Các kế hoạch mở cửa kinh tế TP.HCM sau 15.9 đều gắn với thẻ xanh Covid

10/09/2021 20:27 GMT+7

TP.HCM xây dựng kế hoạch mở cửa kinh tế với 3 giai đoạn, trong đó dự kiến sử dụng thẻ xanh Covid làm công cụ kiểm soát lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh và các dịch vụ vui chơi giải trí .

Chiều 10.9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn sau ngày 15.9.
Hội nghị do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì; các đại biểu tham dự là các sở ngành, Ban quản lý (BQL) khu công nghệ cao, BQL các khu chế xuất và công nghiệp, trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển… Về phía doanh nghiệp có Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, Hiệp hội thương mại châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM; một số hội, ngành nghề trọng điểm và một số doanh nghiệp lớn…

TP.HCM: Thêm 3.700 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 144.024 bệnh nhân hồi phục

Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về diễn biến tình hình Covid-19 hơn 3 tháng qua, công tác phòng, chống dịch của TP với những kết quả quan trọng, tạo điều kiện từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Trung tâm Báo chí TP.HCM

TP.HCM xác định nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của việc mở cửa nền kinh tế là thực hiện linh hoạt theo tín hiệu an toàn của ngành y tế, làm nền tảng cho việc mở cửa an toàn từng bước tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. Toàn bộ thông tin về kế hoạch, lộ trình và các nguyên tắc, bộ tiêu chí được đăng tải và cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin Covid-19 của TP.

Sử dụng thẻ xanh Covid để kiểm soát

Theo tài liệu gửi đến các đại biểu tham dự hội nghị, TP.HCM cho biết quyết định nới lỏng, thắt chặt hay giữ nguyên giãn cách xã hội sẽ được quyết định trên cơ sở dữ liệu thống kê tại mỗi địa bàn nên có thể linh hoạt trong việc điều chỉnh các mốc thời gian áp dụng biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng Covid (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các đối tượng trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.
Thẻ xanh Covid sẽ liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử (Bộ TT-TT, Bộ Y tế), tiêm chủng (Bộ Y tế), khai báo di chuyển nội địa (Bộ Công an), mã QR cho phương tiện vận tải (Bộ GTVT).

TP.HCM sẽ kết nối dữ liệu thẻ xanh Covid với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ ngành

Khánh Trần

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ quản lý hoạt động sản xuất an toàn. Định hướng của TP là người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm; check-in tại các địa điểm.
Tùy điều kiện dịch tễ, hiện trạng tiêm vắc xin và xét nghiệm của mỗi cá nhân, mã QR sẽ tự động hiển thị màu sắc tương ứng. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại) hoặc được cơ quan nhà nước in mã QR ra thẻ.

Shipper được phép lưu thông từ 5 đến 21 giờ 30 trong quận, huyện ở TP.HCM

3 giai đoạn mở cửa kinh tế

Một trong những thông tin được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là 3 giai đoạn phục hồi kinh tế TP đặt ra.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16.9 đến 31.10), trong đó sẽ có một khoảng thời gian thử nghiệm (từ ngày 16.9 đến 30.9) ưu tiên triển khai tại các địa bàn an toàn cao như: Q.7, H.Củ Chi, H.Cần Giờ, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghệ cao...
Ở giai đoạn này, nếu diễn biến dịch theo như kế hoạch kiểm soát dịch của ngành y tế thì những người có thẻ xanh Covid được phép tham gia mọi hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng chống dịch của ngành y tế.
Tổ chức, cá nhân sử dụng 100% lao động có thẻ xanh Covid được quyền tham gia mọi hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng chống dịch, trừ các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage và các hoạt động có rủi ro lây nhiễm cao như: dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại (trừ hệ thống siêu thị đặt trong trung tâm thương mại).
 

Các cơ sở sản xuất từng bước được mở cửa, hoạt động theo diễn biến dịch bệnh của địa bàn

Độc Lập

Tổ chức, cá nhân sử dụng 100% lao động có thẻ xanh Covid ở bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với người ngoài và 100% lao động có thẻ vàng Covid hoặc thẻ xanh Covid làm việc trực tiếp ở các bộ phận còn lại được phép tham gia nhiều hoạt động khác. Có thể kể đến như: hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi (hoạt động 3 tại chỗ), thương mại điện tử, sản xuất dược phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành y tế; chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas; tài chính, công chứng, vận tải, xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng…
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31.10 đến 15.1.2022), nếu diễn biến dịch theo như kế hoạch kiểm soát dịch thì TP bổ sung thêm một số lĩnh vực như: ăn uống tại chỗ, thể thao ngoài trời, vui chơi giải trí với số lượng dưới 20 người, người tham gia phải có thẻ xanh Covid.
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15.1.2022), nếu diễn biến dịch theo như kế hoạch kiểm soát thì TP sẽ mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, riêng đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham dự phải có thẻ xanh Covid.

Sẽ dùng chung mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc trong dịch Covid-19

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã có nhiều chia sẻ, góp ý liên quan đến kế hoạch của UBND TP về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Trong quá trình đó, TP mong muốn có sự đồng hành, góp ý, khuyến nghị các giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp.
“Để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, TP sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Có phòng chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt”, ông Mãi phân tích.
Liên quan đến câu hỏi mở trở lại ngành nghề, khu vực nào trước, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP không tự đi một mình mà cần có sự phối hợp với các địa phương khác để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Do đó, TP sẽ tiếp thu các ý kiến để có cơ sở đưa ra phương án đồng bộ nhất. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ để phục hồi kinh tế cần phải giải bài toán về lao động, thị trường đầu vào, đầu ra, thủ tục hành chính…, bao gồm cả những chính sách từ cấp quốc gia. TPHCM sẽ tổng hợp các kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội; riêng các chính sách thuộc thẩm quyền thì TP sớm xem xét để ban hành.
Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin từ nay đến ngày 15.9, TP.HCM sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có sự điều chỉnh trong các phương án, giải pháp theo tình hình thực tế. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.