trong đó có 4 trẻ em) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam. Sau khi bắt giữ, BĐBP đã kiểm tra y tế, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, hoàn tất các thủ tục pháp lý và bàn giao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.An Phú đưa đi cách ly theo quy định.

Thiếu tướng Lê Đức Thái (Tư lệnh BĐBP) kiểm tra chốt của Đồn BPCK Long Bình, đóng nhờ trên chiếc phà nhỏ của người dân địa phương, tháng 5.2021.

Ảnh: Mai Thanh Hải

“Các chốt trực canh 24/24. Chủ yếu là ở nhờ nhà dân ven sông và các ghe thuyền neo đậu trên sông. Ăn uống sinh hoạt tại chỗ. Chốt nào chật hẹp không nấu nướng được thì sẽ nấu nhờ các chốt khác", trung tá Đinh Quang Điềm cho biết vậy và khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết giữ lá chắn chống dịch trên sông Bình Di”.  

BĐBP Đồn BPCK Long Bình tuần tra kiểm soát trên sông Bình Di.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Kiểm tra thuyền của người dân neo đậu trên sông.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Một thuyền chở nông sản sang Campuchia. Người lái phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP (bên trái) nghe trung tá Đinh Quang Điềm, Đồn trưởng BPCK Long Bình (người chỉ tay), báo cáo tình hình địa bàn tại khu vực sông Bình Di.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Đoàn kiểm tra Bộ Tư lệnh BĐBP kiểm tra công tác quản lý - bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn Đồn BPCK Long Bình.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Kiểm tra điều kiện ăn ở sinh hoạt của bộ đội trên các chốt thuyền.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Các tổ liên ngành tuần tra kiểm soát trên sông Bình Di.

Ảnh: Mai Thanh Hải

 
 
 
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.