Cá nhám gai có gai lưng chứa nọc độc |
chụp màn hình cnn |
CNN đưa tin Hiệp hội Động vật học London (ZSL) ngày 10.11 công bố kết quả một cuộc "kiểm tra sức khỏe" sông Thames ở London (Anh) gần đây cho thấy các loài cá ngựa, lươn, hải cẩu và cả cá mập có nọc độc đều xuất hiện ở dòng sông này.
Đây là "tin tức tích cực" đối với sự phục hồi hệ sinh thái ở sông Thames. Năm 1957, đây từng được xem là một "dòng sông chết”.
Các nhà khoa học đã tìm thấy những loài vật gây ngạc nhiên như cá mập mắt trắng, cá nhám góc và cá nhám gai - một loài cá mảnh mai mang gai độc có kích thước khoảng 60 cm.
Cá nhám gai có thể được tìm thấy ở vùng nước sâu. Các gai phía trước hai vây lưng của cá mập tiết ra một loại nọc độc có thể gây đau và sưng tấy cho con người.
Cá mập mắt trắng tope là loài ăn cá và động vật giáp xác. Nó có thể dài tới hơn 1,8 m và nặng đến 48 kg. Loài cá này chưa bao giờ tấn công con người một cách vô cớ, theo tổ chức Wildlife Trusts ở Anh.
Cá mập mắt trắng có thể dài tới hơn 1,8 m và nặng đến 48 kg |
chụp màn hình cnn |
Cá nhám góc ở sông Thames có thể dài tới 1,2 m và nặng 11 kg. Loài này chủ yếu ăn động vật giáp xác, động vật có vỏ và động vật thân mềm.
Cá nhám góc chủ yếu ăn động vật giáp xác, động vật có vỏ và động vật thân mềm |
chụp màn hình cnn |
Tuy nhiên, số lượng các loài cá được tìm thấy trong khu vực thủy triều của sông có dấu hiệu giảm nhẹ. Các nhà khoa học cho biết cần phải tìm hiểu nguyên nhân về điều này.
Sông Thames dài 346 km và là nơi sinh sống của hơn 115 loài cá và 92 loài chim. Con sông này đang đối mặt với các mối đe dọa từ ô nhiễm và biến đổi khí hậu, ZSL cảnh báo. Sông Thames cũng là cung cấp nước uống, thực phẩm, sinh kế và bảo vệ cộng đồng xung quanh khỏi lũ lụt ven biển.
Tuy nhiên, theo ZSL, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ của sông Thames tăng trung bình 0,2 độ C/năm. ZSL cảnh báo rằng điều này sẽ "vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại" với các loài động vật khi kết hợp với việc nước biển dâng lên.
Mỹ, Trung Quốc bất ngờ công bố thỏa thuận về biến đổi khí hậu |
Bình luận (0)