Hơn 11 giờ trưa, dưới cái nắng rát da thịt ở vùng biển Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), ông Trần Văn Thẩn (66 tuổi) quần áo lấm lem, đôi tay mốc thếch với không biết bao lớp xi măng ăn mòn qua năm tháng, đạp xe về nhà tranh thủ ăn chút cơm với cá mặn để chiều tiếp tục đi làm phụ hồ. Ở cái tuổi đáng lý phải được nghỉ ngơi, nhưng ban ngày dang nắng, dầm mưa đi làm thuê làm mướn, tối về ông Thẩn lại lủi thủi ra biển lượm ốc, bắt tôm để sáng hôm sau bán được vài đồng có tiền đi chợ mua cá, mua mắm nuôi cháu ăn học.
Thương ông nội tần tảo, Đoàn Nguyễn Thái Lộc, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), luôn nỗ lực hết mình trong việc học, nhưng đến ngưỡng cửa quan trọng nhất của đời học sinh, cậu học trò nghèo lại thấy lo sợ. Lộc sợ sẽ đứt gánh giữa đường, sợ không thể tiếp tục theo đuổi được việc học sau 12 năm nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Áo quần xin về mặc, dép hư vẫn mang đến trường
Từ lúc Lộc được 5 tuổi, đời sống hôn nhân lục đục rồi mẹ bỏ đi biệt tăm, ba sau đó cũng có hạnh phúc mới và không ai chu cấp cho Lộc. Từ khi mẹ bỏ đi, Lộc được ông bà nội đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Cuộc sống bắt đầu túng khó kể từ khi bà nội đổ bệnh, chỉ còn một mình ông đi mò cua, bắt ốc lo cho cả gia đình.
Thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng không việc gì là ông Thẩn không làm. Chỉ cần không phạm pháp, bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền, ai kêu gì ông cũng không từ chối.
"Ban ngày có hôm đi phụ hồ, không thì ai mướn gì mình làm nấy. Tối về tranh thủ ra biển lúc nước rút rồi lội bộ khoảng gần 2 km để lượm ốc. Tùy theo con nước, có khi đi từ 9, 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau mới về. Hôm nào nhiều nhất thì về bán được trăm mấy, còn không thì mười mấy hoặc 20.000 đồng. Có khi còn không có để bán, chỉ được ít thì mang về luộc rồi để ăn dần", ông Thẩn kể.
Tôi hỏi: "Cả ngày đi làm vất vả như vậy, tối còn thức cả đêm để lượm ốc thì chịu sao thấu?", ông Thẩn thở dài rồi nói: "Cũng mệt nhưng phải ráng chứ biết làm sao giờ. Đi lượm ốc để đặng kiếm thêm chút tiền sáng còn mua cá mua mắm mà ăn chứ. Ban ngày nếu lúc nào mệt quá thì xin chủ thầu cho nghỉ chút xíu rồi làm tiếp, chứ cũng không dám bỏ mà về vì sợ mất việc".
Hiểu hoàn cảnh của gia đình, Lộc chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì. Hôm chúng tôi đến, Lộc đi bế giảng năm học về, đế giày đã sắp tách thành đôi nhưng cậu học trò vẫn mang như vậy. "Sáng nay lúc chuẩn bị đi bế giảng em mới phát hiện đôi giày đã hở hết phần đế nhưng em ráng mang. Trưa về em sẽ mua keo dán lại", Lộc nói.
Hỏi Lộc: "Hở hết như vậy rồi sao em mang được?". "Em quen rồi. Vì đôi này đã hư mấy lần rồi, em toàn mua keo về dán lại để dùng tiếp. Vì nếu mua giày mới sẽ tốn tiền lắm ạ", Lộc trả lời cứ nhẹ tênh như chuyện thường ngày nhưng sao chúng tôi nghe mà nhói lòng.
Bà Lê Thị Thật, bà nội của Lộc, kể thêm: "Hoàn cảnh thế này nên cháu không đòi hỏi gì hết. Giày mua loại dỏm nên cứ hư suốt, quần áo vì không có tiền sắm nên đi xin đồ cũ về, nhiều cái thun giãn hết thì tôi sửa lại cho Lộc mặc đỡ".
Nỗi sợ "đứt gánh giữa đường"
Mỗi ngày đến trường, bữa sáng của cậu học trò nghèo hiếu học là cơm nguội hoặc mì gói. Một tuần có 7 ngày nhưng Lộc cho biết 6 - 7 ngày là ăn mì gói rồi. Nhưng với cậu học trò, được đi học là điều may mắn nhất nên dù ăn gì cũng thấy ngon.
"Đợt rồi phải đóng hơn 1 triệu đồng để ôn thi tốt nghiệp nhưng em không có tiền nộp. Cũng may là có 2 phụ huynh của bạn cùng lớp biết được hoàn cảnh nên đã cho tiền em đóng. Mỗi phụ huynh cho được 500.000 đồng", Lộc kể.
Chặng đường theo đuổi sự học của Lộc chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là những khi chứng kiến ông nội dang nắng dầm sương để lo cho mình, từ trong sâu thẳm đã có lúc cậu học trò nghĩ đến chuyện nghỉ học. Lộc tâm sự: "Thấy ông vất vả quá, em muốn nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng nếu giờ nghỉ học cũng không biết làm gì khi không có bằng cấp, chính vì thế em dặn lòng phải quyết tâm theo đuổi việc học đến cùng".
Bà nội của Lộc chạnh lòng nói: "Suốt mấy tuần nay cứ hay nói với Lộc rằng thôi bây giờ ông nội cũng già yếu rồi, con đi kiếm công việc gì đó để làm. Chứ nếu học tiếp thì không có tiền để đóng. Mà thấy Lộc im lặng không nói gì, tôi biết cháu rất muốn được đi học nên mới vậy. Chỉ sợ 2 thân già này lo không nổi chặng đường sắp tới rồi cháu mình dở dang việc học mất thôi".
Cô Huỳnh Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THPT Cần Thạnh, cho biết Lộc là học sinh giỏi luôn đứng tốp đầu của lớp và rất ngoan hiền, đặc biệt nghị lực vươn lên rất đáng ngưỡng mộ. "Khi chọn ngành, chọn trường, Lộc có tâm sự là em chỉ dám chọn sư phạm thì mới mong có thể học đại học. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể lo được chặng đường phía trước nên em tự kiếm cho mình một trường miễn giảm học phí để có thể theo đuổi việc học. Có những em thấy hoàn cảnh gia đình như vậy sẽ nản và bỏ cuộc, nhưng Lộc thì ngược lại, rất cố gắng vươn lên", cô Tuyết nhìn nhận.
Dù có định hướng sẽ chọn học ngành sư phạm với mong muốn không tốn học phí, nhưng Lộc vẫn rất lo sợ: "Em sợ sẽ "đứt gánh giữa đường". Sợ đang học giữa chừng mà không có tiền lo việc học, rồi tiền ở trọ, ăn uống…".
Nhìn những tấm giấy khen suốt 12 năm của cháu nội rồi nghĩ đến chặng đường phía trước mà ông Thẩn nước mắt chảy ngược vào trong. Ông cũng lo như chính nỗi sợ của Lộc: "Sợ tôi lo không nổi rồi cháu phải nghỉ học giữa chừng. Vì đâu phải ngày nào cũng có công việc để làm, đi bắt ốc thì bữa có bữa không. Hôm nào cũng được trăm, trăm mấy thì tốt quá rồi, đằng này có bữa không được gì, nên sắp tới sợ không lo nổi cho cháu học tiếp".
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Đoàn Nguyễn Thái Lộc, lớp 12A2 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Đoàn Nguyễn Thái Lộc; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Đoàn Nguyễn Thái Lộc trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)