Chi phí không chính thức 'có mặt' tại hầu hết các lĩnh vực

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/10/2019 09:29 GMT+7

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM, tại Hội thảo hôm nay (24.10) ở TP.HCM.

Hội thảo “Năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và những thách thức đối với doanh nghiệp” do CIEM, Australian Ad và Aus4Reform phối hợp tổ chức.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (thuộc CIEM) cho rằng, tình trạng thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Tất cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều cho biết phải chi trả chi phí không chính thức với mức cao cho các tổ chức kiểm định. Cụ thể, các tổ chức này thường yêu cầu doanh nghiệp phải chi ngoài với mức 25-30 triệu đồng/1.000 tấn gạo.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó trưởng phòng pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, dẫn số liệu do doanh nghiệp cung cấp trong khảo sát của VCCI cho thấy, có khoảng 54,8% doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức này. Ông Đức nhận xét, nếu so sánh với số liệu của các năm trước thì tỷ lệ này có giảm nhưng chỉ ở mức độ tương đối vì con số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức vẫn là rất lớn. Có tới 58,2% doanh nghiệp trả lời vẫn còn tồn tại tình trạng tham nhũng khi các cơ quan quản lý hành chính thực hiện quy định.
Nhiều trường hợp các thiết bị áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, thẩm quyền của Bộ Xây dựng kiểm tra thiết bị cần trục tháp, thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH lại thiết bị nâng, gồm cả cầu trục, rồi thẩm quyền của Bộ GTVT quản lý bao gồm các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt.
Hay trong lĩnh vực nhập khẩu trang thiết bị y tế, theo Thông tư 35/2015/TT-BYT, nhiều sản phẩm không thuộc diện phải xin xác nhận của Bộ Y tế nhưng một số cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. “Điều này gây khó khăn, bức xúc lớn cho doanh nghiệp, gây ách tắc và làm chậm thời gian giải phóng hàng; đồng thời làm phát sinh thủ tục hành chính, tạo áp lực công việc đối với cả Bộ Y tế. Quy định này thực hiện khác nhau ở các cửa khẩu”, bà Nguyễn Minh Thảo nhận xét. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp. Theo chuyên gia, dù theo chỉ thị của Thủ tướng mỗi năm cơ quan chỉ thanh kiểm tra 1 lần nhưng thực tế cơ quan quản lý trong các lĩnh vực thường không kết hợp với nhau để thanh kiểm tra. Và khi cơ quan quản lý tới thanh kiểm tra nội dung thường tương tự nhau nhưng không doanh nghiệp nào dám phản ánh bị “thăm hỏi” nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.