Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sao cứ mãi 'rút kinh nghiệm' ?

13/11/2019 06:00 GMT+7

Cán bộ, công chức, viên chức làm sai, vi phạm kỷ luật, ứng xử không đúng chuẩn mực thì phải có chế tài nghiêm khắc chứ đừng mãi 'kiểm điểm, rút kinh nghiệm '.

Nhiều bạn đọc cho rằng với những cán bộ, công chức, viên chức làm sai, vi phạm kỷ luật, ứng xử không đúng chuẩn mực thì phải có chế tài nghiêm khắc chứ đừng mãi “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, dẫn đến kỷ luật hành chính bị “lờn thuốc”.
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 24.10, khi người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định (TP.Quy Nhơn) liên hệ làm việc, ông Đoàn Thanh Tú (công chức Văn phòng đăng ký đất đai, thuộc Sở TN-MT) có thái độ, lời nói ứng xử chưa đúng mực và chưa thực hiện đúng trách nhiệm hướng dẫn đối với công dân đến giải quyết thủ tục hành chính... Ngay sau khi nhận được phản ánh, Sở TN-MT tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng công việc đối với ông Tú để xác minh, làm rõ vụ việc và điều động nhân sự dự phòng thay thế công việc của ông này. Sở TN-MT Bình Định cũng tiến hành họp và đưa ra quyết định xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Đoàn Thanh Tú.

“Thật xấu hổ”

Đọc bài viết, bạn đọc (BĐ) Trung Nam (TP.HCM) bức xúc: “Thật xấu hổ khi cơ quan công quyền có những "đầy tớ" như thế này. Dân đóng thuế trả tiền lương cho anh nhưng thái độ của anh đối với họ lại không đúng chuẩn mực của một người công chức. Cơ quan chức năng nên có hình thức xử lý mạnh hơn, nghiêm khắc hơn đối với những cán bộ như thế này”.

Chúng ta đã có pháp luật đầy đủ để trừng phạt nghiêm minh, tùy sai phạm, vì vậy nên bỏ chuyện "rút kinh nghiệm" đi.

Trung Kiên (Hà Nội)

Nghiêm khắc hơn là mức nào, theo BĐ Kế Vân (Đà Nẵng): “Không nên để một công chức thiếu văn hóa ứng xử như ông Tú trong cơ quan công quyền, cũng không nên điều chuyển đến bộ phận nào khác mà nên cho thôi việc. Với cán bộ lãnh đạo, quản lý rút kinh nghiệm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công chức dưới quyền về văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ khi thực thi công vụ, luôn nhớ rằng mình là công bộc của dân khi thực thi công vụ (người hướng dẫn, chỉ bảo và phục vụ nhân dân) như Bác Hồ đã dạy”.
Đồng quan điểm, BĐ Van Dung Vung (TP.HCM) viết: “Có lẽ đây không phải là trường hợp cá biệt trong việc giải quyết và đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính. Nhiều nơi chính quyền địa phương có tâm, làm việc rất sốt sắng hòng tránh gây phiền phức cho người dân khi có việc nhờ đến chính quyền. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi một số bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn cố tình nhũng nhiễu, tư lợi từ những thủ tục mà đáng lý ra người dân phải được phục vụ tận tình, chu đáo... Thiết nghĩ nếu không sớm kiên quyết loại khỏi bộ máy chính quyền những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế thì việc người dân oán thán và mất niềm tin vào chính quyền sở tại sẽ là điều đương nhiên”.

Đừng “rút” mãi “sợi dây kinh nghiệm”

Theo nhiều BĐ, thời gian qua, không ít cán bộ, công chức, viên chức khi bị phát hiện làm sai, vi phạm kỷ luật, có ứng xử không chuẩn mực với người dân thường tự nhận hoặc chỉ bị kỷ luật với hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” khiến người dân bức xúc. BĐ cho rằng cứ làm sai rồi rút kinh nghiệm, cảnh cáo, khiển trách thì đất nước biết khi nào phát triển. “Những cán bộ như vậy nên cho nghỉ hẳn luôn vì có thuyên chuyển họ đi đâu chăng nữa với tính cách như vậy cũng lại như cũ mà thôi”, BĐ Khánh Nguyên (TP.HCM) nêu ý kiến.

Cách chức ngay những kẻ nhũng nhiễu, phiền hà người dân nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin của nhân dân.

Nguyễn Linh (Bình Dương)

BĐ Tân (TP.HCM) nêu thắc mắc: “Không biết những cán bộ đó có học hành trải qua trường lớp thế nào chứ thấy cách xử sự quá kém, rồi cũng lấy sợi dây kinh nghiệm ra rút là xong, nếu là công ty bên ngoài thì bị đuổi việc lâu rồi”. Còn BĐ Hoàng Lâm (TP.HCM) đề xuất: “Chẳng hiểu từ đâu lại phát sinh ra những hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc, phê bình nhắc nhở... Theo tôi, nên bỏ mấy cái hình thức này đi mà cụ thể, rõ ràng hơn, nghiêm khắc hơn như hạ bậc lương, hạ cấp, cách chức, buộc thôi việc, đuổi việc, đền bù, tịch thu tài sản... thì việc kỷ luật mới nghiêm minh”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.