Bước đường cùng, mẹ trẻ 'bán' tiểu cầu làm vốn lấy vé số bán nuôi hai con

02/10/2019 12:12 GMT+7

Từ khi con được 2 tháng tuổi, Nguyễn Thị Thu Lý (21 tuổi, quê Phú Yên) đã phải đi "bán" tiểu cầu mỗi tháng để làm vốn lấy vé số đi bán kiếm tiền mua sữa, tã cho hai con sinh đôi.

Tiếp xúc và gặp gỡ với nhiều hoàn cảnh, nhưng có lẽ chưa bao giờ người viết thấy cặp vợ chồng trẻ nào rơi vào đường cùng như vợ chồng Thu Lý (hiện ở Q.Thủ Đức, TP.HCM). Cả hai vợ chồng, không học hết phổ thông, chữ nghĩa lại không rành, thêm phần chậm hơn mọi người nên cuộc sống liên tiếp là những ngày khó khăn chồng chất.

15 năm bán vé số Sài Gòn

Năm 5 tuổi, Lý theo ba mẹ từ Phú Yên vào Sài Gòn đi bán vé số. Cả gia đình 3 người ở trong căn nhà trọ tí xíu ở Q.Thủ Đức. Mỗi ngày, 3 người chia 3 hướng đi bán vé số. Hễ có ai trong nhà bị giật vé số là cả nhà lại phải ăn mì gói trừ cơm để dồn cho đủ tiền đền vé.
Nặng nhất là lần cả nhà cùng nhau đi lấy vé số, vừa về ngang cầu Sài Gòn thì bị nhóm thanh niên giật giỏ đựng vé và tiền khiến cả 3 ngã sõng soài trên đường. Lần đó, Lý và mẹ bị gãy chân phải nghỉ mấy tháng trời.
Vài năm sau, cha của Lý bệnh nặng và mất, mẹ Lý tái giá với một người đàn ông cùng nghề bán vé số quê Nghệ An. Cuộc sống của Lý lại tiếp tục là những ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đường với xấp vé số trên tay.

Bữa cơm đơn sơ của vợ chồng Lý

Vũ Phượng

Theo lời Lý kể, 18 tuổi, trong một lần đi bán vé số đêm giao thừa, Lý gặp Nguyễn An Khang (25 tuổi) đang múa lân nên mê mẩn đứng xem. Cả hai làm đám cưới sau 3 tháng tìm hiểu. Gọi là đám cưới, nhưng hôm đó chỉ có con gà luộc cùng nồi canh xương thắp nhang cho cha Lý để xin phép về ở chung với nhau.
Mẹ mất sớm, cha có gia đình riêng nên Khang ở cùng bà ngoại. Năm 12 tuổi, Khang xin ngoại ra ngoài làm đủ thứ nghề tự nuôi bản thân. Khi Khang nói sẽ lấy vợ, chỉ có người mợ ủng hộ, còn lại đều phản đối.
Lấy nhau về, cả hai tiếp tục ở trong căn phòng trọ chật chội ở đường số 11, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức. Khang làm bảo vệ, lương hơn 5 triệu đồng/tháng, Lý bán vé số nhưng ngày bán ngày nghỉ vì đau cột sống và đau chân. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chật vật vì làm chẳng đủ ăn.
Dần dần, vợ chồng Lý phải chuyển lên căn gác nhỏ xíu vì không đủ tiền trả tiền phòng dưới đất.

"Bán" tiểu cầu mỗi tháng kiếm tiền lấy vé số

19 tuổi, Lý sinh đôi hai bé trai kháu khỉnh. Thời gian Lý "nằm ổ", tiền lương bảo vệ của chồng không đủ để trang trải cuộc sống nên khi con vừa được 2 tháng, Lý đi "bán" tiểu cầu để lấy tiền bồi dưỡng làm vốn lấy vé số về bán.
“Lần đó em vào bệnh viện, bác sĩ nói em đừng gọi là bán mà gọi là hiến, chứ bệnh viện không mua. Sau lần hiến đó, em bị mất sữa luôn nên mẹ em ẵm hai đứa nhỏ về quê để tiện chăm sóc. 1 tháng sau em đi hiến tiếp, lấy tiền đó làm vốn lấy vé số vì đại lý không cho lấy thiếu”, Lý kể.

Vợ chồng Lý được tổ chức đám cưới trong Lễ cưới tập thể của Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM dịp 2.9 vừa qua

T.L

Tôi hỏi: “Tháng nào cũng đi hiến tiểu cầu vậy sao em chịu nổi?”, Lý hồn nhiên: “Em nhóm máu AB nên đi hiến vừa là cứu người, vừa là giúp mình có thêm tiền lấy vé số để còn mua tã, sữa cho con. Mà mua sữa tươi bịch thôi chứ không đủ tiền mua sữa bột. Lần nào hiến 1 bịch thì em được 400 ngàn, 2 bịch được 700 ngàn”.
Nghe vợ nói vậy, Khang tiếp lời: “Trước vợ em đi bán máu, 3 tháng một lần, nhưng rồi bị gan nhiễm mỡ nên không bán máu được mà chuyển sang bán tiểu cầu, mỗi tháng một lần. Nhìn vợ đi bán máu và bán tiểu cầu em cũng xót, nhưng em sợ mùi bệnh viện quá nên không đi hiến được. Phần khác em sợ đi vào xét nghiệm lại biết thêm bệnh, rồi lại lo lắng”.
Với thu nhập ít ỏi, tháng nào vừa lãnh lương xong, tiền Khang bỏ chưa ấm túi đã phải lo trả nợ. Từ nợ tiền nhà trọ, tiền rau củ của cửa hàng trước nhà đến tiền mượn của bạn bè. Số dư ít ỏi sót lại, Khang gửi về cho bà ngoại chăm cháu. Vợ chồng Khang tiếp tục vào vòng lẩn quẩn mượn nợ.
Trên căn gác trọ ẩm thấp chưa đầy 10 m2, vừa kể về lần bị giật hết vé số và bị cướp chiếc xe đạp ở gần nhà thiếu nhi Thủ Đức, Lý móc túi ra hai tờ 10 ngàn đồng, nói: “Trưa nay vợ chồng em ăn cơm mắm chưng ở quê mang vô. Hai chục này lát đưa chồng em đi làm đổ xăng là nhẵn túi luôn. Nay em đau lưng quá nên không đi bán tiểu cầu được. Để mai em lên bán xong dùng tiền đó đi lấy vé số rồi mới đi bán số lại được”.

Cầu thang lên căn gác trọ của vợ chồng Lý

Vũ Phượng

Khi chưa bị gan nhiễm mỡ, Lý đi hiến máu để lấy phần tiền hỗ trợ đó trang trải. Còn hiện tại, mỗi tháng Lý đi bán tiểu cầu một lần

Vũ Phượng

Hiện Lý đang học bổ túc lớp 3 ở một nhà thờ. Lý khao khát đọc viết rành rọt để tìm một việc làm ổn hơn. Còn Khang cho rằng, công việc bảo vệ phù hợp với sức khỏe và học vấn của mình nên không mong muốn đổi việc.
Bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, Phú Yên (mẹ của Lý) xác nhận hiện bà đang chăm sóc hai con trai sinh đôi của Lý. Ngoài thời gian chăm sóc và đưa đón cháu đi học, bà Huệ làm ruộng và làm thuê để sống qua ngày.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Khang trải lòng: “Tụi em vẫn mong đủ tiền để ở căn nhà trọ dưới đất cho thoáng mát, nhưng giờ điều kiện như vậy nên không dám nghĩ nhiều. Dù sao vẫn bên nhau là được…”.
Nghe những lời Khang nói tôi bỗng thấy xót xa, vì dù khó khăn đến vậy nhưng vợ chồng vẫn không dám nghĩ đến cách để cuộc sống tốt hơn. Ra về, gửi lại vợ chồng trẻ một khoản tiền để mua được một bữa cơm có cá, có thịt nhưng tôi vẫn day dứt vì chưa bao giờ tôi gặp hoàn cảnh nào không có lối thoát như vợ chồng Lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.