Căng thẳng dâng cao ở Trung Đông

16/06/2024 05:15 GMT+7

Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo tạm thời rút cầu cảng kết nối với bờ biển Gaza do biển động, trong lúc Israel và Hezbollah đứng trước nguy cơ xung đột leo thang.

Chỉ một tuần sau khi nối lại hoạt động viện trợ cho Gaza, cầu cảng đã được tàu hải quân Mỹ kéo về cảng Ashdod cách đó khoảng 30 km và thuộc miền nam Israel, theo Reuters dẫn thông báo từ CENTCOM.

Viện trợ bị gián đoạn

Cầu cảng do Mỹ xây dựng được tháo dỡ và kéo về Ashdod nhằm ngăn chặn nguy cơ bị tổn hại do biển động. CENTCOM cho biết sẽ lập tức lắp đặt trở lại cầu cảng một khi tình hình ổn định, nhưng lại không đưa ra thời gian ước tính cho việc tái lắp đặt. "Việc tạm thời di dời cầu cảng được quyết định nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng này có thể tiếp tục cung cấp viện trợ (cho Gaza) trong tương lai", Đài CBS News dẫn thông báo từ CENTCOM.

Hamas gửi tín hiệu sẵn sàng đàm phán ngừng bắn ở Gaza

Cầu cảng với kinh phí xây dựng 320 triệu USD lần đầu được lắp đặt trên bờ biển Gaza vào ngày 17.5, nhưng chỉ hoạt động được khoảng 1 tuần trước khi bị đánh vỡ do biển động. Sau thời gian tiến hành sửa chữa, phía CENTCOM đưa cầu cảng quay lại hoạt động vào ngày 8.6 trước khi tạm thời dỡ cầu hôm 14.6. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, cầu cảng cho phép khoảng 3.490 tấn hàng hóa được đưa đến Gaza.

Trong một thách thức nghiêm trọng hơn đối với nỗ lực chuyển tiếp hàng viện trợ thông qua đường biển cho Gaza, Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) thông báo hoãn việc phân phối nguồn viện trợ đã đến Gaza thông qua cầu cảng vì tình hình an ninh diễn biến phức tạp, AFP đưa tin.

Căng thẳng dâng cao ở Trung Đông- Ảnh 1.

Các binh sĩ Israel chặn đường tại khu vực tên lửa Hezbollah rơi xuống ở miền bắc Israel ngày 14.6

Reuters

Phó giám đốc điều hành WFP Carl Skau xác nhận khó khăn họ phải đối mặt hiện tại không phải là tiếp nhận thực phẩm ở biên giới mà là phân phối trong phạm vi Gaza. "Lương thực và các mặt hàng thực phẩm cơ bản không thiếu, nhưng chúng tôi vô cùng lo lắng về cuộc khủng hoảng an ninh cũng như thiếu nước, tình hình vệ sinh ở các vùng xung đột. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình ở miền nam Gaza", ông Skau cho biết.

AFP dẫn lời quân đội Israel hôm qua cho biết chiến dịch quân sự được tiếp tục ở miền trung Gaza, với các tiêm kích tấn công một hang ổ của lực lượng Hamas ở Zeitun. Giao tranh giữa Israel và Hamas cũng diễn ra ở TP.Rafah thuộc miền nam Gaza.

Liên Hiệp Quốc ủng hộ kế hoạch ngừng bắn giữa Israel và Hamas

Nguy cơ leo thang xung đột Israel - Hezbollah

Trong một diễn biến đáng quan ngại tại khu vực, trang Axios hôm qua dẫn lời hai quan chức Israel xác nhận ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ đến Tel Aviv hôm 17.6 trong nỗ lực ngăn chặn cuộc leo thang gần đây giữa Israel và Hezbollah có thể thăng cấp thành chiến tranh toàn diện.

Cách đó một ngày, Israel điều tiêm kích và triển khai pháo binh tấn công các mục tiêu ở miền nam Li Băng nhằm đáp trả lực lượng Hezbollah phóng hàng chục tên lửa vào miền bắc Israel, theo Reuters. Ngày 14.6, giao tranh ác liệt tại khu vực biên giới hai bên đã trải qua ngày thứ 3, với khoảng 35 tên lửa xuất phát từ miền nam Li Băng về phía khu vực dọc theo thị trấn biên giới Kiryat Shmona của Israel.

Những hình ảnh trên truyền hình Israel cho thấy các khu nhà bị hư hại, xe cộ bị bắn phá xung quanh Kiryat Shmona. May mắn không xảy ra thương vong. Đáp trả, quân đội Israel cho biết đã giáng đòn tấn công vào miền nam Li Băng, và các tiêm kích Israel bắn phá các cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở Odaisseh và Kfarkela.

Hiện cả Israel lẫn Hezbollah không có dấu hiệu muốn xảy ra chiến tranh toàn diện giữa hai bên. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại tần suất bắn phá ở biên giới Israel và Li Băng có thể đẩy tình hình vượt tầm kiểm soát và khiến xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Viễn cảnh xung đột giờ đây "đang trước mắt" và "khó có thể phớt lờ", theo Đài CNN hôm 14.6 dẫn lời ông Heiko Wimmen, Giám đốc dự án về Iraq, Syria và Li Băng thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (trụ sở Bỉ). 

Quân đội Mỹ tấn công radar của Houthi ở Yemen

AFP dẫn thông báo của CENTCOM cho biết lực lượng này trong vòng 24 giờ tính từ hôm qua (giờ VN) đã phá hủy hai tàu nổi không người lái, 1 máy bay không người lái của lực lượng Houthi trên biển Đỏ. CENTCOM cũng vô hiệu hóa 7 radar trên lãnh thổ Yemen đang bị Houthi kiểm soát. Đây là nhóm radar dùng định vị mục tiêu là các tàu di chuyển qua hành lang hàng hải trên biển Đỏ. Vụ tấn công được CENTCOM triển khai sau khi một tàu hàng mang cờ Liberia và thuộc sở hữu Hy Lạp trên biển Đỏ trúng đòn tấn công của Houthi hôm 12.6, khiến một thủy thủ mất tích và phần còn lại của thủy thủ đoàn được sơ tán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.