Cần mạnh dạn bỏ cách dạy tiếng Anh như hiện nay

Lê Thanh
Lê Thanh
25/10/2019 07:03 GMT+7

Có rất nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của bạn trẻ liên quan việc giảm tải, đổi mới nội dung chương trình học tập; đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp tại chương trình 'Thường trực UBND TP.HCM gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2019' diễn ra hôm qua (24.10).

Chương trình do Thành đoàn phối hợp với Hội Sinh viên TP.HCM tổ chức, dưới sự chủ trì của Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Học sinh đang học quá nhiều về lý thuyết

Mai Hải Yến, học sinh (HS) Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), cho rằng: “Bồi dưỡng nhân lực trẻ không chỉ giỏi về lý thuyết mà phải vững cả về thực hành. Thế nhưng, hiện tại HS chúng em còn phải học quá nhiều về lý thuyết. Các tiết thực hành vẫn còn rất ít, chưa thể ứng dụng và giải quyết được những vấn đề của thực tiễn cuộc sống”.
Hải Yến đề xuất: “Em mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư, nâng chất hơn nữa các trang thiết bị thực hành để tạo sự hứng thú cho HS. Chú trọng các tiết học kỹ năng mềm, chứ không chỉ dừng lại ở việc nghe các báo cáo viên rao giảng như hiện nay”.
Tương tự, Nguyễn Lưu Ngọc Danh, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), nói: “Em mong có thêm các tiết học kỹ năng sống thiết thực hơn cho HS. Khi đến lớp HS chỉ được nghe nhưng chưa được thực hành, dẫn đến thiếu sự tương tác”.

Chương trình học tiếng Anh quá nhàm chán

Nói về những bất cập học tiếng Anh tại trường phổ thông hiện nay, Phan Ngọc Thảo Vy, HS Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức), chia sẻ: “Những tiết học tiếng Anh ở trường em thấy vẫn chưa thật sự hiệu quả”.
Cụ thể theo Thảo Vy, ở trường mỗi tuần đều có triển khai tiết học “Tiếng Anh bản ngữ” nhưng học phí quá đắt trong khi lớp học quá đông nên giáo viên không thể nào tương tác được hết với tất cả HS.
“Còn tiếng Anh theo chương trình sách giáo khoa thì cứ lặp lại, gây nhàm chán cho HS. Hơn nữa, cách dạy tiếng Anh hiện nay ở trường thì giáo viên chỉ coi trọng đọc và viết, chưa coi trọng phần nghe và nói. HS vào lớp chỉ được làm đi làm lại các dạng bài tập quen thuộc chứ không có gì mới mẻ cả”, Thảo Vy than thở.
Tương tự, Đỗ Hữu Nhân, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đề xuất: “Bước đầu cần đưa vào giảng dạy ở bậc ĐH giáo trình bằng tiếng Anh, rồi chuyển sang học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này sẽ làm nền tảng giúp cho VN có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai”.

Trường đại học phải có trung tâm khởi nghiệp

Lê Thị Kim Anh, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Những dự án, ý tưởng sau khi kết thúc các cuộc thi liên quan khởi nghiệp sáng tạo thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư, cũng như các cố vấn chuyên môn về khởi nghiệp. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng một nền tảng hoặc ứng dụng để kết nối các dự án, ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư hoặc sở, ngành nào đó để giúp đỡ họ trong gian đoạn khó khăn ban đầu”.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết mục tiêu của TP.HCM là xây dựng thành thành phố thông minh, bền vững không chỉ ở tầm vóc trong nước mà còn mang tầm cả khu vực Đông Nam Á. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. “TP.HCM sẽ luôn lắng nghe và đồng hành với các bạn. Sắp tới, chúng tôi đề xuất ở mỗi trường ĐH phải có một trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp để cho sinh viên tiếp cận, cọ xát những kiến thức mới trước khi bước ra thực tế tránh bỡ ngỡ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.