Biết chọn giờ thức giấc mỗi ngày, sẽ có giấc ngủ ngon

08/06/2022 04:02 GMT+7

Người mất ngủ vào ban đêm thường không có sức khỏe dồi dào ở ngày kế tiếp. Cơ thể của họ hay mệt mỏi, ảnh hưởng năng suất làm việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Không nên chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan, Trưởng khoa Nội B - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), tư vấn: Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau, như: khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy sớm dù ngủ chưa đủ giấc, không thể quay lại giấc ngủ bình thường…

Theo bác sĩ Lan, mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Dù đã áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nếu tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục trên 3 lần/tuần và kéo dài trên 1 tháng, bạn không nên chủ quan với việc chỉ ngồi trông chờ sức khỏe tự trở lại bình thường. Nếu vẫn còn tiếp tục mất ngủ như thế thì nên gặp bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có cách điều trị phù hợp.

Tập thể dục mỗi buổi sáng giúp có được giấc ngủ ngon mỗi buổi tối

CHU NGỌC MINH

“Thực tế, ngoài những người bị mất ngủ nặng vừa nêu, những người bị mất ngủ ngắn hạn vẫn có niềm tin sớm tìm lại được giấc ngủ ngon khi làm đúng các lời khuyên về thường thức y học. Cụ thể là chọn giờ đi ngủ và giờ thức dậy, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, cải thiện môi trường ngủ…”, bác sĩ Lan nói thêm.

Kinh nghiệm thực tế

Một trong những người có được chất lượng giấc ngủ của mình mà chúng tôi đã gặp gần đây là ông Tiến Hưng (74 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM). Ông Hưng bị mất ngủ nhiều năm trước, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Sau đó, nhờ kiên trì thực hiện lời khuyên của bác sĩ “nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy mỗi ngày vào cùng khung giờ nhất định”, dần dần ông có được giấc ngủ sâu.

Ông Hưng chia sẻ: “Tôi dành nhiều thời gian để thay đổi nếp sinh hoạt của mình và gia đình sao cho hợp với nhịp sinh học và những chu kỳ 90 phút trong giấc ngủ. Để được tỉnh táo khi thức dậy, tôi chỉ rời khỏi giường đúng vào thời điểm giữa 2 chu kỳ liên tiếp. Dựa theo lời khuyên này, tôi chọn giờ thức dậy mỗi buổi sáng vào lúc 5 giờ, từ đó lùi lại 4 chu kỳ (nghĩa là 6 tiếng, 90 phút/chu kỳ) và thêm khoảng 20 phút chờ giấc ngủ đến thì giờ bắt đầu lên giường của tôi đang áp dụng là 22 giờ 40 phút”.

Xác định được 2 mốc quan trọng trên, ông Hưng để đồng hồ báo thức mỗi ngày là 5 giờ và tập không rời khỏi giường khi đồng hồ chưa reo. Ban đầu chưa quen, cũng có nhiều lúc ông thức giấc ở thời điểm gần giữa mỗi chu kỳ và không ít lần trằn trọc suốt đêm.

Còn bây giờ thì ông đã có “thuốc tự chữa”. Mỗi lần thức giấc, nếu không thể ngủ lại được sau khoảng 15 - 20 phút chờ đợi, ông rời khỏi giường ngay và tìm vài việc không cần phải suy nghĩ nhiều để làm, đến khi cảm thấy buồn ngủ mới quay lại giường. Và thật hay, giấc ngủ tốt lại đến với ông.

Nhờ áp dụng những giải pháp nêu trên, ông Hưng hiện đã có được những giấc ngủ ngon với hơn 6 tiếng mỗi đêm, cộng thêm giấc ngủ ngắn vào buổi trưa thì ông cũng đạt được “chỉ tiêu sức khỏe” vì có giấc ngủ hơn 7 tiếng mỗi ngày.

Ăn tối nhẹ lại, gạt mọi lo âu

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan lưu ý thêm: Để có giấc ngủ ngon vào buổi tối, bạn nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên mỗi ngày, tốt nhất là tập buổi sáng sớm. Ngoài ra, buổi ăn tối nên ăn nhẹ, tránh dùng những thức ăn có nhiều dầu mỡ, tránh những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê...

“Cuối cùng, bạn cần biết gạt bỏ những căng thẳng và lo âu trong ngày bằng cách trước khi đi ngủ tạo thư giãn cho mình: có thể tắm nước ấm, đọc sách báo, nghe nhạc nhẹ… Được như thế, hy vọng bạn sẽ có một giấc ngủ ngon!”, bác sĩ Lan tư vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.