Gây quỹ
Phạm Tiến Sản không chỉ đạt nhiều thành tích trong thi đấu thể thao mang lại niềm tự hào cho Việt Nam mà còn là chàng trai vì cộng đồng, khi anh luôn lan tỏa tinh thần tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe.
Anh đã tham gia một hành trình chạy bộ đầy nhân ái mang tên “Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt” góp phần gây quỹ được hơn 1 tỉ đồng cho Quỹ từ thiện Operation Smile tại Việt Nam, phẫu thuật cho 99 ca hở hàm ếch thành công tại Thái Nguyên.
Chia sẻ về hành trình này, anh Sản cho biết chương trình xuất phát từ ý tưởng của anh Nông Văn Chuyền, một chàng trai người dân tộc Tày khá có tiếng trong làng chạy phong trào Việt Nam. Đây là hành trình được thực hiện với mục tiêu chạy bộ suốt chiều dài của đất nước trong thời gian nhanh nhất, qua đó góp phần tăng cường giao lưu, truyền cảm hứng rèn luyện sức khỏe và ủng hộ các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Anh Phạm Tiến Sản đã vinh dự 10 năm liền nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và nhiều năm được nhận bằng khen của Bộ VH-TT-DL. Anh vừa được T.Ư Hội LHTN Việt Nam xét tặng Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2020.
|
“Chương trình có lộ trình từ Lạng Sơn đến Cà Mau, chạy qua 20 tỉnh thành, bắt đầu từ 10.6. Nhóm của tôi có 10 người, thay nhau chạy liên tục trong hơn 251 giờ và đã hoàn thành quãng đường hơn 2.600 km đến đích chỉ trong 11 ngày, vượt kế hoạch dự kiến 1 ngày”, anh Sản chia sẻ.
Để hoàn thành kế hoạch, anh Sản cho biết đã trải qua rất nhiều khó khăn. Quyết định tham gia chạy xuyên Việt là khá liều lĩnh, vì trước đó anh bị chấn thương. Đồng thời, việc mỗi ngày chạy trung bình khoảng 30 km vào các khung giờ khác nhau thật sự là một thử thách. Vì các giờ chạy thay đổi liên tục, khi thì chạy đêm khuya, lúc chạy giữa trưa…
“Khi nhận lời tham gia, tôi thấy chạy 30 km mỗi ngày thì cũng như tập luyện hằng ngày thôi, nhưng thực sự vào cuộc mới thấy gian nan, vì có những hôm trời nắng nóng đến hơn 45 độ C mà phải chạy 30 km trên quốc lộ”, anh Sản kể.
“Sợ” nhất đối với anh là chặng chạy trên địa phận tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Cái nắng nóng miền Trung cháy da cháy thịt vào giữa tháng 6 như muốn “nuốt sống” chàng trai trẻ. Anh phải thấm khăn ướt trùm lên đầu và đội mũ rộng vành trông như một... gã dở. Quần áo lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi nhưng anh lại phải quấn khăn quanh cổ để bảo vệ đường hô hấp.
“Trong 10 vận động viên tham gia hành trình, có 8 người chạy, còn 2 người đi theo dự phòng. Chúng tôi chia thành từng cặp hỗ trợ nhau. Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, có lúc đội hình bị chia rẽ và hoang mang vì chưa đạt được kế hoạch. Sau đó, chúng tôi chia lại, cứ một người khỏe kèm một người yếu hơn. Tôi là vận động viên nên có hôm chạy giúp đồng đội, lên tới 40 km mỗi ngày”, anh Sản chia sẻ.
Nỗ lực vì cộng đồng
Trong suốt hành trình chạy bộ, có một động lực lớn giúp anh và đồng đội vượt qua khó khăn thử thách để về đích, chính là sự hưởng ứng của cộng đồng. “Khi đến Quảng Bình, Quảng Trị, thực sự tôi đã xuống sức, nhưng biết tin có doanh nghiệp ủng hộ kinh phí cho 10 ca phẫu thuật, tôi xốc lại tinh thần để chạy tiếp”, anh Sản kể. Đặc biệt, suốt hành trình xuyên Việt này, anh và đồng đội đã được người dân tiếp sức, khích lệ tinh thần. Có những đoàn đi ô tô, xe máy theo các anh hơn 100 km để phục vụ nước uống, trao quà...
Điều anh tâm đắc nữa là trên hành trình này, anh đã truyền được cảm hứng về việc rèn luyện sức khỏe cho nhiều người dân. Có những người chưa bao giờ chạy bộ giờ đã đam mê việc chạy mỗi ngày. Anh kể: “Có một người dân ở Phú Yên đã chạy theo tôi để quay phim, chụp ảnh. Anh bảo chưa bao giờ chạy cả, nhưng thấy tôi chạy hành trình này, anh đã nhận ra tác dụng của việc chạy bộ. Từ hôm đó đến nay, ngày nào anh cũng chạy. Có hôm chạy tới 16 km”. Cũng từ hành trình này, anh Sản đã kết nối, giao lưu cộng đồng chạy bộ gần 30 tỉnh thành của Việt Nam.
Chia sẻ về bản thân, anh Sản cho biết anh sinh ra ở xã Ngọc Thiện (H.Tân Yên, Bắc Giang), là con thứ 3 trong một gia đình bố mẹ là nông dân. Ngay từ nhỏ anh đã thích chạy bộ. “Cứ 5 giờ sáng, bố tôi đã gọi dậy chạy quanh làng, khiến chó sủa ầm ĩ. Trời tối lắm, tôi lại sợ ma nên vừa chạy vừa cầm đèn pin”, anh Sản kể. Rồi sau mỗi lần chạy về anh thấy mình khỏe mạnh, minh mẫn hơn, nên thành đam mê. Là vận động viên đội tuyển điền kinh tỉnh Bắc Giang từ năm 2009 đến nay, đã 5 lần anh Sản đạt vô địch quốc gia và giành 3 huy chương bạc ở các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Phạm Tiến Sản cũng là người đầu tiên trong lịch sử đã mang về cho Bắc Giang tấm huy chương vàng tại giải vô địch điền kinh quốc gia.
Hiện tại, không chỉ tập luyện và thi đấu, anh tích cực tham gia vận động ra mắt, duy trì và phát triển hoạt động của CLB Chạy bộ đường dài. Dù CLB mới đi vào hoạt động được 1 năm, nhưng đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn lành mạnh, bổ ích đoàn kết và tập hợp đông đảo các cá nhân, tập thể yêu thích hoạt động chạy bộ đường dài, rèn luyện sức khỏe.
“Tôi mong muốn vận động được nhiều người tham gia rèn luyện sức khỏe và mong sẽ mang những công sức nhỏ bé của mình đóng góp cho cộng đồng”, anh Sản bày tỏ.
Bình luận (0)