Các phương án đón học sinh đi học trở lại

Bích Thanh
Bích Thanh
02/12/2021 06:00 GMT+7

Hôm qua 1.12, UBND TP.HCM đã quyết định thời gian cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sau thời gian ngừng đến trường, học trực tuyến vì dịch Covid-19 .

Học sinh ở TP.HCM sẽ được đi học trở lại trong những ngày tới

Khả Hòa

Học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đi học từ ngày 13.12

Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn từ ngày 13 - 25.12 (2 tuần), các trường tổ chức dạy học trực tiếp với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12. Trong đó, từ tuần thứ 2 sẽ áp dụng cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Riêng học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT của xã Thạnh An (H.Cần Giờ) học trực tiếp từ ngày 13.12.

Để thực hiện giai đoạn đầu theo thời gian nói trên thì trước ngày 5.12, các trường tổ chức họp phụ huynh, ngày 8.12 tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 10.12, các trường tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.

Giai đoạn từ ngày 27.12 trở đi, Sở GD-ĐT tổng kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ kết quả này và tình hình dịch Covid-19, Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.2022.

Trường xây dựng kế hoạch dạy học trước ngày 3.12

UBND TP yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, thẩm định các nội dung trước ngày 3.12.

Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trường không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng chống dịch bệnh của nhà trường. Tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cho biết gần như 100% học sinh đã hoàn tất việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sẵn sàng tâm thế để trở lại trường. Nữ hiệu trưởng này chỉ ra rằng, thời điểm học sinh đi học trở lại là đủ thời gian sau 14 ngày hoàn tất tiêm vắc xin mũi 2, cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào bài kiểm tra học kỳ 1, bài kiểm tra quan trọng của học sinh lớp 12.

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), cho biết qua thăm dò thì học sinh lớp 12 khá hào hứng trước thông tin trở lại trường học vào giữa tháng 12. Tuy nhiên, còn một số phụ huynh tỏ ra dè dặt, lo lắng nên nhà trường thấy việc chuẩn bị cần phải kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận và an tâm nhất đối với phụ huynh.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM đã tiêm đủ 2 liều vắc xin chuẩn bị đến trường học trực tiếp từ 13.12

ĐÀO NGỌC THẠCH
Chưa phát hiện biến chủng Omicron gây bệnh Covid-19 tại TP.HCM

Không cho ngừng học một cách cực đoan

Để chuẩn bị cho kế hoạch học sinh trở lại trường, ông Lê Xuân Nguyên, Hiệu phó Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), thông tin nhà trường xây dựng kịch bản cụ thể và phân công chi tiết đến từng thành viên của Ban giám hiệu, bộ phận y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, lực lượng giáo viên, nhân viên… Mục tiêu lớn nhất là sự an toàn của học sinh, trong đó cũng phải nhìn nhận khi đã cho học sinh đến trường thì phải tính đến tình huống xuất hiện F0. Tuy nhiên không vì F0 mà cách ly hay cho học sinh nghỉ học một cách cực đoan mà phải bình tĩnh, tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Vì sao học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp trước ?

Trước thông tin học sinh khối lớp 1 cũng được ưu tiên cho đi học trong đợt đầu tiên, vào ngày 13.12, nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc vì đây là học sinh nhỏ tuổi, chưa tiêm vắc xin.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là kế hoạch thí điểm cho học sinh đi học trở lại ở cả 3 cấp học. Trong đó ở bậc tiểu học, TP.HCM ưu tiên cho học sinh lớp 1 đi học trước, vì đây là khối học sinh mới chuyển từ bậc mầm non lên, các em chưa được đến trường ngày nào và việc học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn nhất so với các khối còn lại khi bắt đầu các bài học vỡ lòng. Do vậy, đây là nhóm học sinh được ưu tiên tiếp cận với chương trình giáo dục trực tiếp để các em sớm được đến trường, gặp thầy cô, bạn bè.

“Học sinh buộc phải học trực tuyến trong điều kiện bắt buộc vì dịch bệnh, nhưng với lớp 1 - lứa tuổi còn cần giáo viên cầm tay chỉ việc thì việc đến trường là tốt nhất”, ông Dương Trí Dũng chia sẻ.

Trước thắc mắc học sinh lớp 1 chưa được tiêm vắc xin, liệu có an toàn khi để các em trở lại trường học, ông Dương Trí Dũng cho biết về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đi học lại, Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng dẫn thêm. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng được trang bị nhân viên, thiết bị y tế và các quy trình khác. Trong đó, vắc xin chỉ là một trong các điều kiện đảm bảo an toàn. Những học sinh chưa tiêm thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các em trở lại trường.

Nguyễn Loan

Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) xây dựng phương án tách lớp, chia thành 2 phòng ở những tuần đầu tiên để thăm dò và điều chỉnh phương án cho phù hợp ở những tuần tiếp theo. Khi lớp học xuất hiện F0 hoặc người cùng nhà với học sinh nhiễm bệnh thì học sinh đó sẽ ngừng đến trường, tùy theo tình hình sức khỏe, giáo viên gửi tài liệu hoặc dạy trực tuyến hỗ trợ. Tương tự, ông Hoàng Sơn Hải cũng cho biết tính toán chia mỗi lớp thành 2.

Ông Ngô Lập Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (Q.10), nhấn mạnh nhà trường dự báo các tình huống khi học sinh đi học trở lại, có một học sinh F0, hay học sinh của một vài lớp rơi vào tình huống này thì sẽ căn cứ vào đánh giá của y tế để đưa ra phương án cách ly học sinh cụ thể chứ không mặc định cho cả lớp ngừng đến trường đồng loạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.