Các tỉnh chưa mở, giao thông TP.HCM khó thông

30/09/2021 06:57 GMT+7

Để tái mở cửa kinh tế sau đại dịch, TP.HCM đã lên phương án kết nối giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy cho tới hàng không. Song mọi đường đều khó khi một số địa phương khác vẫn chưa có ý định mở.

Người dân, doanh nghiệp ngóng chờ đường sắt, đường không

Có con trai đi công tác phải ở lại Bình Thuận từ cuối tháng 7, anh L.H.Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) mừng “như bắt được vàng” khi đọc tin Tổng công ty đường sắt VN dự kiến 2 phương án chạy tàu khách từ ngày 1.10 đối với tàu Thống Nhất tuyến Hà Nội - TP.HCM. Lùng sục thông tin khắp nơi, anh Dương tìm hiểu rất kỹ điều kiện cho người được mua vé, những giấy tờ nào cần mang theo, có yêu cầu cách ly hay không... để chuẩn bị cho ngày về của con.

 Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không mang ý nghĩa sống còn của các hãng bay. Nếu Hà Nội vẫn đóng cửa bầu trời thì cơ hội phục hồi của ngành hàng không sẽ bị Hà Nội ngăn trở. Ngành hàng không sẽ bị thiệt hại rất lớn vì quyết định này. Người dân và nền kinh tế còn bị thiệt hại nhiều hơn, đặc biệt là ngành du lịch cùng các DN sản xuất ở những vùng kinh tế trọng điểm. Để thực hiện mục tiêu dần mở cửa kinh tế của Chính phủ, khôi phục nền kinh tế, khôi phục ngành GTVT, trong đó có hàng không, VABA đề nghị sớm thực hiện khôi phục đường bay nội địa, sớm công nhận hộ chiếu vắc xin để từng bước mở lại đường bay quốc tế.

TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không VN (VABA)

Tương tự, gia đình 4 người nhà chị Thu Hà (Sơn Tây, Hà Nội) cũng đang theo dõi sát sao từng ngày kế hoạch mở lại các đường bay nội địa để mua vé trở lại TP.HCM sau hơn 3 tháng “kẹt” ở Hà Nội. Khi dự thảo phương án đi lại “bình thường mới”, cho mở lại các đường bay nội địa từ 1.10 mà Bộ GTVT ban hành, chị Hà đã giục các thành viên cập nhật thẻ xanh Covid-19 trên hệ thống sổ điện tử quốc gia vì chắc mẩm “sắp được về nhà rồi”.
Thế nhưng, văn bản mới nhất của UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài, đề xuất Cục Đường sắt dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội khiến anh Dương, chị Hà cùng rất nhiều người dân đang kẹt lại tại các địa phương khác hoang mang.

Covid-19 sáng 1.10: 790.755 ca nhiễm, 608.831 ca khỏi | Người từ TP.HCM chưa thể về quê

Không chỉ người dân, “lệnh” chặn tàu hỏa, máy bay của UBND TP.Hà Nội cũng khiến các doanh nghiệp (DN) không khỏi hụt hẫng. Ngóng trông từng giờ mở cửa hàng không, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Ailines, đánh giá trục bay Hà Nội - TP.HCM như xương sống của cơ thể ngành hàng không VN. Trục này chưa được mở thì toàn bộ mạng bay nội địa vẫn gần như đóng băng, cơ hội cho các hãng hàng không vực dậy coi như tiêu tan. 
“Sức chịu đựng của DN và nền kinh tế có hạn. Ngành hàng không đã ở mức thoi thóp rồi. Nếu không được tiêm thuốc ngay, kịp thời thì DN sẽ tắt thở, như vậy mọi nỗ lực mở cửa phía sau đều vô nghĩa. Tỷ lệ tiêm vắc xin ở cả TP.HCM và Hà Nội đều khá cao, cần nhanh chóng kết nối giao thông, trong đó có đường hàng không cùng những điều kiện để bình thường hóa, tiến tới sống chung với dịch bệnh. Nếu chưa thể mở hết toàn bộ thì ít nhất cũng cần có đường bay cho những người đủ điều kiện an toàn được di chuyển hồi hương, làm việc và sinh hoạt trở lại. TP.HCM mở cửa mà các tỉnh, thành khác vẫn đóng thì TP sẽ như hòn đảo giữa đại dương, không kết nối được với ai, khó hồi phục kinh tế”, ông Biên lo ngại.

Cần có sự thống nhất, đồng bộ

Mỗi địa phương một kiểu, rất khó bay nội địa trở lại

Báo cáo tại giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT hôm qua (29.9), Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết Bộ GTVT đã có dự thảo kế hoạch khôi phục vận tải hành khách trên cả 5 lĩnh vực, trong đó có hàng không. Tuy nhiên theo ông Thắng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở các địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Nội Bài.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho rằng khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ với hàng không. Cục Hàng không VN cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước. Trước mắt, Cục đề xuất chỉ mở chuyến bay đưa khách từ Hà Nội đi mà không đưa về Hà Nội, chiều ngược lại sẽ chỉ chở hàng.
Mai Hà
Đường không, đường sắt phụ thuộc vào chỉ đạo chung của Bộ GTVT, một số phương án tổ chức giao thông đường bộ sau 1.10 của TP.HCM cũng còn thấp thỏm chờ các tỉnh. Đơn cử, TP.HCM dự kiến sau 1.10, xe chở hàng hóa lưu thông đến và ngang qua TP.HCM phải có mã QR; xe đưa rước công nhân, chuyên gia liên tỉnh chỉ cần đáp ứng điều kiện người trên xe đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế, có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định. Tuy nhiên, Sở GTVT Tây Ninh lại góp ý điều chỉnh về điều kiện di chuyển, yêu cầu phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, mũi cuối đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm di chuyển...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận định TP.HCM là trung tâm sản xuất, tiêu thụ, là đầu mối xuất khẩu hàng hóa lớn nhất khu vực phía nam. Nếu việc vận tải từ các tỉnh vào TP.HCM hay từ TP.HCM đi các tỉnh bị ách tắc hoặc chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ hàng hóa của các địa phương, xuất khẩu của cả nước và cung ứng nguyên vật liệu cho những khu công nghiệp ở các tỉnh phía nam.
Theo ông, thời gian tới, các địa phương phải thống nhất quy định di chuyển cho các phương tiện dựa trên nguyên tắc những nội dung cơ bản mà Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã quy định; không nên đặt thêm những quy định chi tiết khác. “Câu chuyện mở cửa không chỉ riêng của TP.HCM mà phải có sự thống nhất, đồng bộ giữa các tỉnh, thành trên tầm quốc gia”, ông Quyền nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.