Theo Bloomberg, khi World Wide Web ra mắt năm 1991, nhiều người tin rằng đây sẽ là khởi đầu mới cho kỷ nguyên tự do ngôn luận. Thế nhưng 30 năm sau, việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị "cấm cửa" trên các mạng xã hội lớn đã đem đến cho người dân Mỹ một cái nhìn khác về tự do ngôn luận trên không gian internet.
Không như những năm 1990, quyền tự do ngôn luận trên internet hiện giờ xoay quanh mức độ mà các mạng xã hội - các công ty tư nhân đằng sau chúng - kiểm duyệt bài đăng của người dùng, dựa trên điều khoản dịch vụ mà mỗi công ty quy định.
Tại sao cần lọc bài viết trên mạng?
Internet nói chung và các nền tảng truyền thông xã hội nói riêng là nơi thường xuyên lan truyền tin giả về các vấn đề nghiêm trọng như Covid-19, vắc-xin, bầu cử và vô vàn thuyết âm mưu chính trị độc hại khác.
Các công ty lọc bài viết bằng cách nào?
Facebook, Twitter, Instagram và YouTube thường xuyên xóa các bài đăng vi phạm quy định trên nền tảng. Việc xóa bài diễn ra gần như tự động, do trí tuệ nhân tạo (AI) quyết định. Đặc biệt trong thời đại dịch, các công ty ngày càng phụ thuộc vào học máy (machine learning) để kiểm soát nội dung nên dễ xảy ra trường hợp xóa nhầm bài. Rất hiếm khi các nền tảng này cấm người dùng, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn họ cấm người dẫn chương trình radio Alex Jones vì ông này thường xuyên phát tán thuyết âm mưu, có ngôn từ gây thù hận, hoặc họ có thể cấm toàn bộ bài viết liên quan đến một chủ đề nào đó, ví dụ thuyết âm mưu QAnon.
Twitter sẽ dán nhãn các tweet có nội dung gây hiểu lầm hoặc tranh chấp. Ngoài ra, Facebook và Google còn thường xuyên làm việc với những đối tác chuyên xác thực thông tin và kiểm tra các bài đăng đáng ngờ.
Tại sao ông Trump là tâm điểm của cuộc tranh luận này?
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Twitter đóng vai trò như "loa phát thanh" của ông Trump. Facebook lại là lãnh thổ màu mỡ cho chiến dịch phát tán thông tin sai lệch về việc Nga thông đồng với ông Trump. Từ những vụ việc đó, các công ty mạng xã hội bắt đầu bị chỉ trích vì để mặc các chính trị gia "làm càn". Làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng khi ông Trump dùng Twitter đưa những thông tin bị cho sai sự thật.
Họ kiểm duyệt bài đăng của ông Trump như thế nào?
Facebook và Twitter để yên cho ông Trump trong gần hết nhiệm kỳ tổng thống. Đến năm 2020, Twitter bắt đầu dán nhãn tweet của ông là "không có căn cứ". Sau đó, Facebook xóa bài phỏng vấn trên trang của ông Trump vì ông nói "trẻ em phần nào miễn nhiễm với Covid-19".
Đến tháng 10, ba tuần trước khi bầu cử diễn ra, New York Post đưa tin về những bức ảnh và email trên laptop của con trai ông Joe Biden - đối thủ của ông Trump lúc đó. Twitter đã cấm mọi liên kết dẫn đến bài báo trên New York Post và khóa tài khoản của những người chia sẻ tin này. Facebook cũng "bóp" tương tác của bài báo. Trong khi đó, những người theo phe bảo thủ cho rằng các công ty truyền thông xã hội đang muốn dập tắt câu chuyện có thể khiến ông Trump tái đắc cử. Cuối cùng, sự việc lên đến đỉnh điển khi Twitter và Facebook đóng băng tài khoản của ông Trump sau cuộc bạo động ngày 6.1 tại Điện Capitol.
Những người phàn nàn về kiểm duyệt đã làm gì?
Nhiều người theo phe bảo thủ đã chuyển sang Parler - mạng xã hội tự xưng là "nền tảng tự do ngôn luận hàng đầu thế giới". Tuy nhiên, sau cuộc bạo động tại Điện Capitol, ứng dụng Parler bị xóa khỏi App Store, Google Play và chỉ mới được trở lại App Store gần đây. Ông Trump và những người ủng hộ ông đã yêu cầu hủy bỏ Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ - vốn được xem là "lá chắn" bảo vệ các công ty mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý. Điều 230 cũng bị những người theo phe tự do chỉ trích vì cho phép các công ty công nghệ bỏ qua những bài đăng độc hại.
Quyền tự do ngôn luận sẽ ra sao nếu Điều 230 bị bãi bỏ?
Mô hình cơ bản của mạng xã hội - cung cấp một nền tảng cho người dùng đăng bài tự do - có nguy cơ sụp đổ vì những rủi ro pháp lý. Nạn nhân bị quấy rối trên mạng hay bị tung clip "nóng" có thể trực tiếp đòi các công ty bồi thường. Nếu bị đánh giá tiêu cực, chủ nhà hàng cũng có thể làm điều tương tự. Đối mặt với viễn cảnh đó, các nền tảng mạng xã hội phải kiểm soát chặt chẽ hơn bài đăng của người dùng. Đã có những đề xuất tại Quốc hội yêu cầu ngừng bãi bỏ Điều 230. Mặt khác, cũng có người cho rằng nên trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) kiểm soát nội dung trên các mạng xã hội.
Bình luận (0)