Chạy đua mô hình phân tích để phòng chống dịch

Khánh An
Khánh An
26/03/2020 07:15 GMT+7

Các nước đang gấp rút phát triển, áp dụng các mô hình phân tích, dự báo nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 .

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thiếu các bộ xét nghiệm và có khả năng nhiều ca nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng, các nước đang chạy đua phát triển các mô hình theo dõi, dự báo nhằm kiểm soát mức độ, phạm vi lây nhiễm.

Ưu thế công nghệ

Theo tạp chí Forbes, chính phủ Mỹ đang tận dụng lợi thế từ các công ty công nghệ để phân tích dữ liệu về vị trí lây nhiễm, số liệu bệnh viện, cách ly và điều trị từ xa.

Sức mạnh trí tuệ nhân tạo

 
Theo tạp chí Forbes, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cảnh báo đại dịch giúp con người có thời gian chuẩn bị đối phó. Chẳng hạn như Công ty AI toàn cầu BlueDot vào ngày 31.12.2019 đưa ra cảnh báo đến các khách hàng kêu gọi tránh xa thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) trước khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mới đây, BlueDot dự báo các thành phố ở châu Á bùng phát dịch Covid-19 dựa trên phân tích về kế hoạch đi lại và các đường bay. Tại Mỹ, siêu máy tính Summit của Hãng IBM vừa xác định 77 hỗn hợp thuốc có thể chữa Covid-19 nhờ trang bị AI và tốc độ xử lý 200 triệu tỉ phép tính mỗi giây.

Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ tại Nhà Trắng mới đây kêu gọi cộng đồng công nghệ chung sức phát triển “kỹ thuật khai thác dữ liệu mới nhằm giải đáp các vấn đề liên quan đến Covid-19”, với sự tham gia của các hãng như Facebook, Google, Twitter, Apple, IBM và hơn 60 công ty công nghệ.
Facebook không chia sẻ vị trí của người dùng với chính phủ. Tuy nhiên hãng bắt đầu chia sẻ với giới nghiên cứu sau khi Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhằm hiểu rõ hơn về sự lây lan của vi rút thông qua dữ liệu về sự di chuyển và tiếp xúc của mọi người, theo trang Stat.

Dữ liệu từ điện thoại

Tại châu Âu, Cộng hòa Czech là nước đầu tiên công bố kế hoạch triển khai định vị các chủ thuê bao di động nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Theo AP, cơ quan chức năng có thể xác định các cụm bùng phát dịch, cơ chế lây lan và khi nào cần áp dụng các biện pháp cách ly. Bên cạnh đó, các chuyên gia tại Anh vừa đưa ra phần mềm Covid Symptom Tracker để xác định những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Người dùng cần cung cấp tuổi, giới tính, mã vùng điện thoại, bệnh sẵn có và cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày. Các chuyên gia hy vọng sẽ lập bản đồ trực tuyến về tình trạng lây lan Covid-19 trên cả nước.
Tại Đức, Hãng điện thoại Deutsche Telekom cho biết sẽ chia sẻ thông tin với Viện Robert Koch nhằm lập mô hình về sự di chuyển của người dân ở quy mô cộng đồng và cả nước nhằm giúp kiểm soát và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Cảnh báo, hỗ trợ người dân

Từ việc định vị người dân qua điện thoại di động, cơ quan chức năng Hàn Quốc tạo ra một bản đồ cho phép người dân kiểm tra xem họ có đi qua khu vực từng có bệnh nhân Covid-19 hay không. Chính phủ còn chủ động gửi tin nhắn đến những chủ thuê bao có thể đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Thông tin cực kỳ cụ thể như “một người nhiễm bệnh từng đến karaoke Magic Coin ở quận Jayang vào nửa đêm 20.2”, theo The Washington Post.
Cũng tại châu Á, Singapore đưa ra ứng dụng TraceTogether nhằm xác định những người đã tiếp xúc với người bệnh ở khoảng cách 2 m trong 30 phút nhờ công nghệ bluetooth.
Theo chuyên gia Michael Parker tại Đại học Oxford (Anh), ngày càng có nhiều người chủ động cài các ứng dụng theo dõi, giúp cơ quan chức năng định vị được những “điểm nóng” Covid-19. Trong khi đó, cựu chuyên gia công nghệ Ashkan Soltani tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ khuyến cáo rằng các mô hình kiểm soát từ xa cần kết hợp với việc tăng cường xét nghiệm để ngăn chặn Covid-19 hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.