Việt Nam đang hướng đến mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho người dân (từ 18 tuổi) để đảm bảo miễn dịch chủ động trong cộng đồng.
Yêu cầu hoàn thành tiêm đợt 3 trước ngày 18.6
Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết với vắc xin Covid-19, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vắc xin đã được cung ứng. Với vắc xin được phân bổ đợt 3, các tỉnh cũng đang thực hiện tiêm theo kế hoạch và đã tiêm chủng được khoảng 30% số đã được nhận. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tất cả các địa phương cần hoàn thành tiêm chủng đợt 3 sớm, trước ngày 18.6.
PGS Hồng giải thích: “Việc tiêm vắc xin bao phủ 70% dân số của cả nước phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Trong trường hợp nguồn cung vắc xin dồi dào đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế, bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia. Như vậy, thời gian đạt được mục tiêu sẽ rút ngắn xuống so với chỉ triển khai trong hệ thống Tiêm chủng mở rộng.
14 - 20% có phản ứng sau tiêm
Cập nhật về các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, PGS Hồng cho biết: “Vắc xin Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”.
Đến sáng 17.6, hệ thống y tế đã tiêm gần 1,8 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nhóm ưu tiên và công nhân khu công nghiệp, trong đó, 72.325 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Liên quan đến chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), PGS Hồng cho hay đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc xin, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường. Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay ở Việt Nam nhưng cần được tư vấn đầy đủ.
Đối với những người đã từng mắc bệnh Covid-19, đều có thể tiêm vắc xin Covid-19 sau 6 tháng khỏi bệnh. Tất cả những trường hợp có bệnh nền, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định đều phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng tại bệnh viện.
Để kiểm soát tốt nhất các phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin Covid-19, PGS Hồng lưu ý: “Người đi tiêm chủng cần phối hợp với cán bộ y tế, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử bệnh, các thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng, tiền sử phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước... Sau khi tiêm chủng, cần theo dõi sức khỏe của mình chặt chẽ trong 24 giờ đầu và 2 tuần sau đó. Cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe... thì tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”.
Tỷ lệ tiêm chủng càng cao, nguy cơ lây nhiễm càng giảm
Lý giải về sự cần thiết tiêm bao phủ từ 70% dân số, PGS Hồng cho hay vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Dù vậy, không có vắc xin nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên sau tiêm, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng trên 70% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Vắc xin AstraZeneca có thể bảo vệ với biến thể DeltaNgày 17.6, Bộ Y tế đã phát đi thông cáo báo chí của Công ty AstraZeneca cập nhật về hiệu quả của vắc xin Covid-19. Theo đó, các nghiên cứu đã chứng minh, với 2 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc giảm số ca nhập viện; vắc xin AstraZeneca có thể bảo vệ với biến thể Delta (B.1.617.2, biến thể của SARS-CoV-2 ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ). Phân tích này thực hiện dựa trên 14.019 trường hợp nhiễm biến thể Delta.
|
Các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực từ trên 60 - 95%, vì vậy, WHO khuyến cáo vắc xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chuyên gia về tiêm chủng cũng cho rằng các phản ứng sau tiêm ghi nhận rất khác nhau, có những người sốt cao, đau mỏi, đau bụng, đau đầu nhưng có những người không có biểu hiện phản ứng. Không thể dựa vào đó để đánh giá đã có đáp ứng miễn dịch mà phải thực hiện đánh giá kháng thể bằng các phương pháp xét nghiệm.
Bình luận (0)