Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28.3 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Bình ổn thị trường, giảm chênh lệch giá
Trao đổi với Thanh Niên trước đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhìn nhận nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC ngay lập tức sẽ có những tác động nhất định tới thị trường vàng Việt Nam.
"Nếu có nhiều sản phẩm khác, thị trường phong phú hơn thì chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm, dù còn cao hơn giá thế giới nhưng mức chênh lệch ở tỷ lệ vừa phải. Người tiêu dùng có lợi, thị trường sẽ bình ổn hơn", ông Khánh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Nguyễn Thế Hùng phân tích, thị trường vàng thế giới vẫn đang chu kỳ tăng giá. Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì khó ổn định thị trường. "Chưa cần cho nhập khẩu, chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng sẽ lập tức giảm ngay vài triệu đồng mỗi lượng", ông Hùng nói.
Theo ông Khánh, bỏ độc quyền vàng miếng là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ví dụ, cho PNJ, DOJI sản xuất vàng miếng để cạnh tranh với SJC thì cũng phải cho 2 doanh nghiệp này nhập vàng nguyên liệu. Ngược lại, cho PNJ, DOJI nhập thì cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất thêm.
Kiểm soát nhập khẩu vàng bằng quota?
Ông Khánh phân tích, giá vàng trong nước hiện nay cao hơn giá vàng thế giới chủ yếu do thiếu nguồn cung và do tâm lý. Người dân mua xong không bán nhiều. Vấn đề mấu chốt là tạo nguồn cung thế nào.
"Bên cạnh bỏ độc quyền vàng SJC, nếu có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra nhiều hơn, nhà đầu tư cũng có thể sẽ bán ra vàng miếng nhiều hơn… Tất cả các yếu tố này sẽ làm giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới. Mức giảm bao nhiêu còn tùy nguồn cung đưa ra thị trường", ông Khánh chia sẻ góc nhìn và khẳng định, Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát được thị trường chứ không phải "mở toang".
Ông nêu rõ, sản xuất vàng miếng kiểm soát bằng quota sản xuất, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng kiểm soát bằng quota nhập khẩu. Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp được dập bao nhiêu miếng vàng, không để tự do muốn nhập bao nhiêu thì nhập. Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng kiểm soát được.
"Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm). Doanh nghiệp cũng chỉ xin nhập trong phạm vi có kiểm soát", ông Khánh thông tin.
Xung quanh đề xuất bỏ độc quyền vàng SJC và tiến tới bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khi bỏ độc quyền vàng SJC, khoảng cách chênh lệch về giá giảm xuống, doanh nghiệp cũng không còn nhiều cơ hội kiếm lợi.
Lúc này, doanh nghiệp muốn nhập cũng phải tính toán. Dù vàng là hàng hóa đặc biệt nhưng bản chất vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, từ sản xuất đến kinh doanh, mua bán. Bởi vậy, cho phép nhập khẩu vàng dưới sự quản lý, giám sát từ cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được ngoại tệ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, đánh giá thời gian qua, chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Hiện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn. Bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
"Đương nhiên, nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô, song vị thế dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Điều quan trọng nhất, như chúng ta thấy, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức", ông Shaokai Fan nói.
Trong khi chờ đợi các động thái cụ thể tiếp theo trong sửa đổi Nghị định 24, ông Khánh dự báo thời gian tới giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng theo diễn biến giá vàng thế giới.
Đến thời điểm cuối năm, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.400 - 2.500 USD/ounce. Khi đó giá vàng miếng trong nước có thể tăng lên 85 - 87 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn có thể tăng lên mức 74 triệu đồng/lượng.
Sáng 30.3, giá vàng nhẫn sau khi bất ngờ tăng vọt cả triệu đồng mỗi lượng trong một ngày trước thì tiếp tục neo ở mức cao, bất chấp giá vàng miếng lao dốc.
Cụ thể, vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 69,2 triệu đồng, bán ra 70,4 triệu đồng, giảm 50.000 đồng so với hôm qua. Riêng PNJ giữ nguyên giá mua vào 69,3 triệu đồng, bán ra 70,4 triệu đồng…
Trong khi đó, vàng miếng quay đầu đi xuống gần cả triệu đồng 1 lượng sau 1 ngày. SJC mua vào 78,7 triệu đồng và bán ra 81 triệu đồng, giảm 800.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 500.000 đồng ở chiều bán ra. Diễn biến này đẩy chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC lên 2,3 triệu đồng/lượng thay vì ở mức chỉ 2 triệu đồng/lượng như những ngày trước.
Giá vàng thế giới đi ngang quanh mức 2.234 USD/ounce.
Bình luận (0)