Biểu giá điện về 5 bậc: Người dùng 'trung bình' sẽ được lợi?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
06/11/2019 06:39 GMT+7

Ngày 5.11, Tập đoàn điện lực (EVN) đã được Bộ Công thương giao tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Chọn phương án số đông hưởng lợi

Đề án do bộ môn kinh tế năng lượng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện. Theo đó, nhóm tư vấn đã đưa ra 3 phương án mới. Đầu tiên là phương án 3 bậc, gồm bậc 1 là hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng; bậc 2 là hộ từ 101 - 400 kWh và bậc 3 là hộ dùng trên 400 kWh. Nếu áp dụng, các hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ có lợi khi chỉ phải trả bằng 95% giá bán lẻ bình quân. Còn hộ thuộc bậc 2 phải trả 115% và bậc 3 là 152% so với giá bán lẻ bình quân.
  Đồ họa: Đông Xuân

Đồ họa: Đông Xuân

Phương án 2 là kịch bản 4 bậc, trong đó bậc 1 cũng từ 0 - 100 kWh. Bậc 2 từ 101 - 300 kWh. Bậc 3 từ 301 - 600 kWh và bậc 4 là từ 601 kWh trở lên. Với phương án này, hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng chỉ phải trả bằng 95% giá bán lẻ bình quân. Nhưng với bậc 2 - 3 - 4, hộ gia đình phải trả giá cao hơn giá bình quân tương ứng là 114% - 135% - 154%.
Cuối cùng, với phương án 5 bậc, với bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2: từ 101 - 200 kWh, bậc 3: từ 201 - 400 kWh, bậc 4: từ 401 - 700 kWh, bậc 5: từ 701 kWh trở lên.
Với phương án này, những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng (bậc 1) chỉ phải trả bằng 95% giá bán lẻ bình quân. Hộ gia đình dùng bậc 2 sẽ trả giá bằng 113%. Với bậc 3 giá điện phải trả cao hơn là 127% (bậc 3 của phương án này tương đương bậc 4 và 5 của biểu giá 6 bậc hiện tại - tức dùng từ 201 - 400 kWh, thì hiện nay biểu giá 6 bậc phải trả từ 138 - 154%); bậc 4 cao hơn 139%; bậc 5 là 155% (hiện tại nếu dùng từ 400 kWh trở lên thì phải trả từ 159% trở lên).
Theo số liệu hộ dùng điện năm 2019, số hộ dùng 100 kWh/tháng trở xuống chiếm tới 32,7%, số hộ dùng từ 101 - 200 kWh chiếm 35,4%. Từ 201 - 400 kWh chiếm tỷ lệ 20,6%; từ 401 - 700 kWh chiếm 4,36%. Và số hộ dùng trên 700 kWh chỉ chiếm 2,74%.
Nhóm tư vấn nhận xét, phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 và 5 bậc. Tuy nhiên đây là phương án mà hộ từ 101 - 200 kWh (chiếm 35,4% số hộ dùng điện) sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất. Trong khi đó, phương án 5 bậc là phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá như hộ tiêu dùng bậc 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án.
Từ đó, nhóm tư vấn đề xuất áp dụng phương án 5 bậc thang. Ngoài ra, nếu cộng bậc 2 và 3 thì tỷ lệ người dùng điện trong khoảng 101 - 400 kWh/tháng, chiếm tới 56% hộ tiêu thụ điện. Điều này cũng có nghĩa là nếu chọn phương án 5 bậc thì có 56% số hộ này có mức chi trả bình quân sẽ giảm hơn nếu so với mức chi trả hiện nay với phương án 6 bậc.

Điều chỉnh giá theo mùa để có tăng có giảm?

Hầu hết các chuyên gia cho rằng phương án 5 bậc là tối ưu hơn cả. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, nhận định phương án chuyển về 5 bậc giúp “phản ánh sát hơn chi phí dùng điện mà gây thiệt không lớn cho đại bộ phận người dùng”. Tuy nhiên, điểm khiến ông Cung băn khoăn là hai bậc thang cuối cho các đối tượng được coi là “người giàu”. “Quy định như thế là giảm số tiền dùng điện của họ. Nhưng ví dụ với đối tượng dùng tới 700 số điện, việc giảm như thế không có ý nghĩa gì, và như thế thì về mặt chính trị là khó chấp nhận”, ông Cung chia sẻ.
Trong khi đó, GS-TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực và PGS Ngô Trí Long cũng cho rằng khó có “công bằng” cho tất cả khi đầu bài chính của việc sửa biểu giá vẫn là “tổng nguồn thu không đổi” thì thực chất chỉ là “bốc từ túi này sang túi kia”. Dù vậy, cả hai chuyên gia này đều khuyến nghị đề án nên mở thêm một hướng tiếp cận khác nữa là tính công bằng với từng người dân thay vì tính hộ. Đó là thực tế có hộ 8 - 10 người vẫn dùng 1 công tơ điện, trong khi có gia đình 3 - 4 người vẫn tách thành 2 công tơ. Do đó, cần có quy định rõ ràng về quy định tách công tơ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đề xuất cần luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá, quy định kèm theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với thời gian dự kiến là ngày 1.3 và ngày 1.9 (trừ điều chỉnh bất thường do chi phí đầu vào đột biến). “Nguyên nhân bởi mùa khô và mùa mưa thì chi phí cung ứng điện khác nhau, từ đó có thể dẫn tới việc giá điện có tăng, có giảm như giá xăng dầu”, PGS Bùi Xuân Hồi, Trưởng nhóm nghiên cứu đề xuất. Ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội kể, khi tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến thắc mắc vì sao giá điện chỉ có tăng mà chưa thấy giảm bao giờ. Cho nên theo ông, thậm chí có thể điều chỉnh 1 năm 4 lần (theo 4 mùa). “Như thế sẽ tránh được tăng sốc. Cũng như chạy xe, tăng hay giảm cũng từ từ, chứ đi 100 km/giờ mà phanh ngay thì nguy hiểm”, ông Tịnh nói.
Tương tự, TS Trần Văn Bình (Viện Kinh tế và Quản lý) cho rằng, việc 1 năm, thậm chí có thời gian gần 2 năm mới điều chỉnh giá điện với mức gần 10% như trước đây là gây sốc, “chẳng khác nào nhát dao” với ngành dùng nhiều điện. “Hơn nữa, việc điều chỉnh như thế khiến khách hàng không kịp điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm như việc điều chỉnh 1 năm 2 lần”, ông Bình nói.
Theo GS-TS Trần Đình Long, chu kỳ tính giá điện 2 lần/năm sẽ giúp dung hòa việc tiệm cận theo cơ chế thị trường, đồng thời vẫn có sự điều hành mặt hàng thiết yếu của Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.