Đó là các lý do mà các cô gái hơi béo một chút đưa ra để lý giải cho mọi nỗ lực giảm cân của mình.
Sợ “không ma nào yêu”, sợ chồng buồn
Nguyễn Thúy Nga (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn) chỉ cao 1,54 m nhưng nặng tới 60 kg. Nga bị bạn bè và cả người nhà gọi bằng cái tên thân thương “Nga mập”. “Từ năm lớp 12 không hiểu sao em thèm ăn. Ngày ăn 4, 5 bữa vẫn thấy đói bụng. Em ăn vặt suốt ngày nên từ một người chỉ 46 kg, em tăng lên 60 kg như bây giờ. Suốt 3 năm mang thân hình quá khổ, em chỉ ao ước một ngày được mọi người kêu tên 'Nga ốm' nhưng mơ ước đó xa vời quá”, Nga kể.
Cũng nhiều lần cố gắng ăn ít đi để gầy bớt, nhưng Nga cho rằng có lẽ mình đã “quen dạ” nên ăn ít là không chịu nổi. “Nhìn mấy đứa bạn thân thanh mảnh, đi lại nhẹ nhàng, được bạn trai chú ý, đôi lúc em cũng tủi thân. Mẹ em chọc nếu cứ béo thế này thì có ma thèm yêu, làm em cũng sợ sợ. Em đã có lần hạ quyết tâm ăn kiêng, nhưng người béo hình như chỉ hít thở cũng béo. Được một thời gian em thấy cân thì không giảm đi mấy trong khi không được ăn những thứ mình thích thật là khó chịu. Em lại chặc lưỡi: không ai yêu thì cũng chẳng sao, mình cứ yêu mình trước đã”, Nga hài hước.
Trong khi đó, bà mẹ trẻ Tố Như (ngụ lô A, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) thì đau đầu với chỉ số cân nặng vượt 10 kg so với thời con gái. Như cho biết: “Lúc lấy chồng mình chỉ 48 kg thôi, 3 vòng được chồng khen chuẩn. Nay sinh xong, tăng 10 ký, dồn hết vào vòng 2 và bắp tay, bắp đùi. Chồng mình vẫn động viên là béo một tí nhìn mũm mĩm dễ thương, nhưng mình biết cơ thể này đâu còn dễ coi như trước. Mình biết thừa đàn ông dù sao cũng không thích vợ béo. Mình thấy tập thể dục là phương pháp khá tốt, nhưng con còn nhỏ, mình không có thời gian. Vì thế mình ăn kiêng, dùng các thực phẩm detox nhưng sao mãi chưa giảm”.
Mỗi lần đi mua quần áo, Như cho biết mình chỉ thèm được nói với nhân viên “lấy cho chị size M” nhưng cuối cùng thì… vẫn phải là XL.
Giảm cân cấp tốc, nên không?
Không ít cô gái, nhất là các bà mẹ trẻ, vì muốn giảm cân nhanh đã liều lĩnh sử dụng những phương pháp được cho là phản khoa học, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây bệnh.
Chị Nguyễn Thu N., (nhân viên ngân hàng Nam Á tại TP.HCM) sau khi sinh xong, cơ thể trở nên “phát tướng”. Chị N. nhanh chóng muốn trở lại số cân nặng như cũ nên đã tự ý lên mạng mua một loại thuốc giảm cân cấp tốc về uống. “Uống được một thời gian mình thấy có giảm nhưng thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói do tác dụng của thuốc giảm cân, nếu tiếp tục uống cơ thể sẽ bị mất nước, suy nhược, có khả năng bị cao huyết áp. Mình sợ quá không dám dùng thuốc nữa”, chị N. cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Các cô gái không nên sử dụng các biện pháp giảm cân cấp tốc mà cần có một quá trình. Tốt nhất là đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nếu muốn uống thuốc giảm cân thì cũng phải được bác sĩ chỉ định chứ không nên tự uống vì các loại thuốc giảm cân luôn gây tác hại nhất định, như mất nước, rỗi loạn tâm thần…”.
Theo bác sĩ Hoa, đi hút mỡ là một phương pháp cũng dễ gây nguy hiểm nếu cơ sở thực hiện không đủ chuyên môn. “Chế độ dinh dưỡng phù hợp kết hợp với luyện tập thể dục thể thao là cách giảm cân an toàn nhất. Hiệu quả phụ thuộc vào sự kiên trì và quyết tâm của các bạn”, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa nhìn nhận.
Bình luận (0)