Cải tạo chung cư cũ quá chậm

Đình Sơn
Đình Sơn
17/09/2019 06:36 GMT+7

Toàn thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó 13 chung cư bị hư hỏng nặng, có thể sập bất cứ lúc nào, nhưng việc cải tạo chung cư cũ vẫn hết sức chậm chạp.

Nghiêng gần 1 năm vẫn chưa xây lại

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thay thế toàn bộ chung cư cũ nguy hiểm trong năm 2019, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây mới thay thế ít nhất 50% chung cư cũ xây trước năm 1975.
Tuy nhiên, tiến độ thực tế đến nay vẫn rất ì ạch. Đơn cử chung cư 518 Võ Văn Kiệt, Q.1, hồi đầu năm phát hiện nghiêng 45 cm. Khi đó chính quyền đã di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu chung cư này. Nhưng đến nay, Sở Xây dựng chỉ mới kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định phá dỡ khẩn cấp lô E, dù trước đó đơn vị kiểm định đã kiến nghị cơ quan chức năng cần phải có biện pháp giảm tải đi kèm chống đỡ, gia cường khẩn cấp hoặc tháo dỡ một phần công trình để đảm bảo tính mạng con người và những công trình lân cận. Bởi cạnh chung cư này có nhiều nhà dân, các xí nghiệp, trường tiểu học, các lô A, B của chung cư.
Chính Sở Xây dựng cũng nhận định độ nghiêng công trình lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt thực tế đã vượt quá giới hạn cho phép, khó bảo đảm việc sử dụng bình thường của người dân. Trước đó, 100% cư dân (38 hộ gia đình) tại lô E chung cư trên đã đồng ý tháo dỡ, xây dựng lại chung cư mới. Để tránh nguy hiểm cho người dân, mới đây UBND P.Cầu Kho đã phải cho rào lại đường vào chung cư 518 Võ Văn Kiệt và kiến nghị TP sớm có phương án xử lý.
Tại Q.Bình Thạnh, 15 chung cư trong cụm cư xá Thanh Đa cũng có thể sập bất cứ lúc nào, nhưng suốt từ hàng chục năm nay chính quyền nơi đây đã kiến nghị TP có phương án xử lý thì hiện tại mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo UBND Q.Bình Thạnh, 9 năm trước TP đã chấp thuận chủ trương giao Tổng công ty địa ốc Sài Gòn TNHH MTV làm chủ đầu tư xây dựng lại cụm chung cư lô chữ, cư xá Thanh Đa với quy mô 15,12 ha. Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng lại các chung cư này vẫn ách tắc vì nhiều lý do.
Ông Hoàng Song Hà, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết một trong các lý do “tắc” là các văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng đã có sự không thống nhất trong quá trình thực hiện dự án. Như trong văn bản hướng dẫn ngày 13.10.2017, Sở đề nghị thực hiện dự án theo luật Quy hoạch, luật Đất đai, luật Xây dựng, thì đến văn bản ngày 13.6.2019, Sở lại đề nghị thực hiện theo luật Nhà ở.

Kiến nghị tăng hệ số sử dụng đất

Một trong 7 chương trình đột phá TP.HCM đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2020 là sẽ hoàn thành 50% việc cải tạo, sửa chữa 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.
Tuy nhiên cho đến nay, TP.HCM mới chỉ hoàn thành sửa chữa 132/474 chung cư cũ, tương đương 29%. Trong năm 2019, UBND TP.HCM đưa ra kế hoạch cải tạo, sửa chữa 108 chung cư cũ, khởi công và thi công xây dựng 8 chung cư, hoàn tất tháo dỡ 7 chung cư, hoàn thành di dời 729 hộ dân tại 13 chung cư thuộc loại xuống cấp nguy hiểm, phải di dời ngay. Bên cạnh đó, TP cũng đề ra kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư cho 11/15 chung cư thuộc loại xuống cấp nguy hiểm.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM thừa nhận muốn tham gia nhưng bắt tay vào làm mới thấy quá nhiều khó khăn, quá nhiều thủ tục. Theo quy định hiện nay phải tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Tuy nhiên, đa số các căn hộ trong chung cư cũ có diện tích nhỏ. Khi làm căn hộ mới diện tích lớn hơn, người dân phải trả thêm tiền theo giá thị trường. Điều này với họ là rất khó bởi đa số là dân nghèo. Tiếp theo là hệ số sử dụng đất quá thấp, doanh nghiệp làm không có lãi nên ít ai tham gia. Thêm vào đó, thủ tục pháp lý liên quan quá nhiêu khê. “Nhà nước cần hỗ trợ đẩy nhanh về cơ chế, chính sách, tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính. Đồng thời phải hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khâu giải phóng mặt bằng thì mới đẩy nhanh được”, vị này kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng khó khăn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là phải di dời, tái định cư cho người dân để có mặt bằng thi công dự án. Luật quy định phải 100% ý kiến người dân đồng thuận mới tiến hành phá dỡ và cải tạo, nhưng để đạt tỷ lệ này rất khó.
Thay vì phải được sự đồng thuận của 100% cư dân, chúng ta nên quy định khoảng 80% đồng thuận là có thể triển khai dự án, số còn lại cần có phương án cưỡng chế di dời. Bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ phải thương lượng với người dân đến... cùng đường.
Không những vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại khu vực trung tâm, ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ông Lê Hoàng Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.