Vụ tai nạn làm 1 học sinh tử vong và 2 học sinh khác bị thương khi tham gia trò chơi “tàu lượn siêu tốc” tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (H.Thanh Thủy, Phú Thọ) dấy lên câu hỏi về mức độ an toàn ở các khu vui chơi, du lịch trên phạm vi cả nước.
“Sống chết có số” ?
Ngày chủ nhật 17.1, mặc dù Hà Nội rất lạnh và có mưa, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đến Công viên Thiên Đường Bảo Sơn để vui chơi với những trò chơi mạo hiểm như: cú rơi vô cực, tàu lượn khứ hồi, đu quay dây văng, bay giữa ngân hà, khủng long trỗi dậy...; và cho rằng “sống chết có số”. Mỗi trò chơi tại đây thường có một “kỹ thuật viên” (KTV) vận hành. Phần lớn những KTV này là các sinh viên làm việc bán thời gian, còn ngày trong tuần là những nhân viên chính thức. Trước khi trở thành KTV, những nhân viên này sẽ được hướng dẫn cách vận hành hệ thống, các bước bảo hộ an toàn cho người chơi và được căn dặn “phải làm thật cẩn thận”.
Khi được hỏi về độ an toàn của các trò chơi, những nhân viên này trấn an người chơi rằng hệ thống khá an toàn, được kiểm tra thường xuyên nên không thể rơi hoặc đứt được, còn các giấy tờ kiểm định thì không nắm được. “Sống chết có số rồi”, một nhân viên nói đùa.
Một nữ nhân viên vận hành trò đu quay dây văng cho biết, có đọc thông tin về vụ tai nạn “tàu lượn siêu tốc” khiến 3 học sinh thương vong ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), và cho rằng đó chỉ là tai nạn. “Bọn em làm an toàn mới cho chạy chứ, dây xích không đứt được đâu. Em đã được học cách điều khiển, thắt dây an toàn và khi khách muốn xuống hoặc có sự cố, em sẽ cho dừng hệ thống khẩn cấp”, nữ nhân viên này nói.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, các trò chơi mạo hiểm tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn đều có ít nhất 2 chốt bảo vệ an toàn cho người chơi, một số trò còn được trang bị mũ bảo hiểm và hoạt động khá trơn tru trên độ cao từ 5 m đến hàng chục mét, tùy trò chơi. Mỗi trò, công viên này sẽ dán lưu ý để người chơi nắm được, tuy nhiên phần lớn người chơi bỏ qua bảng lưu ý này và phó thác mạng sống cho hệ thống và KTV.
Cùng bạn gái đi chơi ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Trọng (24 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết những trò mạo hiểm luôn được anh chọn chơi đầu tiên khi đến các khu vui chơi. Mặc dù có biết về vụ tai nạn tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, nhưng anh Trọng cũng chỉ cười và tự trấn an “đó chỉ là tai nạn, sống chết có số hết rồi và những tai nạn như vậy rất hiếm khi xảy ra”.
Trong chiều cùng ngày, theo ghi nhận của PV, khu trò chơi Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức (TP.HCM) do Công ty CP đầu tư giải trí Thỏ Trắng (Công ty Thỏ Trắng) lắp đặt và khai thác; trong đó có 4 trò chơi cảm giác mạnh: cướp biển Caribe, đu quay dây văng, Apollo cảm giác cực mạnh, đu quay lồng. Theo quan sát, tại khu vực này không thấy các quy định như độ tuổi, tình trạng sức khỏe... đối với người tham gia 4 trò chơi trên. Người chơi chỉ cần bỏ 35.000 đồng mua vé sẽ được nhân viên cho lên chơi. Tại mỗi trò chơi cảm giác mạnh chỉ có 1 nhân viên đứng kiểm vé và vận hành. Tất cả các trò chơi tại Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức đều đặt ngoài trời. Nhìn bên ngoài, màu sơn các thiết bị trò chơi đã bạc màu, nhiều vị trí hoen gỉ, các dây thắt an toàn đã cũ... Có một số phụ huynh dẫn con đến khu trò chơi, nhưng không cho chơi các trò mạo hiểm vì sợ không an toàn.
Tại Khu du lịch Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) cũng xây dựng, thiết kế nhiều trò chơi cảm giác mạnh để thu hút người chơi như: vòng xoay vũ trụ, cối xoay thần gió, tàu lượn siêu tốc (có 7 toa, mỗi toa có 4 ghế), đĩa bay hành tinh, thuyền bay...; và có trò chơi đưa người chơi lên độ cao 60 m. Tại các trò chơi cảm giác mạnh cũng chỉ có 1 nhân viên kiểm soát vé, vận hành máy. Theo một nhân viên điều khiển trò chơi cảm giác mạnh, tất cả máy móc tại đây đều được kiểm tra định kỳ, bảo trì thường xuyên nên nhiều năm qua không có sự cố.
|
Nhiều tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ pháp luật
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh bắt đầu nở rộ các loại hình trò chơi mạo hiểm, tập trung chủ yếu tại TP.Hạ Long. Đáng chú ý, qua thống kê đã từng xảy ra 1 vụ tai nạn trong quá trình du khách vui chơi. Cụ thể, vào ngày 30.4.2017, tại một công viên nước xảy ra vụ 6 du khách bị thương khi trượt ống nước. Còn ngày 22.6.2019, cũng tại một quần thể vui chơi ở TP.Hạ Long đã xảy ra sự cố tàu lượn siêu tốc bị mất điện khiến hàng chục du khách mắc kẹt ở trên cao giữa trời nắng nóng gần 30 phút. Sau khi xảy ra vụ việc, đại diện công viên đã xin lỗi khách hàng, hoàn trả toàn bộ tiền vé, hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn phí sử dụng các dịch vụ khác...
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết hằng năm đơn vị này thường xuyên phối hợp Sở VH-TT tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của du khách. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bên cạnh những đơn vị tuân thủ các quy định pháp luật, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định về du lịch mạo hiểm, phổ biến nhất là tình trạng tổ chức dịch vụ lặn biển, leo núi trái phép...
|
Dự lường các nguy hiểm tiềm ẩn
Là điểm đến thú vị đối với người thích trải nghiệm trò chơi cảm giác mạnh, thời gian gần đây Công viên Châu Á - Asia Park (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thu hút đông đảo du khách. Theo đó, những nguy hiểm tiềm ẩn ở các trò chơi cảm giác mạnh đã được các đơn vị lên phương án ứng phó.
Cuối tháng 11.2020, Phòng Cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ (Công an TP.Đà Nẵng) phối hợp Công viên Châu Á tổ chức diễn tập phương án cứu nạn cứu hộ khi xảy ra các tình huống tai nạn khẩn cấp trong các trò chơi mạo hiểm trên cao. Tình huống giả định, sự cố xảy ra với trò tàu lượn Queen Cobra, tháp rơi tự do bị hỏng xích, dừng ở đỉnh dốc trò chơi độ cao 37 m; lực lượng cứu hộ tại chỗ không thể thực hiện cứu hộ bằng các biện pháp thông thường. Có 8 khách ngồi trên ghế hoảng loạn và đòi rời khỏi tàu; hàng chục khách xếp hàng ở lối vào trò chơi cũng bắt đầu bấn loạn, đám đông hiếu kỳ tập trung lại xem dẫn đến tình trạng chen lấn xô đẩy mất trật tự... Các đơn vị cứu hộ huy động gần 100 người cùng các phương tiện cứu nạn hiện đại để xử lý.
|
Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ (Công an TP.Đà Nẵng), cho biết phương án cứu nạn cứu hộ tại Công viên Châu Á là phương án đầu tiên tại Việt Nam được phối hợp giữa cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ và đơn vị khai thác du lịch. “Thông qua diễn tập, các đơn vị liên quan đánh giá khả năng tổ chức thoát nạn, xử lý các tình huống tai nạn, sự cố của lực lượng cơ sở, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan”, thượng tá Nam nói.
Nhiều sự cố từng xảy ra ở khu vui chơiTối 9.12.2020, bé N. cùng bạn đến khu vui chơi nằm trong khu dân cư Phúc Đạt (P.Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, Bình Dương). Trong lúc vui đùa, N. chạm vào hệ thống đường ray xe lửa khiến bé bị điện giật văng xuống đất dẫn đến tử vong.
Ngày 13.1.2020, khi đi ngoại khóa tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), 1 học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM) bị đuối nước. Khoảng
11 giờ 30, nhân viên cứu hộ phát hiện em dưới đáy hồ bơi. Sau 1 ngày điều trị, học sinh này đã không qua khỏi.
Sáng 15.4.2018, tại khuôn viên khu vui chơi giải trí của Nhà văn hóa thanh thiếu nhi Đắk Lắk (TP.Buôn Ma Thuột) xảy ra sự cố đứt dây cáp trò chơi “vũ trụ bay mini” từ độ cao gần 5 m xuống đất. Có 2 em nhỏ đã thắt dây an toàn nên không bị văng ra khỏi ghế nhưng bị sốc, choáng, khó thở, phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau sự việc, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với chủ quản lý khu vui chơi này, do vi phạm các quy định về an toàn trong kinh doanh.
Tháng 3.2015, tại khu vui chơi Nhà thiếu nhi tỉnh Cà Mau xảy ra vụ tai nạn khi toa trên của tàu lượn siêu tốc rơi ra từ đường ray, rồi rơi tự do từ độ cao vài mét xuống đất, khiến 2 thiếu niên 10 tuổi và 14 tuổi bị thương nặng. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bộ phận của tàu lượn đã cũ kỹ, mục nát, không đảm bảo an toàn.
Phan Thương - Trung Chuyên
|
Bình luận