Bộ trưởng GD-ĐT: Phần rất lớn nhà giáo chấp nhận lương thấp, muôn vàn thiệt thòi

Quý Hiên
Quý Hiên
19/11/2022 11:40 GMT+7

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam , Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, phần rất lớn nhà giáo vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề , chấp nhận muôn vàn thiệt thòi.

Sáng nay 19.11, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Lễ kỷ niệm cũng là sự kiện vinh danh 400 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhà giáo với sứ mệnh kiến tạo giá trị cao đẹp cho con người

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều đại biểu là lãnh đạo cấp cao đến dự.

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 19.11 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô có sự tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước

Minh Minh

Muốn dạy người thì phải yêu thương, trân quý con người

Trong bài phát biểu mở đầu buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định truyền thống trọng đạo và tôn sư là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy.

Trả lời câu hỏi “vì lẽ gì mà nhà giáo lại được xem là một nghề cao quý”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải: “Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất và là công việc cao quý nhất”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người..."

Minh Minh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy mà người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực.

Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn. Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, phải cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực.

Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như "độ nhân" (giúp người - PV) qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ. Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng.

Muốn dạy một phải biết nhiều, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt cho học trò. Họ là bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức. Những giá trị của sự chuẩn mực, tính nhân văn, tình yêu thương, tri thức và sáng tạo đã tạo nên sự cao quý của nghề giáo.

Phần rất lớn nhà giáo vẫn chấp nhận muôn vàn thiệt thòi

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đội ngũ nhà giáo đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục. GD-ĐT vinh dự được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước.

Một cô giáo với bức ảnh chụp các học trò của mình được trưng bày tại lễ kỷ niệm

Minh minh

GD-ĐT vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển. Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách vinh quang đó, ngành GD-ĐT đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn. Đội ngũ nhà giáo của toàn ngành giáo dục cả nước đang hăng hái, dấn thân, đảm trách sứ mệnh đổi mới.

Chỗ này chỗ khác, ngôi trường này ngôi trường khác, thầy cô này thầy cô khác cũng có chỗ, có lúc khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương và sứt mẻ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đó là bộ phận, là số nhỏ, phần lớn và tổng thể nhà giáo vẫn đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, lấy giá trị bền vững tốt đẹp của nghề làm cái bất biến thiêng liêng để ứng phó với muôn vàn biến động và thử thách.

Phần rất lớn vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới học sinh vùng biên giới và hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi. Tuyệt đại bộ phận nhà giáo vẫn miệt mài học tập, đổi mới sáng tạo, tự vươn lên để đủ sức dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò thời đại mới rất thông minh, giỏi giang nhưng cũng rất nhiều khác biệt.

Tăng lương, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi là sự động viên thiết thực

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành GD-ĐT Việt Nam coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục, là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Bộ GD-ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.

Một cô giáo, là đại biểu tỉnh xa về dự lễ kỷ niệm, hào hứng bên cúc họa mi - một biểu tượng mới cho mùa thu Hà Nội

Minh Minh

Với nhận thức đó, trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần quan trọng trong chiến lược. Bộ GD-ĐT đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển.

Hai đại biểu là cựu nhà giáo đang tham quan gian trưng bày trong lễ kỷ niệm

Minh Minh

Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo, xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ để nhà giáo thực sự thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ sự biết ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những sự quan tâm, cả chỉ đạo định hướng ở tầm vĩ mô và cả những việc thiết thực cụ thể đã và đang được quyết định. Sự quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp và các điều kiện làm việc, đặc biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1.7.2023 sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.

Kết thúc bài diễn văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển.

“Mong toàn thể nhà giáo chúng ta cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, từ phổ thông đến hệ thống dạy nghề.

Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 PGS và 550 GS. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.