Chàng họa sĩ yêu mãnh liệt thành phố 'trong sương'

07/08/2022 06:03 GMT+7

Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nhưng họa sĩ Đàm Thiệu Minh lại có một tình yêu đặc biệt với Đà Lạt.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, lo sợ một ngày những vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc nhất của vùng đất này sẽ dần mất đi, vì thế chàng trai đã lưu giữ nét đẹp của Đà Lạt trong những bức tranh của mình.

Là một họa sĩ trẻ, Đàm Thiệu Minh (28 tuổi) không chọn những khung cảnh đẹp nổi tiếng mà bất cứ du khách nào cũng phải nhắc đến khi nói về Đà Lạt, anh chàng chọn những góc riêng để sáng tác. Góc riêng ấy chính là những vùng ven đô thị với vẻ đẹp mộc mạc và bình dị nhất.

Đắm mình vào triền dốc thông reo và núi đồi lộng gió

Đến với buổi triển lãm tranh Những mùa nhớ của họa sĩ trẻ Đàm Thiệu Minh, mọi người khá ngạc nhiên khi “gia tài” những bức tranh đặc sắc của Minh đa phần đều vẽ về thành phố ngàn hoa.

Thiệu Minh lúc đầu vẽ bằng sự ngẫu hứng, vì bị thu hút bởi thiên nhiên còn nguyên sơ nhưng đầy sức quyến rũ. Lâu dần, anh bắt đầu yêu những khung cảnh ấy và đặt nhiều tình cảm để trở nên gắn bó, rồi chìm đắm lúc nào không hay. Rất nhiều tác phẩm đặc sắc về Đà Lạt đã ra đời sau chuỗi ngày chàng họa sĩ trẻ rong ruổi khắp chốn ở thành phố cao nguyên xinh đẹp này.

Minh muốn lưu giữ lại những vẻ đẹp mộc mạc nhất của Đà Lạt bằng tranh

NVCC

Anh ký họa tất cả những gì bị thu hút vào tầm mắt rồi về vẽ lại, hoặc trực họa tại chỗ ngay giữa núi đồi lộng gió. Đó là hình ảnh những bậc thang cũ bên triền dốc thông reo, hay những mái nhà lúp xúp nhuộm màu hoàng hôn, và đặc biệt nhất là cả phố núi thu nhỏ trong sắc màu lung linh, huyền ảo của bộ 3 tác phẩm Đêm Đà Lạt…

Yêu Đà Lạt như bao lữ khách đã từng yêu thành phố trong sương này, Đàm Thiệu Minh bắt đầu nghĩ đến những điều xa hơn. Anh muốn lưu giữ lại vẻ đẹp mộc mạc nhất của thiên nhiên, trước khi chúng biến mất vì tốc độ của đô thị hóa.

Và thực tế rất nhiều bức vẽ của anh bây giờ đã mang một giá trị khác, khi hiện thực không còn hình ảnh nguyên sơ ấy nữa. Đó là khung cảnh gần một quán cà phê khá nổi tiếng trên đồi dốc, giờ đã bị thay thế bằng công trình khác. Hay một góc hàng thông nắng rọi tuyệt đẹp, giờ cũng không còn nữa… Đàm Thiệu Minh bắt đầu ý thức hơn về trách nhiệm của một người họa sĩ không chỉ vẽ lại những gì mình cảm nhận, mà còn để lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên bao người yêu mến.

“Không phải là những cảnh đẹp nổi tiếng, mà đó là những góc cảnh đơn sơ nhất, bởi vùng đất đó không cần tô điểm gì mà nó đẹp lên nhờ sự tự nhiên nên mình vẽ để bảo tồn những vẻ đẹp của tự nhiên ấy. Cũng giống như khi mình thấy một cái gì đó rất đẹp mà nó lại đang trong sự tàn phá quá nhanh, thì mình muốn làm một điều gì đó để lưu giữ lại. Nó là tình yêu, giống như tình yêu đơn phương của người nghệ sĩ với những cảnh vật đó”, Thiệu Minh bộc bạch.

Bạn trẻ thích thú thưởng thức những bức tranh về Đà Lạt của chàng họa sĩ TP.HCM

Nữ Vương

Đấu giá tranh giúp đỡ trẻ mồ côi vì Covid-19

Đàm Thiệu Minh tự nhận mình là một họa sĩ “bên ngoài gai góc, bên trong… rất mềm”. Điều này cũng thể hiện rất rõ qua những sáng tác của anh. Người xem tranh có thể cảm nhận được lối vẽ gai góc qua những nét cọ mạnh nhưng màu sắc, mảng miếng lại rất ngọt ngào theo phong cách hậu ấn tượng.

Thiệu Minh cho biết đến với nghề họa sĩ như một cái duyên và đam mê đã “ăn vào máu” từ lúc còn nhỏ: “Lúc nhỏ mình rất hay vẽ, nhưng toàn đúng nghĩa là phá hoại không à. Vì mình vẽ bậy khắp nơi trong sách vở, trên bàn và trong lớp học nên toàn bị mời lên giám thị suốt thôi. Mãi cho đến khi tốt nghiệp THPT, cảm thấy hình như mình sinh ra là để đi theo vẽ, mặc dù mình có nhiều đam mê như đá bóng, nhưng suy nghĩ lại cái chân không bằng cái tay, cái tay mình làm được nhiều thứ hơn nên đã theo nghề này đến giờ”.

Thiệu Minh giới thiệu với bạn trẻ về bức tranh Lady Vi mà anh dành tặng để bán đấu giá hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

NỮ VƯƠNG

Một điều rất ấn tượng ở Thiệu Minh đó chính là những điều ý nghĩa mà anh chàng hướng đến trong những tác phẩm của mình. Và mới đây, trong buổi triển lãm tranh cá nhân đầu tiên, Thiệu Minh đã quyết định dành tặng bức tranh Lady Vi được sáng tác ngay trong chính thời điểm đại dịch để đấu giá giúp đỡ cho trẻ mồ côi vì dịch Covid-19.

Chia sẻ về lý do vẽ bức tranh, Thiệu Minh bày tỏ: “Lúc dịch, điều đầu tiên mình cảm nhận được là cô độc, cảm giác như bị chôn vùi tại chính nơi thân thương của mình và như bị thiếu mất một điều gì đó. Nên mình muốn mượn hình ảnh người con gái này, cũng là người yêu cũ của mình để nhắc chính bản thân và mọi người ở thời điểm đó là khi chúng ta mất đi điều gì đó rồi mới biết được thế nào là ngọt ngào, thế nào là đau đớn và sự sợ hãi”.

Bà Dương Như Thảo, Giám đốc điều hành Học viện Nghệ thuật Serenade, cho biết: “Nếu nói “tranh là người” thì ở những tác phẩm của Minh, có thể thấy rất rõ những mảng gai góc từ ấn tượng đầu tiên, nhưng càng ngắm sẽ càng thấy ẩn sau từng bức vẽ là một tâm hồn đầy lãng mạn và mộng mơ. Không chỉ vậy, điều đáng quý ở một họa sĩ trẻ như Đàm Thiệu Minh chính là ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi anh không chỉ vẽ để thỏa mãn cái tôi nghệ thuật của mình mà còn gắn với trách nhiệm bảo tồn những giá trị đẹp nhất của thiên nhiên và còn chia sẻ những gì mình có được với cộng đồng”.

Gương mặt của cô gái trong tranh toát lên vẻ hoảng hốt, đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người ở thời điểm đó, với mong muốn nhanh chóng thoát ra được cuộc sống của hiện tại. Thiệu Minh chọn gam màu chủ đạo là đỏ, xanh và vàng gợi nhắc về những vùng đỏ, vùng xanh, vùng vàng trong lúc đại dịch. Nhưng những gam màu này lại vừa thể hiện được sự ngọt ngào, vì dù ở vùng đỏ hay vùng vàng, chúng ta vẫn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ mọi người.

Với những ý nghĩa của bức tranh và điều mà chàng họa sĩ trẻ muốn hướng đến, bức tranh ngay sau khi đấu giá đã được một Việt kiều Mỹ là anh Johnny Trung Đỗ mua với giá 2.000 USD. Tất cả số tiền này, Thiệu Minh gửi tặng cho các trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thiệu Minh cho biết sẽ sáng tác nhiều tác phẩm đặc sắc, để dành tặng bán đấu giá giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.