Chàng trai đi bộ xuyên Việt trong 82 ngày với 0 đồng: 'Người thân nói tôi điên'

18/11/2022 10:12 GMT+7

Một chàng trai trẻ 21 tuổi đã quyết định thực hiện thử thách để đời mà theo cách nhìn của nhiều người thì đó là chuyến đi 'hành xác'.

Trịnh Dương Linh check-in ở điểm đầu (Lũng Cú) và điểm cuối (Cà Mau) trong chuyến đi xuyên Việt của mình

NVCC

Chỉ cách đây vài ngày, Trịnh Dương Linh còn đang sải từng bước chân để vượt qua thử thách 82 ngày đêm (kết thúc vào ngày 13.11.2022) dãi nắng, dầm mưa trên những cung đường núi đầy sỏi đá, hay lầy lội giữa mùa bão ở miền Trung.

Với hành trang đơn giản là một chiếc ba lô, Trịnh Dương Linh vừa hoàn thành hành trình đi bộ xuyên việt từ Lũng Cú (Hà Giang) đến đất mũi Cà Mau. Đặc biệt hơn, chàng trai trẻ sinh năm 2001 đã chinh phục hơn 3.000 km từ Bắc vào Nam mà không có một đồng nào trong túi.

Sướng không chịu lại thích "hành xác"

Trịnh Dương Linh với khuôn mặt có phần hao gầy, đen nhẻm thấy rõ so với khi chưa thực hiện chuyến hành trình, nhớ lại: “Thực ra, em đã nung nấu ý định đi xuyên Việt từ 3 năm trước, khi vừa hoàn thành xong chương trình học phổ thông. Vừa rồi, khi sắp xếp được thời gian là em tranh thủ thực hiện chuyến đi để đời của mình liền”.

Linh vốn là con trai một trong một gia đình khá giả có 2 chị em ở vùng quê Cà Mau. Thương con còn không hết, ít ai lại để cho đứa út cưng của mình đi "bụi đời" mấy tháng liền với "động cơ chạy bằng cơm" (đôi chân) và còn không có tiền. Ý tưởng của Linh ngay lập tức đã nhận phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình. “Chị hai nói em bị điên hay gì, ở nhà sướng không thích lại thích đi dang nắng. Còn ba mẹ cũng không đồng ý, thắc mắc tại sao phải đi hành xác như vậy, chịu khổ như vậy đâu có nghĩa gì”, Trịnh Dương Linh kể.

Trịnh Dương Linh đi bộ liên tục trong 82 ngày, mỗi ngày trung bình từ 40-60 km, có ngày đi nhiều nhất hơn 70 km

NVCC

Nói là làm, bất chấp sự phản ứng từ gia đình và nhiều người xung quanh, Linh vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi của mình. “Biết là dù có thuyết phục bằng lý lẽ gì đi nữa thì người thân cũng khó có thể hiểu, nên em quyết định làm liều đi luôn. Em đã suy nghĩ rất nhiều, chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này rồi, nên phải làm cho bằng được. Hơn nữa, em cũng có những mục tiêu rất rõ ràng, đó là: rèn luyện tính kiên nhẫn; tìm hiểu về văn hóa, con người ở các vùng miền Việt Nam; đúc kết những trải nghiệm để viết một cuốn sách và cuối cùng là muốn tạo nguồn cảm hứng cho ai đó”, chàng trai 21 tuổi chia sẻ.

Học xong cấp 3, Trịnh Dương Linh đậu một trường đại học ở TP.HCM. Tuy nhiên, chàng trai sinh năm 2001 chỉ học được kỳ đầu tiên trước khi quyết định bỏ vì thấy mình không phù hợp.

Sau đó, Linh dành thời gian để học các lớp kỹ năng kinh doanh, phát triển bản thân cũng như chuẩn bị về mặt sức khỏe, kiến thức cho chuyến đi xuyên Việt.

Hiện tại, Trịnh Dương Linh đang làm công việc tự do.

Suýt “ăn” bánh xe container vì ngủ ngoài đường

Trước khi thực hiện chuyến đi, Trịnh Dương Linh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Chàng trai thuộc thế hệ Gen Z (nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2012) này đã tìm hiểu từ mạng internet, tập GYM, tập chạy bộ để nâng cao sức khỏe, sức bền, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tham gia nhiều lớp học kỹ năng sống để làm hành trang cho thử thách xuyên Việt của mình.

“Có những nguyên tắc em đặt ra trong hành trình này là chỉ đi bộ và chạy bộ, một khi lên xe có nghĩa là kết thúc, không được dùng tiền, không nhận tiền của ai cho, chỉ nhận đồ ăn nước uống và xin chỗ tá túc. Em chỉ đi một mình, đường thì dài và có những nguyên tắc như vậy nên cũng gặp vô vàn khó khăn, thử thách trong chuyến đi”, Trịnh Dương Linh nói.

Nụ cười luôn trên môi của Trịnh Dương Linh dù nắng hay mưa

NVCC

Linh cho biết quãng đường khó khăn nhất đối với bản thân chính là khi mới bắt đầu chạy và lúc gặp phải thời tiết mưa bão ở miền Trung.

“Những ngày đầu chạy trên địa hình dốc núi phía Bắc thật sự rất khó khăn. Khi trải qua 200 km đầu tiên thì chân em bị phồng lên, rất đau, còn cái đầu gối thì như không thể đi nổi nữa rồi. Sau 7 đến 10 ngày thì cơ thể bắt đầu quen dần và em thấy ổn hơn. Tuy nhiên, khi đến Quảng Trị thì em cảm nhận được sự khắc nghiệt vì miền Trung đang vào mùa mưa bão. Tầm đầu tháng 9, em mặc áo mưa đi và chạy cả ngày. Nước ứ trong giày khiến bàn chân bị nứt, gối mỏi. Sau một đêm, em phải chống 2 tay mới đứng dậy nổi và tiếp tục đi. Lúc đó, em nghĩ sự nhiệt huyết của tuổi trẻ chính là lý do duy nhất thôi thúc mình không bỏ cuộc”, chàng trai quê Cà Mau bộc bạch.

Khó khăn, mệt mỏi mấy cũng có thể vượt qua, nhưng có một sự cố khiến cho Trịnh Dương Linh suýt phải bỏ dở hành trình của mình. “Lúc đi qua Ninh Bình, trời đã tối nhưng em chưa tìm ra nhà dân nào để xin tá túc. Dọc đường quốc lộ có một mái hiên, em tạt vào đó, mặc áo mưa để giữ ấm và trải miếng bạt nhỏ lót dưới đất rồi nằm ngủ luôn. Sau đó, có chiếc xe container chạy ngang qua bị nổ lốp, không biết từ đâu, nguyên cái bánh xe tông thẳng vào phía em. May mà có vật chắn nên cái bánh xe đổi hướng và chỉ lướt qua, cách em vài mét. Từ đó, em không dám ngủ ngoài đường nữa. Có nhiều hôm em không tìm được nhà người dân thì ngủ ở cây xăng, hoặc xin vào quán cà phê võng, quán cơm nào đó có mái che để ngủ nhờ”, Linh nhớ lại.

Cảm nhận được tình người ấm áp

Trịnh Dương Linh đi xuyên Việt nhưng không mang một đồng nào trong người, cũng không nhận tiền từ bất cứ ai. Để hành trình của mình được trọn vẹn, chàng trai 21 tuổi này chỉ biết nhờ vả. Mà nhờ ai, đương nhiên là chỉ có thể nhờ “người dưng nước lã”. Nhưng, chính những người không thân không thích mà Linh tình cờ gặp trong hơn 3.000 km đã giúp chàng trai này có thể dõng dạc thốt lên: “Em không sút kí lô nào”, sau 82 ngày đi “bụi đời”.

“Trong suốt hành trình, em ăn uống, ngủ nghỉ đều nhờ người dân ở dọc đường. Em không nghĩ là có nhiều người sẽ sẵn sàng giúp đỡ mình như vậy. Có người khi nghe em kể chuyện thì họ tỏ ra ngưỡng mộ nghị lực của mình nên mến khách và đối đãi với em rất tốt. Thậm chí, khi em đang đi bộ thì có người còn chạy tới tốt bụng mời em vào nhà để nghỉ ngơi vì phía trước mấy chục cây số không có nhà dân. Sau đó, người ta còn cho em thêm bánh và những thứ lặt vặt để ăn dọc đường”, Linh nhớ lại.

Linh nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để hoàn thành chuyến hành trình của mình

NVCC

“Thật sự, chuyến đi này đối với em là quá mãn nguyện. Em đã trải nghiệm được nhiều thứ trong cuộc sống. Em cảm thấy hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Em cảm thấy người Việt mình sao mà giàu lòng yêu thương, ấm áp như vậy. Em thực sự rất biết ơn và nhân đây cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người đã giúp đỡ mình trong quá trình chuẩn bị cho đến khi hoàn thành chuyến đi. Đặc biệt là những người dân dọc đường đã không ngần ngại cho em được tá túc, nếu không có họ thì chắc chắn em không thể hoàn thành hành trình này được”, Trịnh Dương Linh bày tỏ.

"Tôi biết đến Linh và hành trình của em ấy thông qua một diễn đàn. Tôi ngỏ lời mời Linh vào nhà mình nghỉ ngơi khi đi ngang qua Cần Thơ. Tôi nói để tôi lấy xe ra đón rồi sẽ chở lại ra đúng điểm đó để đi tiếp nhưng em ấy không chịu. May là nhà tôi gần đường lớn, lúc em ấy đi bộ tới cũng đã 21 giờ rồi. Lúc đó, Linh đã mệt lả người. Tôi dọn cơm để Linh ăn cùng với cả nhà mình và sau đó sắp xếp chỗ cho em ấy ngủ.

Thật sự rất ngưỡng mộ Linh. Em ấy có những thứ mà mình cần phải học hỏi trong cuộc sống, về việc đặt mục tiêu và làm cho bằng được. Có thể nhiều người không hiểu rằng em bỏ thời gian đi bộ để làm gì, nhưng mình hiểu được. Em muốn rèn luyện tính kiên trì và đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống. Và chỉ có cách tự đi, đi bộ như vậy thì mới nhìn nhận được nhiều giá trị".

Chị Lê Thị Thúy Vi, 33 tuổi, Cần Thơ

"Khi đi đón con thì tôi tình cờ gặp Linh trên đường. Lúc đó, em ấy đang đi trái đường, tôi thấy lạ nên bắt chuyện. Nói chuyện một hồi thì mới biết Linh có ý định đi xuyên Việt. Tôi có thành ý muốn biếu Linh ít tiền để ăn uống dọc đường nhưng em ấy nhất quyết không nhận. Tôi đưa 2 chai nước suối thì em ấy chỉ lấy 1 chai và nói khi nào uống hết thì xin tiếp. Sau 30 phút nói chuyện, Linh xin phép tôi để tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi thấy rất nể Linh, dù còn nhỏ tuổi nhưng có nghị lực lớn. Vì thấy Linh đặc biệt nên tôi mới xin số điện thoại, kết bạn để theo dõi chuyến đi của em ấy".

Anh Đỗ Hoài Nam, 33 tuổi, Hà Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.