Bọ cánh cứng tàn phá cà phê
16/08/2018 07:58 GMT+7
Không chỉ ăn lá, bọ này còn cắn trái, ngọn cà phê, ăn cả chanh dây trồng gần vùng cà phê.
Tự động phát
Bọ cánh cứng màu nâu, to như hạt đậu đã cắn phá hàng chục héc ta cà phê của Công ty TNHH MTV 704 và diện tích cà phê của người dân cùng đơn vị khác trên địa bàn H.Đăk Hà (Kon Tum), nhưng chưa có phương pháp hữu hiệu diệt bọ này.
|
Dẫn chúng tôi đến từng gốc cà phê, anh A Thừa chỉ từng lá cà phê bị cắn phá xơ xác. Những mầm xanh nhú lên trên cành, ngọn cây cũng bị cắn tơi tả, để lại màu đen đúa.
Cũng theo anh A Thừa, bọ cánh cứng này bà con hay gọi là bọ hũ, xuất hiện vào năm 2017 nhưng rất ít. Đến đầu mùa mưa năm nay (khoảng tháng 5), chúng bắt đầu xuất hiện, mỗi lúc một nhiều và tàn phá cây cà phê, có cây hàng trăm con bọ bâu kín. "Cứ phun thuốc bảo vệ thực vật, bọ chết ngay. Nhưng vài ngày sau chúng xuất hiện còn nhiều hơn, dày đặc hơn. Nếu không có biện pháp diệt bọ, thì hàng chục héc ta cà phê ở đây sẽ bị mất trắng", anh A Thừa lo lắng.
Lấy cành cây bươi nhẹ dưới gốc cà phê, chúng tôi thấy hàng chục con bọ cánh cứng trồi lên rồi bò đi xung quanh. Ông A Khan (46 tuổi) ở làng Kon Klốc với gương mặt buồn thiu cho hay gia đình có lô cà phê 0,7 ha trồng năm 2017 đã bị bọ cắn phá sạch, giờ phải bỏ đất trống. Nhìn theo hướng ông A Khan chỉ, chúng tôi thấy đồng cỏ mênh mông, ít ai biết đây là rẫy cà phê đã bị bọ cánh cứng xóa sổ.
Ông Nguyễn Văn Bể, Giám đốc Công ty TNHH MTV 704, cho biết đơn vị có 60 ha cà phê bị bọ cánh cứng phá hoại, trong đó 7,5 ha cà phê trồng năm 2017 đã mất trắng, số còn lại nếu không có biện pháp diệt trừ thì nguy cơ mất trắng rất cao. Theo ông Bể, ban ngày không thấy bọ cánh cứng, bởi chúng nấp sâu dưới đất chừng 3 - 4 cm, nhưng khoảng sau 18 - 21 giờ, đám bọ này xuất hiện, bay khắp vùng cà phê và các con đường đưa vào rẫy. Không chỉ ăn lá, bọ này còn cắn trái, ngọn cà phê, ăn cả chanh dây trồng gần vùng cà phê.
"Chúng tôi phát hiện, cứ 4 ngày bọ xuất hiện một lần. Vì vậy cứ theo quy trình này, chúng tôi đánh kẻng huy động bà con 18 giờ 30 phút lại phun thuốc bảo vệ thực vật, bọ này ăn lá ngấm thuốc, chết ngay. Có điều, xuất hiện lần sau, chúng lại đông hơn, không có dấu hiệu suy giảm. Hiện nay chúng tôi đang áp dụng một tháng phun thuốc 4 lần, nhưng hiệu quả chưa thấy", ông Bể nói.
"Chúng tôi mong các nhà khoa học, ngành chức năng hỗ trợ cách diệt loài bọ này, nếu không hàng chục héc ta cà phê có nguy cơ chết, mất trắng", ông Bể đề xuất.
Bình luận (0)