Cần có chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu sản phẩm

13/10/2022 20:40 GMT+7

Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia để giúp hàng hoá Việt Nam nâng cao vị thế khi ra thế giới .

Xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam để đi ra thế giới, để cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài, để tạo thêm giá trị gia tăng cho đất nước, là vấn đề được hầu hết các lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp đề cập trong giải pháp để sản xuất, xuất khẩu tăng tốc trong thời gian tới.

Khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại

Sau dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện rất thành công “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi, phát triển kinh tế”. Doanh nghiệp đã hồi sinh, nền kinh tế cũng đã có phục hồi. Nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực đều rất ngỡ ngàng, khâm phục Việt Nam về tình hình an toàn và phục hồi kinh tế. Các chỉ số Bộ KH-ĐT đưa ra về phát triển kinh tế cũng minh chứng cho thành công của Việt Nam chúng ta.

Tuy nhiên, VCCI cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm xử lý một số nút thắt cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Thứ nhất, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Tài chính là mạch máu cho doanh nghiệp, vì thế, cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng.

Thứ hai, các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó vì thiếu hụt nhân lực. Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau Covid-19 cũng đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực để nắm bắt.

Thứ ba, cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ba vấn đề nêu trên thì hiện nay cơ hội trong 15 FTA của Việt Nam rất lớn. Nhưng qua khảo sát của VCCI thì hầu như chỉ có các doanh nghiệp FDI nắm bắt và khai thác tốt cơ hội, còn doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế. Chúng ta nên có trung tâm thông tin hỗ trợ khai thác các FTA đặt tại Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT hoặc cũng có thể giao cho VCCI để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các cơ hội này. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo kinh tế chiến lược do quá trình phục hồi và phát triển còn dài, thế giới còn nhiều biến động có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp...

Ông Phạm Tấn Công,
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)

Phát triển vùng nguyên liệu lớn cho nông sản

Năm 2022, lĩnh vực xuất khẩu trái cây đón nhận nhiều thông tin tích cực như sầu riêng lần đầu được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bưởi da xanh chuẩn bị đi Mỹ… Thành công này là nỗ lực của cả chuỗi giá trị và cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi nghĩ vấn đề của nông sản Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng không phải là đầu ra, vì nhu cầu thị trường thế giới luôn rất lớn. Vấn đề chính là nguyên liệu đầu vào của mình có đáp ứng được yêu cầu của thị trường không. Như chúng ta biết, tiêu chuẩn an toàn chất lượng đối với nông sản thực phẩm của các nước ngày càng cao, đặc biệt là sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 người ta càng chú ý đến vấn đề sức khỏe hơn. Ngay cả thị trường Trung Quốc bây giờ cũng rất khó với hàng loạt tiêu chuẩn. Chính vì vậy mà việc các nước họ mở cửa cho mình vào chỉ mới là một phần của câu chuyện. Vấn đề là làm sao mình trụ lại được để tồn tại, phát triển và cạnh tranh với hàng hóa các nước.

Bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước như Thái Lan hay Malaysia là cần có một chiến lược quốc gia để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Sản phẩm có thương hiệu thì mới định được giá trị và tiêu thụ thuận lợi. Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cần được xây dựng từ bên trong, làm sao mỗi người Việt Nam đều yêu quý, tin tưởng và tự hào về sản phẩm về thương hiệu của quốc gia mình, từ đó sự lan tỏa đến bạn bè quốc tế và nhờ đó sự phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài cũng đơn giản hơn. Điều người tiêu dùng quan tâm nhất chính là những chất lượng và sự minh bạch thông tin sản phẩm. Nhà nước cần xây dựng những tiêu chuẩn và biện pháp quản lý hiệu quả các vùng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mã số vùng trồng, đóng gói sản phẩm.

Để làm được như vậy, nhà nước và ngành nông nghiệp cần đầu tư nghiên cứu đầy đủ và khoa học về đặc điểm tự nhiên, sinh thái của từng vùng để quy hoạch đối tượng cây trồng vật nuôi cho phù hợp nhất. Trên cơ sở đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu số lượng lớn và ổn định. Có vùng nguyên liệu số lượng lớn và chất lượng cao, sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư thu mua chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ thêm về các chính sách lãi vay để doanh nghiệp có đủ lực đầu tư các nhà máy hiện đại, quy mô lớn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngô Tường Vy,
CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu

Khởi nghiệp số sẽ bùng nổ trong thời gian tới

Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, vì thế doanh nghiệp có thể chưa cần phải thực hiện chuyển đổi số ngay lập tức nhưng phải có tư duy, có ý thức thực hiện việc này.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp thường phải lo “miếng cơm manh áo”, câu chuyện tài chính, nhân lực luôn được quan tâm đầu tiên.

Với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ thấy rằng không chuyển đổi số hôm nay thì mai họ cũng chưa chết, nên chuyển đổi số là mối quan tâm thứ yếu. Với định vị suy nghĩ như vậy thì khả năng là doanh nghiệp và ở đây là các chủ doanh nghiệp chưa tiếp cận đủ thông tin.

Bởi lẽ ngày hôm nay, doanh nghiệp chỉ tập trung lo miếng cơm manh áo, chưa có sự sẵn sàng về chuyển đổi số, ở mức đầu tiên là tư duy, quyết tâm, thì ngày mai, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp và con đường dài hạn cho sự phát triển gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế, phải tích cực truyền thông bằng nhiều kênh, nhiều hình thức để có thể tác động đến chủ doanh nghiệp.

Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình cụ thể hướng dẫn, định hình chuyển đổi số để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp xúc, tìm hiểu, từ đó thay đổi nhận thức, tâm thế và sẵn sàng để chuyển đổi số.

Ông Vũ Tuấn Anh,
Phó tổng giám đốc Công ty Dr SME

Xâm nhập thị trường 12.000 tỉ USD

Ngành xây dựng của Việt Nam đang có bước tiến phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Về kỹ thuật, chúng ta đã làm chủ công nghệ xây dựng hàng đầu thế giới. Nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam có đủ khả năng thay thế nhà thầu nước ngoài. Trình độ của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển và vượt qua trình độ của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế là một nước xuất khẩu vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới, đặc biệt là xi măng và clinker, chưa kể còn có các sản phẩm gỗ. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam còn có lợi thế lực lượng lao động ngành xây dựng dồi dào, năng động, chăm chỉ và không ngừng học hỏi… Bình quân của thế giới chỉ có 3.000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân, tỉ lệ này ở Việt Nam cao gấp 3 lần. Ba yếu tố trên giống như kiềng 3 chân để giúp Việt Nam phát triển ổn định và tự tin vươn ra thế giới. Xuất khẩu xây dựng thành công, nó còn giúp những ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước phát triển ổn định.

Thị trường xây dựng thế giới có giá trị khoảng 12.000 tỉ USD, dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỉ USD, cao gấp 200 lần so với quy mô Việt Nam. Để xuất khẩu ngành xây dựng thành công, cần sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ về thông tin thị trường toàn cầu và xác định đâu là những thị trường tiềm năng, có điều kiện thuận lợi để chúng ta khai thác hiệu quả nhất. Trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương, Chính phủ cần quan tâm về các điều khoản liên quan xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng thầu giống như nhiều ngành khác. Bên cạnh đó là việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái ngành xây dựng và có những chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho ngành này. Đây sẽ là một chặng đường dài và nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cần bắt đầu ngay từ bây giờ với những bước đi cụ thể, bằng không sẽ lỡ mất thời cơ tốt.

KTS Lê Viết Hải,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Xây dựng đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam

Vừa qua, trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần), lợi nhuận rơi vào túi các hãng lớn của nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng. Hiện nay, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm thì việc phát triển đội tàu cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu.

Ngoài ra, vận tải phải liên kết được hàng hóa, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cơ chế cần phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hòa với điều kiện trong nước. Việt Nam là nước xuất nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than 40-70 triệu tấn/năm hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu đó cho đội tàu trong nước (trên cơ sở giá thắng thầu vận tải). Các nước khác như Indonesia, Philipines đều áp dụng cơ chế này.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam

5 kiến nghị để hàng không cất cánh

Hiện nay, ngành hàng không đã phục hồi trở lại, đặc biệt các mảng hàng không có tần suất bay cao. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Mặt khác, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều. Các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát. Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.

Từ thực tiễn và xu hướng phát triển, chúng tôi có 5 kiến nghị. Thứ nhất là việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn.

Thứ hai là đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.

Thứ ba là cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành.

Thứ tư là sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.

Thứ năm là nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…

Ông Phạm Việt Dũng,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam

Cơ hội lớn, thách thức nhiều cho thủy sản

Năm nay, lần đầu tiên chúng ta vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỉ USD đối với thủy sản, tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội của chúng ta còn không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì có một số thách thức đang tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của ngành hàng.

Trước hết là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Chúng tôi mong Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi.

Vấn đề nữa là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Hiện ngành chúng tôi có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các vi phạm về môi trường. Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững nhưng bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra. Các quy chuẩn này không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, nên rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá. Rất mong Bộ TN-MT xem xét có quy chuẩn riêng.

Ông Nguyễn Hoài Nam,
Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.